Phòng cháy ở những khu nhà trọ: Không thể lơ là!
Cháy nhà trọ lúc nửa đêm, bước đầu xác định 14 người chết |
Bài học đau sót từ "giặc lửa", phải siết chặt quản lý nhà trọ |
Những khu nhà trọ chật hẹp rất dễ cháy, nổ và khó thoát hiểm |
Nơm nớp nỗi lo mất an toàn
Qua khảo sát, đa số các nhà trọ, nhà cho thuê để ở nằm trong các ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Từ lối thoát nạn, ngăn cháy lan, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa đến trang bị phương tiện chữa cháy… hầu như đều chưa bảo đảm.
Bên cạnh đó, hầu hết người cho thuê cũng như người thuê trọ chưa nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ, yếu tố gây cháy lan, cháy lớn, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của còn hạn chế.
Đặc biệt là thái độ chủ quan, mất cảnh giác, lơ là trong việc sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt như thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, đun nấu, hút thuốc; hệ thống điện với các hiện tượng đấu nối, câu móc và không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế. Trên thực tế, đã có nhiều vụ cháy, nổ xảy ra tại các khu nhà trọ trên địa bàn Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng về người và của.
Tại các khu vực bên cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), rất nhiều nhà trọ diện tích từ 12m2 đến 25m2 nhưng có từ 2 đến 4 người ở. Nhiều đồ đạc đều là chất dễ cháy được sắp xếp trong diện tích sử dụng này dẫn đến tải trọng chất cháy khá lớn. Ngoài ra, trong quá trình sinh hoạt, người thuê trọ còn mang các chất dễ cháy, nổ khác về nhà...
Nguy cơ cháy nổ càng hiện hữu khi bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ tăng cao.
Hầu hết các phòng trọ đều sử dụng gas để đun nấu. Đặc biệt, một số hộ gia đình thuê trọ còn sử dụng bình gas mini cho việc đun nấu và tái sử dụng vỏ bình để nạp lại gas. Điều này cực kỳ nguy hiểm khi khí gas hay vỏ bình gas không còn đủ độ an toàn cần thiết có thể dẫn tới cháy, nổ khí gas thậm chí nổ bình gas mini.
Phần lớn các cơ sở nhà trọ đã xây dựng lâu năm, thời điểm xây dựng đa số sử dụng với mục đích nhà ở hộ gia đình, sau đó chuyển đổi công năng thành nhà trọ không đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy... Các nhà trọ nằm trong khu dân cư thường có diện tích không lớn nên khi thiết kế, xây dựng ngôi nhà thường không có lối ra thoát nạn an toàn.
Hậu quả những vụ cháy chung cư mini, nhà trọ đã được cảnh báo rất nhiều |
Không chỉ ở các khu công nghiệp, các khu trọ trong nội thành Hà Nội cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Trong vai một người đi tìm nhà thuê trọ, phóng viên tìm tới phố Chùa Láng (quận Đống Đa). Chủ một nhà trọ đã dắt chúng tôi đi xem một số phòng trong khu trọ 5 tầng. Theo quan sát của chúng tôi, cả toà nhà dường như không có vật dụng chữa cháy.
Trong một căn phòng hơn chục mét vuông là chiếc bếp ga cũ kĩ chỉ cách bình ga 12kg có 1 phiến gạch đá hoa mỏng manh được kê hết sức tạm bợ. Hệ thống điện sơ sài, hộp kỹ thuật điện tổng không có nắp, dây điện đi nổi trên tường. Công tơ điện treo trên cao; phía trên công tơ điện là các đường dây dài kết nối với nhiều thiết bị trong phòng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chập điện, gây giật, hở điện cho người sử dụng... Trong một phòng trọ khác, có ổ điện vẫn còn để lại dấu vết đen, cháy xém do mới bị chập điện…
Vũ Trần Thu Huyền (sinh viên Học viện Ngoại giao, hiện đang thuê phòng trọ tại đây) chia sẻ: “Khu trọ của tôi hơi cũ, đã thế lại đông đúc dân cư nên tôi lo lắng hệ thống điện có thể bị quá tải. Phòng tôi thuê khá kín, xung quanh là bức tường cao của nhà hàng xóm, làm hẹp khu vực thoát hiểm”.
Để nhà trọ được an toàn…
Vấn đề an toàn cháy nổ trong các khu nhà trọ công nhân lại được đặt ra khi mùa hè nắng nóng gay gắt đã bắt đầu. Những nguy cơ cháy nổ hiện hữu từ sự chủ quan, lơ là của chủa nhà trọ lẫn người thuê.
Tại Hà Nội, lực lượng công an nhiều quận, huyện đã kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm đối với nhà trọ, nhà ở cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) trên địa bàn.
Các đơn vị đã mời các chủ cơ sở kinh doanh thuê trọ tham dự Hội nghị, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, hướng dẫn giải pháp khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy...; tổ chức kiểm tra, yêu cầu chủ cơ sở bố trí các giải pháp trước mắt như: Lắp đặt cửa chống cháy khu vực cầu thang bộ với khu vực để xe, bổ sung thang bộ thoát nạn ngoài nhà; bố trí lối ra mái, tạo lối ra thoát nạn khẩn cấp từng tầng, trang bị hệ thống báo cháy, lối thoát hiểm, bình chữa cháy…
Để chủ động trong công tác phòng, chống cháy nổ tại khu nhà trọ, anh Nguyễn Văn Cương (quản lý một khu nhà trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay gia đình tôi có 20 phòng trọ cho thuê. Để đảm bảo an toàn phòng cháy tại khu nhà trọ, từ khi xây, gia đình đã thiết kế cửa thoát hiểm cũng như tuân thủ mọi quy định an toàn về PCCC. Mỗi tầng trang bị 2 bình chữa cháy, trang bị camera giám sát, có lối thoát hiểm, trang bị thang dây… Đặc biệt, gia đình cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người thuê trọ cần đảm bảo an toàn cháy nổ, nhất là việc sử dụng điện, ga để đun nấu…”.
Được biết, nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an thành phố Hà Nội đã có khuyến cáo các tại khu nhà cho thuê trọ trên địa bàn. Theo đó, lực lượng chức năng khuyến cáo chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC; thường xuyên tự kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức người thuê trọ về công tác PCCC&CNCH.
Mỗi cá nhân, hộ gia đình tại các khu trọ, nhà cho thuê để ở cần chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho bản thân và người trong gia đình; chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực, xà beng… Người dân không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an thành phố Hà Nội yêu cầu người dân tự giác lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, automat…), thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn; tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, lúc ra khỏi nhà, phòng làm việc, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng.
Bên cạnh đó, người dân không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy, nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở; lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Khi xảy ra cháy, mỗi người hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…; tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đồng thời gọi điện thoại báo cháy ngay cho lực lượng chức năng…
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, sửa đổi bổ sung khoản 2; bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 6 nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy và chữa cháy”. Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khuyến cáo người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở và chủ hộ gia đình thực hiện tốt các biện phát an toàn như không dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xảy ra. Người dân phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ như rơ le, cầu dao, attomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm. |