Quảng Ngãi, Quảng Nam cấp tập ứng phó với bão số 9
Người dân ven biển đang gia cố lại nhà cửa, bờ tường (Ảnh: Xuân Khánh) |
Trưa 26/10, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phát công điện hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bão số 9. Yêu cầu cơ quan chức năng các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm tất cả phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (cả tàu vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20h ngày 26/10, cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết...
Quảng Ngãi: “chạy đua” ứng phó với bão
Theo dự báo, khi bão số 9 cập bờ, các vùng trọng điểm của huyện Mộ Đức bị ảnh hưởng trực tiếp là các xã ven biển: Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Minh và Đức Phong. Ngay trong chiều 26/10, các lực lượng tại chỗ ở địa phương đã hỗ trợ các hộ dân chằng chống nhà cửa. Riêng tại xã Đức Lợi, hơn 500 hộ dân đã nhận thông báo phải sơ tán để tránh bão.
Vùng biển Quảng Ngãi sóng đang lớn dần (Ảnh: Xuân Khánh) |
Hiện trên địa bàn huyện Mộ Đức có trên 7.700 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 phải di dời. Trong đó, di dời tại chỗ là trên 3.500 hộ tương ứng với 13.242 nhân khẩu, di dời sơ tán là trên 4.200 hộ tương ứng với 16.366 nhân khẩu.
Huyện Mộ Đức sẽ ưu tiên bố trí xen ghép và sơ tán tập trung tại trụ sở UBNND xã, trường học, trạm y tế, các nhà an toàn và các trụ sở trên địa bàn. Huyện đang tích cực huy động lực lượng xung kích mỗi xã, thị trấn là 50 người gồm Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, đội thanh niên xung kích huyện để tới các khu dân cư hướng dẫn, giúp đỡ bà con thực hiện các phương án ứng phó với bão.
“Nhà nằm ở vị trí bãi ngang, thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi gió bão và triều cường nên mấy hôm nay tôi đã tranh thủ mua dây thừng về chằng buộc lại mái tôn”, ông Lê Ca, nhà ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức) cho biết.
Bên cạnh chằng chống nhà cửa, gia đình ông Ca cũng mang đồ đạc gửi nhà hàng xóm, chuẩn bị tinh thần để di dời.
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức họp khẩn với các xã để triển khai các phương án di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và chằng chống nhà cửa, chặt bỏ bớt cây cối để tránh ngã đổ vào nhà. Đây là cơn bão mạnh, có nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn huyện nên Mộ Đức đang hết sức chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai cấp độ 4”.
Ở những nơi sát bờ biển, người dân dùng bao cát làm kè để tránh sạt lở (Ảnh: Xuân Khánh) |
Trong khi đó, ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết, nếu bão số 9 ở cấp độ 4 thì toàn huyện phải di dời trên 5.000 hộ dân với trên 20.000 nhân khẩu. Hiện công tác di dời đang được tích cực triển khai từ sáng nay (27/10), trong đó ưu tiên cho khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường. Việc di dời sẽ hoàn thành trước 17h chiều nay (27/10).
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết sáng nay (27/10) huyện khẩn trương đi kiểm tra, ra soát lại việc triển khai các phương án ứng phó với bão số 9. Trước đó, huyện Lý Sơn cũng đã thông báo cho du khách rời khỏi Lý Sơn trước khi bão vào; Kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú tại các vũng neo đậu; Kiến nghị mở hầm quân sự để cho dân vào tránh trú nếu cần thiết…
Quảng Nam: di dời toàn bộ dân xã đảo Tam Hải đến nơi an toàn
Tương tự Quảng Ngãi, theo dự báo, Quảng Nam có thể nằm trong những tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của bão số 9 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, 13, giật cấp 15. Do đó, tỉnh này cũng đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão.
Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) được dự báo có khả năng chịu ảnh hưởng nặng bởi bão số 9. Trong chuyến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 tại đảo Tam Hải vào chiều qua (26/10), ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng có kế hoạch, khẩn trương và kiên quyết đưa toàn bộ người dân trên đảo, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thăm hỏi người dân xã Tam Hải trong việc ứng phó với bão số 9 (Ảnh: Xuân Khánh) |
Những cơ sở sẽ được sử dụng làm nơi trú ẩn an toàn cho người dân Tam Hải khi bão đến như trụ sở làm việc, trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… được ông Phan Việt Cường và đoàn công tác kiểm tra, yêu cầu gia cố thêm khả năng phòng chống bão.
Trong khi đó, sau các vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại các huyện miền núi của Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền tiến hành rà soát toàn bộ hiện trạng khu vực doanh trại. Đến chiều tối 26/10, việc sơ tán cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan (huyện Tây Giang) đã hoàn tất, khi sạt lở gây nứt tường doanh trại này.
Đưa hàng ra Cù Lao (Ảnh: Xuân Khánh) |
Ở diễn biến khác liên quan đến việc ứng phó với bão số 9, sáng 27/10, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, chiều qua tàu hậu cần nghề cá đã đưa hơn 10 tấn hàng gồm gạo cùng nhu yếu phẩm khác ra Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp). Số hàng này đủ phục vụ người dân và cán bộ chiến sĩ trên đảo hơn 10 ngày.
Được biết, hơn nửa tháng qua thời tiết xấu, biển động liên tục khiến nhiều người dân bị kẹt lại ở đất liền và trên đảo. Qua đề nghị của xã Tân Hiệp, 2 ca nô cao tốc được điều động đưa đón hơn 100 người dân ra vào đảo trong ngày 26/10. Đồng thời, cơ quan chức năng huy động tàu hậu cần nghề cá chở hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm ra đảo phục vụ trong thời gian chống bão.