Phẫu thuật kỹ thuật cao cho bệnh nhân thận mạn giai đoạn 5 mắc nhiều bệnh nền
Đây là một trong những kỹ thuật điều trị bệnh thận mạn tiên tiến nhất lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện qua chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Thanh Nhàn với sự giúp đỡ của BS Nguyễn Tiến Lâm - Khoa điều trị tích cực.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa Sơn Tây tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị C. (85 tuổi, Viên Sơn - Sơn Tây) trong tình trạng mệt mỏi nhiều ngày, da tái nhợt. Bệnh nhân bệnh suy thận mạn giai đoạn 5, đang phụ thuộc chạy thận nhân tạo, mắc nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim, u phổi.
Phẫu thuật kỹ thuật cao cho bệnh nhân thận mạn gia |
Bệnh nhân có chỉ định lọc máu chu kì, có đặt cầu tay để lọc máu nhưng thất bại, cầu tay không trưởng thành kèm theo xơ vữa hệ mạch 2 bên nên không thể làm cầu tay bên còn lại.
Bệnh nhân được chỉ định đặt catheter tĩnh mạch cảnh 2 nòng có cuff tạo đường hầm để lọc máu. Ca thủ thuật diễn ra trong vòng 30 phút với sự giúp đỡ của BS Nguyễn Tiến Lâm - Khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn. Sau thủ thuật, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, không đau, không mệt, sức khỏe được cải thiện rất nhiều.
Kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch cảnh 2 nòng có cuff được thực hiện bằng cách gây tê dưới da, tạo hầm dưới da ở ngực phải - cổ phải, sau đó đưa catheter theo guidewire qua hầm dưới da vào tĩnh mạch cảnh trong phải.
Phương pháp được áp dụng trên các trường hợp: Bệnh nhân suy thận cấp, chuẩn bị ghép thận, thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng); Khi đường mạch máu thông động tĩnh mạch (FAV) của bệnh nhân đang chạy thận gặp vấn đề hay tắc catheter lọc màng bụng của bệnh nhân thẩm phân phúc mạc. Bệnh nhân đang trong thời gian chờ đường mạch máu thông động tĩnh mạch (FAV) trưởng thành để chạy thận, sử dụng như là đường mạch máu chạy thận lâu dài cho bệnh nhân chống chỉ định tạo thông động tĩnh mạch (FAV) hoặc thất bại trong làm thông động tĩnh mạch (FAV).
Theo BS.CKI Phùng Thị Mỹ Anh - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, đặt catheter 2 nòng có cuff, tạo đường hầm là một thủ thuật cần thao tác tỉ mỉ với độ khó cao, là một trong những kỹ thuật chuyên sâu trong chuyên ngành Thận nhân tạo được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Đây là một kỹ thuật đặc biệt, hạn chế được những biến chứng có thể sử dụng ngay sau đặt, thời gian lưu được lâu hơn so với catherter thông thường qua đó giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí điều trị, không phải nằm viện nội trú, có thể xuất viện trong ngày, đỡ phải di chuyển lên tuyến trên. Hiện kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân suy thận mạn, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi nhiều bệnh lý nền cần thường xuyên theo dõi sức khỏe nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường và sớm đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp.
Hiện nay, với nhiều kỹ thuật y khoa hiện đại, người bệnh suy thận mạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ nếu được áp dụng đúng phương pháp.