Phụ cấp, thâm niên bị bãi bỏ, giáo viên “kêu trời”
Phụ cấp, thâm niên bị bãi bỏ có thể thành "rào cản" khiến giáo viên không "mặn mà" với nghề (ảnh minh họa)
Bài liên quan
Tập huấn cho 300 giáo viên cốt cán kiến thức về giáo dục Lịch sử
Dạy học trò từ những mô hình sáng tạo
Cô giáo mầm non chủ động ứng dụng công nghệ trong dạy học
Thiếu nhi Hoàng Mai học cách phòng cháy chữa cháy qua “Sân chơi cuối tuần”
Khai mạc lớp đào tạo phụ trách thiếu nhi Thành đoàn Viêng Chăn (Lào)
Bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới cho gần 1900 giáo viên cốt cán
Xoay sở ra sao với đồng lương eo hẹp?
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Trong báo cáo được trình bày có đề xuất từ 1/7/2020 tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Nếu mức tăng lương như trên được Quốc hội chấp thuận, mức lương cơ sở năm 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng). Đây là điều đáng mừng đối với số đông người lao động. Tuy nhiên, đối với các thầy cô giáo đã lâu năm gắn bó với nghề, những giáo viên giỏi được trưng dụng lên làm công tác chuyên môn ở các sở, phòng GD – ĐT thì đây là một nỗi trăn trở lớn.
Theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ viên chức, công chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, bắt đầu từ 1/1/2021, áp dụng chế độ tiền lương mới với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị. Theo đó, sẽ không còn phụ cấp thâm niên, các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm… Tất cả đều được đưa vào lương theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp, đặc thù nghề nghiệp.
Cô Nguyễn Thị Hiền (giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Có thể hiểu là từ thời điểm đó, thu nhập của nhà giáo sẽ không còn được cộng thêm các khoản phụ cấp đứng lớp, vùng miền theo tính chất phức tạp của nghề, vị trí việc làm. Theo cách hiểu của nhiều người, không còn các chế độ phụ cấp, chỉ còn lương cơ bản thì mức tăng lương chỉ cao hơn đối với những giáo viên mới ra trường nhận công tác”.
Thông tin về sự thay đổi chính sách tiền lương khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực cũng khiến cô Phạm Thị Kim Loan (giáo viên dạy Văn một trường THPT ở quận Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy vô cùng hoang mang. Cô Kim Loan chia sẻ: “Hiện nay, mức lương cơ bản của tôi có hệ số 2,67, vào khoảng gần 4 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, tôi được hưởng thêm 30% phụ cấp đứng lớp và 1% thâm niên. Tổng thu nhập hàng tháng là 4,754 triệu đồng”.
“Làm một phép so sánh đơn giản, lương công nhân vào các nhà máy, xí nghiệp mức lương tối thiểu dành cho lao động vùng 1 là 3,750 triệu đồng, lao động đã qua đào tạo vùng 1 là 4,012 triệu đồng chưa tính đến các khoản phụ cấp xăng xe, nhà ở, làm thêm giờ. Hay đơn giản hơn, so sánh với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhiều gia đình đang trả cho giúp việc đều cao hơn hẳn so với giáo viên. Vậy mà, phụ cấp, thâm niên cũng không còn, chúng tôi không biết sẽ xoay sở ra sao với đồng lương eo hẹp?”, cô Kim Loan bày tỏ.
Để thầy cô không quá thiệt thòi...
Thông tin về thay đổi chính sách tiền lương khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực không chỉ có tác động sâu sắc tới các thầy, cô giáo công tác ở các thành phố lớn như Hà Nội mà với nhiều giáo viên “bám bản”, đó cũng là “cú sốc”.
Thầy giáo Vũ Văn C. đã có hơn chục năm “bám bản” ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tâm tư: “Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm ở Hưng Yên, tôi về công tác ở huyện nhà 2 năm rồi lên Điện Biên dạy học. Không cần nói chắc ai nghe đến Mường Nhé cũng hiểu điều kiện giao thông, cơ sở vật chất dạy và học ở đây khó khăn đến mức nào. Mỗi năm, tôi chỉ về nhà 2 lần”.
Đối với thầy giáo C cũng như nhiều giáo viên khác đang công tác ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn của đất nước, chế độ trợ cấp với nghề được ban hành không ngoài mục đích động viên các thầy cô bám bản, bám trường, dạy chữ rèn người cho học sinh. Vì vậy, nếu phụ cấp cũng không còn thì thực sự là một thiệt thòi rất lớn đối với họ.
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã khẳng định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị về nâng thang bậc lương của giáo giới dù nhiều lần đưa ra nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Không còn phụ cấp đặc thù, không được hưởng phụ cấp thâm niên, có thể dễ dàng nhẩm tính thu nhập của nhà giáo chắc chắn thay đổi theo hướng giảm so với trước.
Cô Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, đối diện với thông tin này, các thầy, cô giáo đều cảm thấy rất buồn. Thậm chí ở không ít địa phương, giáo viên đã nộp đơn xin thôi việc. Thực sự cuộc sống của các thầy cô còn rất nhiều khó khăn với đồng lương eo hẹp.
"Là người làm công tác quản lý, tôi cũng cảm thấy xót xa. Không ít giáo viên hết giờ dạy phải tất tả đi “ship” hàng, bán hàng online trên mạng xã hội để đảm bảo cuộc sống. Nếu không có sự thay đổi cho phù hợp, tôi nghĩ rất khó để thu hút được nhân tài đến với nghề. Trước mắt, tôi mong rằng các cấp làm chính sách có những kiến nghị, sửa đổi, bổ sung kịp thời để các thầy cô giáo không quá thiệt thòi”, cô Lý tâm sự.