Phụ nữ Nhật Bản… chưa thể “tỏa sáng”
Phụ nữ Nhật Bản thường được cho là phải có trách nhiệm chăm lo gia đình, con cái chu toàn mà không cần phải đi làm (Ảnh minh họa)
Điều đáng nói, hành động hạ điểm các nữ thí sinh của hội đồng tuyển sinh trường Đại học Y Tokyo được chính Ban Giám hiệu nhà trường trực tiếp chỉ thị và đã kéo dài từ nhiều năm nay. Lãnh đạo ngôi trường này ngày 8/8 đã phải cúi đầu xin lỗi vì bê bối này.
Ban Giám hiệu trường Đại học Y Tokyo ngày 8/8 cúi đầu xin lỗi sau bê bối hạ điểm thi của thí sinh nữ |
Bê bối loại sinh viên nữ
Theo tờ Yomiuri Shimbun, tờ báo đầu tiên tố cáo các sai phạm của trường Đại học Y Tokyo, việc này có thể đã diễn ra từ năm 2011 đến nay. Những sai phạm này chỉ bị phát hiện sau khi có một cuộc điều tra nội bộ được tiến hành nhằm xác minh một vụ việc khác. Đó là cáo buộc Ban Giám hiệu nhà trường nhận hối lộ của một quan chức cấp cao trong Bộ Giáo dục để con trai ông này thi đỗ.
Yomiuri Shimbun cho rằng, việc chỉnh sửa điểm đã bắt đầu từ năm 2011, sau khi số lượng thí sinh nữ đỗ vào Đại học Y Tokyo đạt mức 38% vào năm 2010. Kết quả, ngôi trường nổi tiếng danh giá trên đã bắt đầu bí mật hạ điểm thi thực của thí sinh nữ, đồng thời tăng điểm cho thí sinh nam nhằm giữ số lượng thí sinh nữ đỗ đầu vào ở mức 30%. Thậm chí, năm nay chỉ có 18% thí sinh trúng tuyển vào trường đại học này là nữ.
Tại Nhật, các sinh viên nữ tốt nghiệp ngành y thường không được chào đón khi vào làm tại các bệnh viện (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân của hành động phân biệt đối xử này được cho là vì tỷ lệ nữ bác sĩ bỏ nghề sau khi lập gia đình cao. Mặt khác, nhiều nữ bác sĩ có xu hướng từ chối những việc khó khăn như phẫu thuật hay đến các vùng sâu vùng xa công tác. Vì những lý do này, Ban Giám hiệu nhà trường cho rằng cần kiểm soát số lượng nữ giới tham gia vào ngành y tế ngay từ kỳ thi đầu vào, nhằm tránh lãng phí công sức đào tạo.
Theo đài NHK, việc hạ điểm một cách có hệ thống này đã khiến ít nhất 10% số thí sinh nữ đủ điểm đỗ mỗi năm bị đánh trượt. Điều này dẫn tới việc hàng trăm nghìn nữ sinh đã bị trượt đại học một cách vô lý trong suốt nhiều năm qua. Hiện tại, Chính phủ Nhật đang yêu cầu trường Đại học Y Tokyo nhanh chóng báo cáo chi tiết về kết quả điều tra.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên nữ đỗ vào các trường y khoa khác trên toàn quốc cũng luôn “dậm chân” tại mức 30% trong hơn 20 năm qua. Nhiều suy đoán cho rằng, các trường y khác cũng can thiệp vào điểm số tương tự như trường Đại học Y Tokyo. Chính sách giáo dục kỳ thị nam nữ này đã bị dư luận Nhật Bản phản đối gay gắt sau khi bị công khai.
“Bất kỳ quá trình thi cử nào phân biệt đối xử với phụ nữ đều không thể chấp nhận được”, bà Seiko Noda, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Nhật phát biểu. Bà Yoshiko Maeda, Chủ tịch Hội nữ sinh Nhật Bản cho hay: “Trong thời đại cả xã hội đều ủng hộ môi trường lao động bình đẳng giữa nữ giới và nam giới, quan điểm của trường Đại học Y Tokyo mặc định rằng nữ giới không thể theo ngành y là một điều hết sức sai lầm”.
“Vai phụ” trong xã hội
Nạn phân biệt giới tính từ lâu đã là vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật Bản. Vụ việc mới nhất ở trường Đại học Y Tokyo chỉ là ngành giáo dục. Tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, dường như sự cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Trong bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, Nhật Bản đứng thứ 114 trong số 144 nền kinh tế. Qua đó, Nhật là quốc gia có chỉ số bình đẳng giới thấp nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển.
Japan Times dẫn số liệu thống kê cho thấy, gần 50% phụ nữ ở Nhật Bản tốt nghiệp đại học, tỷ lệ thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Điều này cho thấy, phụ nữ xứ mặt trời mọc được thụ hưởng sự giáo dục hầu như không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Dù vậy, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Hiện tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 68,5%, theo Nikkei Asia Review. Đáng nói, tỷ lệ nữ giới giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị của nước này vẫn còn thấp. Chỉ có hai trong số 20 Bộ trưởng trong nội các của Nhật là phụ nữ, trong khi không có công ty Nhật nào trên bảng xếp hạng của Nikkei có lãnh đạo là nữ.
Nhật Bản đứng thứ 114 trên tổng 144 nền kinh tế trong bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017 (Ảnh: Getty) |
Bà Keiko Takegawa, người đứng đầu Văn phòng bình đẳng giới của Chính phủ Nhật cho hay, tỷ lệ nữ giới tham gia vào một số lĩnh vực ở Nhật Bản thậm chí còn tồi tệ hơn cả các quốc gia Trung Đông hay Ả Rập. Chỉ có 10% các nhà lập pháp là nữ, trong khi con số này ở Iraq là 27%. Trong khi đó ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Nhật Bản chỉ có 15% nữ khoa học gia, trong khi Libya có tới 25%.
Tại Nhật, khi phụ nữ có đứa con đầu tiên, họ thường nghỉ việc để chăm sóc con cái. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ môi trường làm việc tại các công ty. Người phụ nữ sau khi kết hôn và sinh con không được tạo điều kiện quay lại công việc chính thức ban đầu, hầu như chỉ được nhận những công việc bán thời gian, lương thấp, không có chế độ đãi ngộ.
Nếu được đi làm thì họ phải sắp xếp công việc sao cho có thời gian lo cho con, thậm chí bị các đồng nghiệp khác chỉ trích nếu được tạo điều kiện tan làm sớm. Chưa hết, những người phụ nữ có con mà vẫn đi làm còn bị xã hội lên án là “không chăm sóc con cái”. Áp lực gia đình, xã hội, mức lương lại thấp hơn, quyền lợi và triển vọng nghề nghiệp ít hơn... Tất cả những lý do đó đã trở thành “vật cản”, kìm chân phụ nữ Nhật Bản. Chính phủ Nhật ước tính hiện có khoảng 2,7 triệu phụ nữ muốn đi làm nhưng không thể, tờ Economist cho biết.
Năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng đưa ra kế hoạch nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động. Ông Abe nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến đến một xã hội nơi “mọi phụ nữ đều có thể tỏa sáng” và hứa hẹn đến năm 2020, phụ nữ sẽ nắm giữ 30% các vị trí lãnh đạo tại Nhật Bản. Tuy nhiên, chính sách của ông Abe bị chỉ trích là chỉ nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà thiếu đi việc cải thiện văn hóa trong xã hội, giảm bớt sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ nói chung. Chỉ khi nào quan điểm bình đẳng giới trong xã hội được cải thiện, vai trò của lao động nữ được ghi nhận, phụ nữ Nhật Bản khi ấy mới thực sự được “tỏa sáng”.