Phát huy hơn nữa hiệu quả từ “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”
Động viên Nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
20 năm qua, từ một huyện thuần nông, Mê Linh đã chuyển dịch nhanh sang công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch. Năm 2022, tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện đã đạt 33.080 tỷ đồng, chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đóng góp vào kết quả ấy là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân và hiệu quả từ các phong trào thi đua được phát huy hằng năm qua Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn; Qua đó động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Theo ông Hoàng Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh, trong 20 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện phối thực hiện 20 đợt vận động tháng cao điểm "Vì người nghèo", đã vận động được trên 16,7 tỷ đồng, trợ giúp cho 866 hộ nghèo, công đoàn viên nghèo xây dựng Nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 12 tỷ đồng; Phối hợp triển khai dự án hỗ trợ cho 39 hộ nghèo chăn nuôi bò sinh sản đạt 390 triệu đồng; Hỗ trợ 5.319 lượt hộ học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn, rủi ro, bệnh hiểm nghèo, người có khó khăn đột xuất với số tiền trên 2,6 tỷ đồng…
Trong 20 năm, toàn huyện đã xây mới được 282 Nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 222 nhà Đại đoàn kết; 256 Nhà Đại đoàn kết được trao trong dịp tổ chức Ngày hội.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã huy động được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia |
“Hằng năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã huy động được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, trong đó, tập trung vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo.
Thông qua Ngày hội, Nhân dân ở hầu khắp các khu dân cư đều tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, xây dựng được 59 mô hình không có tội phạm và tệ nạn xã hội ở 99 thôn, tổ dân phố, thực hiện nếp sống văn hóa trong mọi sinh hoạt động đồng”- ông Tân cho biết.
Tại quận Hoàn Kiếm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư luôn được tổ chức trang trọng, 100% tổ dân phố trên địa bàn với cả phần lễ và phần hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các tầng lớp Nhân dân.
Đặc biệt, trong việc tổ chức Ngày hội đã nhân lên nghĩa đồng bào qua những hoạt động san sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn, tri ân các gia đình có nhiều đóng góp trong cộng đồng. 20 năm qua, các phường đã biểu dương khen thưởng 12.773 lượt tập thể, 24.518 lượt gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; Phối hợp với các tổ chức thành viên vận động xã hội hóa và trích Quỹ “Vì người nghèo” để xây mới và sửa chữa 35 nhà Đại đoàn kết.
Ngày hội đại đoàn kết với nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà |
Lan tỏa những phong trào văn hóa trong địa bàn dân cư
Tại quận Thanh Xuân, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã có sức lan tỏa rộng khắp trong đời sống của Nhân dân
Trong đó, phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị được MTTQ và các đoàn thể từ quận đến cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động. Đến nay, bộ mặt đô thị của quận Thanh Xuân ngày càng được cải thiện, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, 100% hộ có điện chiếu sáng, được dùng nước sạch. Các hộ gia đình tích cực tham gia xây dựng khu dân cư, tổ dân phố văn minh, sạch đẹp, giữ gìn vệ sinh công cộng.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, MTTQ quận Thanh Xuân đã duy trì, nhân rộng thực hiện ở 145 khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn theo 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trong khi đó tại huyện Thường Tín, thông qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Nhân dân ở hầu khắp các khu dân cư đều tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, các mô hình văn hoá, thực hiện nếp sống văn hoá trong mọi sinh hoạt cộng đồng. Hàng năm, số hộ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến và khu dân cư văn hoá ngày càng tăng.
Năm 2003 cả huyện có 44 nhà văn hoá, 31.447 hộ đạt gia đình văn hoá, 46 khu dân cư được công nhận văn hoá, 103 làng xây dựng được quy ước văn hoá. Đến năm 2023 có 161/161 nhà văn hoá, 70.076 hộ đạt gia đình văn hoá, 155 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hoá, 161/161 làng, Tổ dân phố xây dựng được quy ước văn hoá.
Các tập thể được khen thưởng có thành tích trong triển khai, thực hiện hiệu quả ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 trên địa bàn huyện Thường Tín |
Thông qua ngày hội đã góp phần khơi dậy, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm; Từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để nâng cao chất lượng, nhân rộng những giá trị tốt đẹp của Ngày hội đại đoàn kết trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn cần phải nâng cao nhận thức của Cấp ủy, Chính quyền địa phương trong việc tham gia Ngày hội nhằm tạo không khí vui tươi, lan tỏa những giá trị trong cộng đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội mong muốn Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục được tổ chức hiệu quả để mỗi khu dân cư luôn đoàn kết, gắn bó, đồng tâm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh"; Huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chăm lo giúp đỡ người nghèo; Xây dựng khu dân cư đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội....