Phố đông người nhưng thiếu đi những tấm lòng rộng lượng
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Công bố cuộc thi "Hoa hậu Kinh đô ASEAN 2020 – Miss Capital ASEAN 2020"
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Trần Lê Khánh là một điều mới mẻ, một tinh thần khác"
Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Hơn 21,5 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội kể từ đầu năm
Lễ ra mắt, công bố vương miện Hoa khôi Thủ đô
Đề xuất xây Bảo tàng TP HCM mới trị giá hơn 1.400 tỷ ở Quận 9
...Các em nhỏ hồn nhiên vâng dạ líu ríu bước chân đi. Trúc ngạc nhiên, kéo tay Thành, hỏi: “Cậu sao thế, cậu là người Hà Nội gốc, biết rõ đường mà tại sao lại không chỉ cho các em ấy”? Thành thản nhiên: “Chúng mình học hành bận rộn cả tuần, sắp xếp mãi mới được buổi sáng thư thả thế này, gửi xe tít tận đằng kia để đi bộ. Giờ nếu chỉ đường rất mất thời gian, có khi phải nói đi nói lại các em ấy chẳng nhớ, có khi lại còn phải giở bản đồ ra, vẽ đường cho các em ấy đi, thế thì bao giờ mình mới đi hết vòng Hồ Gươm. Chả có mình chỉ thì sẽ có người khác chỉ đường, lo gì”.
Trúc nhìn Thành, lòng dâng lên những cảm xúc khó tả. Cô nhớ cách đây mấy tháng, khi mình mới xuống Hà Nội nhập học trường Đại học Văn hóa. Ngày nghỉ, cô đến thăm bạn cùng quê cũng mới xuống Hà Nội, đang ở trọ phố Ao Sen, Hà Đông.
Hôm ấy trời mưa, lại chưa thạo đường nên Trúc chọn đi xe buýt, vừa đỡ mưa vừa tiện lợi. Ngồi đợi mãi ở bến xe buýt, trời mưa tầm tã, chiếc ô bé tí chẳng đủ che gió tạt, Trúc ướt gần hết người nên liều mình nhảy lên chiếc xe buýt mà chẳng rõ tuyến đường xe đi. Ngồi một lúc, vừa say xe vừa rét, mệt, lại ngại hỏi đường, cô cứ ngồi, đến lúc không chịu được nữa thì xuống.
Trời vẫn mưa to quá, cô lại áng chừng chiếc xe ấy chạy gần đến điểm mình cần xuống nên lại lên. Vài lần như thế, khi xuống bến tiếp theo, cô hoảng hồn khi thấy mình đang ở tận đường Hoàng Hoa Thám. Trời nhá nhem tối, lại vẫn mưa tí tách, Trúc thấy mình mệt lả, cố gắng lê bước đến quán phở gần đó xin ngồi nghỉ nhờ.
Ông chủ quán nhìn điệu bộ nhếch nhác, rét run cầm cập, môi thâm tím, mặt nhợt nhạt của Trúc thì xua lấy xua để: “Đi đi, không ngồi nhờ được đâu, nhìn thế còn muốn vào ăn uống nữa”. Trúc không bước nổi nữa, muốn khuỵu xuống. May sao, có một cô gái đang ngồi ăn, thấy thế thương tình vội vàng ăn hết bát phở của mình rồi dìu Trúc về nhà trọ ở gần đó, lại làm nước gừng cho Trúc uống và nấu cháo cho Trúc ăn. Khi Trúc đã tỉnh táo, cô gái lấy xe đưa Trúc về tận nhà. Giờ hai người là bạn tốt của nhau.
Đang mải nghĩ, Trúc chợt giật mình ngẩng lên vì nghe tiếng ồn ào mặc cả rất to. Trước mắt Trúc và Thành là cảnh một chị dắt xe bán hoa quả rong đang có mấy người xúm xít lại nhấc lên đặt xuống mấy nải chuối chín, những quả hồng đỏ và na chín, vừa xem vừa nói như quát: “Na bé tí, xấu thế này mà mày bán đắt thế hả”, “Hồng dấm thuốc, bán cho nhau ăn để ngộ độc mà chết à, đồ vô lương tâm”, “Chuối cũng thế, nhúng thuốc hết nên mới chín vàng ươm đẹp mã thế này đây mà”. Chị bán hàng hết quay sang người nọ lại nhìn người kia, nói gần như van xin: “Ấy, xin các bác nhẹ tay, chọn nhanh giúp cháu. Hoa quả chín rồi mà bác làm thế thì nó dập hết, cháu bán cho ai”.
Nghe thế, mấy người khách kia lập tức vứt túi hoa quả đã chọn xuống, quát to: “Mày muốn bán à, ai cho mày bán ở đây? Chỗ này không phải là chỗ mày bán hàng nhé”. Thế rồi, mấy người “khách” kia tranh nhau giằng giật chỗ hoa quả của chị bán hàng mang đi sạch. “Ơ, trả tiền tôi đây…”, chị bán hàng ngơ ngác bỏ xe đấy định chạy theo nhưng biết đòi ai vì mỗi người đã chạy một hướng.
Sự việc xảy ra trong vài phút, Trúc định thần lại, muốn lao ra giúp chị thì Thành đã giật tay lại. “Việc của người ta, hơi đâu mà dính líu vào”. Những người đi bộ gần đó chứng kiến toàn bộ sự việc cũng khoanh tay đứng nhìn rồi tản hết đi. Trúc đành nhìn theo bóng chị bán hàng lủi thủi dắt chiếc xe không đi len lỏi trong dòng người xe chạy vun vút.
Trúc còn đang ngẩn người ra thì bà hàng nước gần đó đã chép miệng: “Rõ khổ. Nó đã dằn mặt mấy lần là không được bán hàng trên địa bàn của nó rồi còn cứ cố. Chắc con bé này mới ra phố bán hàng lần đầu. Nó thuê người cướp sạch hàng còn may. Chứ nó đánh cho thì còn khổ nữa”. Thành vỗ nhẹ vào vai Trúc, ý nói “thấy chưa, may là tớ ngăn cậu kịp nhé”.
Tự dưng Trúc còn hứng đi dạo nữa. Trúc cũng bỏ dở cuộc đi chơi mà Thành đã hứa là sẽ đưa Trúc tham quan những địa điểm lãng mạn của Hà Nội. Trên đường về nhà trọ, cô cứ miên man với những ý nghĩ đang trĩu nặng trong đầu.
Dù đó chỉ là một lát cắt của thành phố này nhưng vẫn khiến cô cảm thấy buồn rầu. Tại sao phố rộng mà lòng người lại chật vậy? Người ta chỉ quan tâm đến những thứ sát sườn với mình mà không mở rộng sự thương cảm với những người xung quanh. Chẳng hạn, nếu Thành không phải là bạn Trúc, liệu Thành có nhiệt tình dẫn Trúc đi cho biết cho biết đường, biết lối ở Hà Nội không hay Thành chỉ coi Trúc như những em bé nhà quê ngơ ngác kia? Bác bán hàng phở ấy liệu có nghĩ đến việc con gái bác một lần nào đó cũng như Trúc cần đến sự giúp đỡ của người khác? Hay những người đứng xem chị hàng hoa quả bị ức hiếp ấy, liệu một lúc nào đó không cần sự bênh vực của đám đông để cái thiện sẽ thắng cái ác?
Phố đông quá nhưng thiếu đi những tấm lòng thông cảm. Trúc biết rằng, ở thành phố, rất nhiều nguy cơ hệ lụy khiến người ta phải cảnh giác, phải đề phòng, phải lo cho bản thân mình, lợi ích của mình trước tiên. Tuy nhiên, đâu phải vì thế mà tình người đi vắng? Trúc vẫn hi vọng mình sẽ gặp được nhiều tấm lòng bao dung, rộng mở, thân tình hơn nữa ở thành phố mà cô biết sẽ chọn làm quê hương thứ hai này.