Quảng Ninh đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào cuộc sống
Quảng Ninh: Từ "người tìm đường" đến ngày "hái quả ngọt" OCOP Quảng Ninh: Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển |
Triển khai Đề án Xây dựng chính quyền điện tử nhằm hiện đại hóa nền hành chính, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong của cả nước thực hiện đầu tư mạnh mẽ cho CNTT, nhất là ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tỉnh đang từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hạ tầng CNTT phù hợp với chiến lược, quy hoạch và nhu cầu phát triển.
Một tiết học Toán ứng dụng CNTT của học sinh Trường THCS Cao Thắng, TP Hạ Long |
Đến nay, bộ thủ tục hành chính (TTHC) của 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) của Quảng Ninh đã được hoàn thiện, chuẩn hóa 13 trung tâm hành chính công cấp huyện, 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với hạ tầng CNTT đồng bộ. Tỉnh cũng đã mở rộng, hoàn thiện mạng diện rộng WAN của tỉnh đến cấp xã với 342 đơn vị, 345 đường truyền. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đến cấp xã với 239 điểm cầu đảm bảo chất lượng HD để tổ chức các cuộc họp trực tuyến trên toàn tỉnh.
Từ năm 2019 Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi, nhận tài liệu qua môi trường mạng, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống quản lý giao thông thông minh mới được Công an tỉnh đưa vào vận hành |
Đặc biệt, năm 2016, Đề án xây dựng thành phố thông minh đã được phê duyệt. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Trong đó, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng và ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông, du lịch giúp cải thiện và nâng cao sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả công việc. Hiện, tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh đặt tại trụ sở HĐND, UBND tỉnh. Trung tâm cho phép sử dụng CNTT phân tích để đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề. Đồng thời, kịp thời giải quyết ý kiến đóng góp của người dân về các sự cố liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng app Smart Quảng Ninh. Ngoài ra, một số địa phương như: TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái... đang tập trung triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý, điều hành và chỉ đạo.
Cùng với đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng. Đơn cử như ngành Giáo dục, toàn tỉnh đã có 46 trường với 551 lớp học thông minh, mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh, phụ huynh trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
Cô Đặng Hồng Sâm, Hiệu phó Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long, cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, ngành và địa phương, trường đã đầu tư đồng bộ 31 phòng học thông minh và nhiều thiết bị hiện đại. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, khai thác tối đa tiện ích của thiết bị. Từ đó, tạo sự hứng thú trong học tập của các em, tăng cường sự tương tác giữa cô và trò, đáp ứng mục tiêu đổi mới toàn diện về giáo dục.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho người nộp thuế, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã chú trọng ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế như: Triển khai khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Năm 2019, ngành Thuế đã triển khai dịch vụ thuế điện tử E-Tax thay thế cho 2 hệ thống cũ là khai thuế và nộp thuế điện tử.
Hiện, 100% người nộp thuế đã chuyển sang sử dụng dịch vụ thuế điện tử thuận lợi, tiết kiệm được thời gian, chi phí kê khai, nộp thuế. Cục Thuế đã xây dựng phần mềm nhắc nộp tờ khai cho người nộp thuế được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đồng thời, đưa hơn 60% thủ tục hành chính của ngành Thuế vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Đơn vị cũng tiên phong trong việc triển khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế GTGT bằng phương thức hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên diện rộng. Tới nay, đã có 6.000 người nộp thuế đăng ký sử dụng HĐĐT, chiếm hơn 70% tổng số người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn. Qua đó, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, thúc đẩy KT-XH địa phương.