Rưng rưng hoa gạo tháng ba!
Tháng Ba mùa hoa gạo về… Khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật “Tháng Ba - mùa hoa gạo” |
Rặng cây hoa gạo chạy dài tít tắp ở thôn Đoan Nữ ( xã An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Nội) đã thu hút nhiều chị, em đến chụp ảnh |
Tôi nhớ những ngày nhỏ, mỗi dịp tháng ba, hoa gạo lại nở bung rực một góc trời, là tụi học trò chúng tôi lại í ới gọi nhau vội vã chạy ra đầu làng, lấy gậy chọc những bông hoa đem lên lớp chơi để đêm về màu đỏ của hoa gạo vẫn cứ chập chờn trong giấc ngủ.
Hoa gạo còn có tên gọi khác hoa mộc miên |
Hoa gạo nở gợi nhắc về mùa thi, khiến những cô cậu học trò cuối cấp, thổn thức, rưng rưng. Năm cuối cấp 3, cứ chiều chiều tan học, về ngang cây gạo trên bến sông là chúng tôi lại để cặp sách bên gốc gạo, ngắm cả khoảng không gian rực rỡ đỏ. Rồi nhìn dòng sông lặng lẽ trôi về bến bờ xa thẳm. Đứa mừng vui nói về dự định thi vào trường đại học mà mình mơ ước, đứa theo người thân vào Nam học nghề, lập nghiệp… Cô bạn thân dựa vai tôi bên gốc gạo, mê mải xoay những bông gạo rụng trong lòng tay rồi nhìn xa xăm ra mặt sông ngan ngát gió, say sưa kể về sự tích hoa gạo.
Hoa gạo đỏ rực trong tiết trời tháng 3 khiến nhiều người bâng khuâng nhớ về kỷ niệm tuổi thơ |
“Chuyện kể rằng ở một bản nọ có chàng trai nghèo khỏe mạnh, yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật. Dân bản trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung. Chẳng dè Ngọc Hoàng giữ lại làm thần mưa, nàng ở lại dưới trần ngày đêm vò võ trông đợi.
Một ngày tháng ba, xuống hạ giới, Ngọc Hoàng thương xót cho cô gái một điều ước. Nàng thưa: “Xin người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống. Nhìn những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần mưa rơi lã chã. Người ta gọi đó là hoa gạo, loài hoa đỏ rực như tình yêu nồng thắm”.
Khung cảnh bình yên của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ |
Thế đó, cây gạo đã gắn bó thân thiết với tuổi thơ chúng tôi, với câu chuyện cổ tích, với những kỷ niệm tuổi học trò để rồi ai đi xa cũng bồi hồi, nao nao nhớ về tháng ba hoa gạo đỏ ngút trời…Giờ đây, giữa dòng đời xuôi ngược, bất chợt đọc một bài thơ, nghe một bản nhạc về hoa, lòng lại bâng khuâng, bùi ngùi xao xuyến khôn nguôi:
Cây gạo ấy bây giờ em vẫn nhớ
Năm tháng đi phai sắc đỏ mỗi mùa
Tuổi thơ em với bạn bè đồng lứa
Nhặt vỏ sò trên cát vắng ven sông...
(Nỗi niềm tháng ba, Bình Nguyên Trang).