Quảng Nam: Chính thức khởi công dự án tu bổ di tích Chùa Cầu ở Hội An
Năm Du lịch quốc gia 2022 - cú hích cho du lịch Quảng Nam phát triển Quảng Nam: Yêu cầu cung cấp số liệu việc chuyển nhượng tại 104 dự án bất động sản |
Thực hiện nghi thức khởi công dự án ti bổ di tích Chùa Cầu - Hội An |
Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư. Theo đó, nguyên tắc cơ bản bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm thay đổi những đặc điểm căn bản tạo nên giá trị di tích. Trong quá trình triển khai, vẫn đảm bảo giao thông qua lại đồng thời tạo điều kiện cho khách tham quan quá trình tu bổ.
UBND TP.Hội An đã giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (QLBT DSVH) thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 20,2 tỷ đồng; Trong đó từ Ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%; ngân sách TP Hội An bố trí 50%. Thực hiện giai đoạn 2022-2023.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm QLBT DSVH Hội An cho biết: Đối với dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, nguyên tắc cơ bản bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, duy trì đồng thời giá trị và chức năng di tích, mọi sự can thiệp phải trên cơ sở tôn trọng khoa học, lịch sử và đảm bảo ổn định lâu dài...
Đông đảo các ban ngành, đoàn thể, người dân Hội An và đại diện từ Nhật Bản tham dự lễ khởi công |
Chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, di tích đặc biệt này là sự hội tụ, kết hợp hòa nguyện các thành phần, giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập, phương Đông - phương Tây, tạo nên một chỉnh thể đa dạng trong thống nhất, trở thành biểu trưng của thành phố Hội An. Được hình thành vào thời gian đầu của đô thị thương cảng Hội An sầm uất thời Trung đại (cuối TK XVI, đầu XVII), đến nay, di tích này đã trải qua khoảng 400 năm tồn tại nên không tránh khỏi sự xuống cấp.
Theo tư liệu, di tích này đã ghi nhận nhiều lần hư hỏng, xuống cấp, phải can thiệp, tu sửa (năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917, 1962, 1986, 1996,…). Qua các lần tu sửa trước đây, các cấu kiện thuộc hệ khung gỗ, các vật liệu bằng gỗ, vôi, gạch, hệ mái ngói âm dương, con giống, bờ nóc, bờ chảy… hầu hết bị thay đổi ít nhiều, chỉ riêng phần móng cầu còn giữ được gần như nguyên vẹn.
Các giải pháp, mức độ can thiệp ở những lần tu sửa trước đây chỉ dừng lại ở việc gia cố, gia công, dặm dọi, thay thế các vị trí hư hỏng nhằm duy trì sự ổn định cục bộ, tạm thời cho di tích nên thời gian qua, đặc biệt vào thời điểm này, ghi nhận di tích đã thực sự xuống cấp nguy hiểm.
Do đó, việc tu bổ sẽ góp phần bảo tồn di tích, gìn giữ tối đa giá trị cốt lõi di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An, góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, tạo môi trường tốt cho việc nâng cao giá trị và phát huy di tích.
Chùa Cầu Hội An cũng là biểu tượng tình hữu nghị và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản |
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm QLBT DSVH Hội An, để công tác tu bổ được khoa học, đảm bảo tính chân xác và các nguyên tắc bảo tồn, thời gian qua, Trung tâm QLBT DSVH Hội An cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tiến hành khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu di tích trên nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, hiện trạng kỹ thuật công trình kết hợp với tham vấn cộng đồng…
Dự án cũng đã nhận được sự tài trợ từ quỹ Sumimoto của Nhật Bản từ nguồn ngân sách 2020 dành cho các dự án về bảo vệ, bảo tồn và trùng tu tài sản văn hóa ngoài Nhật Bản. Nguồn quỹ này phục vụ cho công tác khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di tích và một số hoạt động liên quan đến quá trình tu bổ, là điều kiện rất tốt để đảm bảo cho di tích Chùa Cầu được trùng tu đảm bảo về quan điểm, nguyên tắc và các giải pháp đề ra, đảm bảo chất lượng, hàm lượng khoa học cao trong hoạt động tu bổ di tích.
Quy mô đầu tư tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; Số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ di tích bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.
Một số giải pháp chung như: Lắp đặt nhà bao che vừa bảo quản di tích, bảo vệ công trình và phục vụ công tác thi công, đảm bảo giao thông qua lại đồng thời tạo điều kiện cho khách tham quan quá trình tu bổ. Việc hạ giải bao gồm toàn phần hay từng phần sẽ được xem xét thấu đáo trước khi thực hiện.