Quảng Nam: Thúc đẩy thi hành dứt điểm các bản án hành chính
Hội đồng xét xử tuyên người dân thắng kiện trong vụ án liên quan đến đất ghi mục đích sử dụng là thổ cư tại Quảng Nam |
Tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành trong kỳ báo cáo của tỉnh Quảng Nam là 35 vụ. Trong đó, số từ năm trước chuyển sang 16 vụ, số phát sinh trong kỳ báo cáo 19 vụ, số thi hành xong 11 vụ, số chưa thi hành xong 24 vụ.
Bên phải thi hành án chưa nắm được nội dung Luật Tố tụng Hành chính
Qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị và theo dõi thực tế cho thấy, công tác thi hành án hành chính trong trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bước đầu đã đi vào nề nếp. Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, đặc biệt là Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã và đang trở thành công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Mặc dù đây là nhiệm vụ khá nhạy cảm song các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện theo đúng quy định Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; Qua đó, đã góp phần vào việc hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án về vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân có liên quan.
Tuy nhiên, việc thi hành án vẫn còn tồn tại những hạn chế, trong đó, công tác quán triệt, triển khai Luật Tố tụng Hành chính và các văn bản về thi hành án hành chính hiệu quả chưa cao, phần lớn các đơn vị phải thi hành án trong bản án hành chính chưa nắm được nội dung Luật và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nên việc tự nguyện thi hành án còn chậm; Nhận thức của cán bộ và Nhân dân về công tác thi hành án hành chính còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số cơ quan hành chính Nhà nước (bên phải thi hành án) không thống nhất với nội dung bản án nên đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục Giám đốc thẩm dẫn đến việc tổ chức thi hành chậm.
Ngoài ra, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa cụ thể, chưa rõ ràng, buộc cơ quan hành chính thực hiện các nội dung (bồi thường, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì không thể thực hiện nội dung mà Tòa án đã tuyên, dẫn đến tình trạng kéo dài việc thi hành án do không có cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành.
Những bản án liên quan đến đất thổ cư vẫn đang là vấn đề nóng tại các phiên tòa tại Quảng Nam (Ảnh minh họa) |
Theo UBND tỉnh, đối với các vụ án hành chính liên quan đến việc xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đối với các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi gộp loại đất là: Thổ cư, “T”, đất ở và vườn (cấp theo Nghị định số 64/CP) sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 nhưng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013… khi xét xử vụ án, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện, buộc các cơ quan có thẩm quyền phải xác định toàn bộ diện tích đất được cấp giấy chứng nhận ghi gộp loại đất Thổ cư, “T”, đất ở và vườn là đất ở.
Trong khi đó, căn cứ theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật có liên quan thì việc công nhận như vậy là không đúng quy định nên các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chuyên môn gặp khó khăn trong việc thi hành đối với các vụ án này.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai còn chồng chéo, chưa thống nhất, nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau điều chỉnh và có nhiều thay đổi qua các thời kỳ dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất để thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Liên quan đến thi hành bản án hành chính, người dân yêu cầu xử lý trách nhiệm UBND TP Hội An |
Bên phải thi hành án chưa thực sự nghiêm túc, gương mẫu
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân chậm thi hành án là do một số cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước (bên phải thi hành án) chưa thực sự nghiêm túc, gương mẫu trong việc thi hành án hành chính. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của một số cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý, trong khi thi hành án hành chính theo pháp luật hiện hành vẫn là cơ chế “tự thi hành”.
Một nguyên nhân khác, số lượng bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành ngày càng tăng, có tính phức tạp cao. Hầu hết các bản án, quyết định phải thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai. Đây là lĩnh vực rất phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo đó có nhiều biến động, trong khi hệ thống các quy định của pháp luật đất đai thường xuyên thay đổi.
Để công tác thi hành án hành chính trên địa bàn đạt được kết quả tốt, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Tòa án Nhân dân các cấp, tiếp tục nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, hạn chế sai sót, bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng tồn tại một số bản án tuyên chung chung, thiếu rõ ràng và không khả thi trên thực tế.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cung cấp kịp thời các bản án, quyết định về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật để việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đảm bảo thời hạn theo luật định.
Bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng rất khó khăn trong việc thi hành án |
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét, giải quyết kịp thời các kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và chưa phù hợp với thực tiễn.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất nội dung liên quan đến việc xét xử các vụ án hành chính việc xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đối với các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi gộp loại đất là Thổ cư, “T”, đất ở và vườn (cấp theo Nghị định số 64/CP) sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 nhưng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đôn đốc, kiểm tra việc thi hành bản án hành chính có hiệu lực pháp luật, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các Sở, ban, ngành và UBND các cấp trên địa bàn; Thúc đẩy việc thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành; Hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc hành chính có thể bị khởi kiện ra Tòa án.