Phát động giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022
Tham dự họp báo có các đồng chí: Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Phó trưởng Ban chỉ đạo; Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại - thành viên Ban chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức; Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp; Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an Nhân dân, Phó Chủ tịch chi hội nhà văn Bộ Công an, Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái; Ông Raymond Gordon, Hiệu trưởng trường Đại học Anh quốc Việt Nam.
Các đại biểu tham dự họp báo |
Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục.
Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức phát biểu tại họp báo |
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Giáo dục và Đào tạo luôn là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội; Ngành Giáo dục tác động lớn, thường xuyên, lâu dài đến tương lai phát triển của đất nước, của từng gia đình. Vì vậy, các hoạt động của ngành luôn được từng gia đình và toàn xã hội quan tâm, can dự và kỳ vọng. Những nhiệm vụ của ngành Giáo dục cũng vì vậy mà luôn khó khăn, phức tạp, nhiều thách thức, đồng thời cũng đầy vinh dự.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, ngành Giáo dục trong nhiều năm qua đã thực hiện nhiều chủ trương đổi mới lớn, như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Triển khai Luật Giáo dục 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi - Phó Trưởng ban Chỉ đạo (bên phải) và Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm - thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo |
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ là xây dựng chương trình mà còn chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa, phê duyệt sách giáo khoa; Phát triển đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho chương trình mới; Chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác để triển khai… Cùng với đó, trong lĩnh vực giáo dục đại học là triển khai tự chủ đại học. Đây là vấn đề hoàn toàn mới, từ mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, cho tới tự chủ việc tổ chức bộ máy, tổ chức tài chính… Những việc này mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Những nhiệm vụ của ngành đã khó, phức tạp, lại càng khó khăn, phức tạp khi chúng ta phải đổi mới căn bản, toàn diện ở cả bậc phổ thông và đại học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Theo Thứ trưởng, những kết quả mà ngành Giáo dục đạt được có sự đóng góp nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành, toàn xã hội; Trong đó có đóng góp thầm lặng, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Sự vươn lên nỗ lực của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên; Các gia đình luôn tích cực, chủ động tham gia đóng góp cho ngành…
Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao đổi về những vấn đề mà các cơ quan báo chí đặt câu hỏi về Giải tại họp báo |
Những kết quả đạt được, Thứ trưởng đồng thời ghi nhận sự đóng góp quan trọng, lớn lao của các nhà báo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí. Ngành Giáo dục sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, từ việc xây dựng các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức triển khai… nếu như không có những hoạt động tuyên truyền định hướng chính sách, phản biện từ các nhà báo, cơ quan thông tấn báo chí.
Các sự kiện giáo dục diễn ra sinh động hàng ngày, nhưng có tác động lâu dài đều đã được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh chân thực, mang lại hiệu quả truyền thông tích cực. Qua đó, các chính sách của ngành đã đến được với học sinh, sinh viên, với phụ huynh học sinh, các nhà trường kịp thời, chính xác.
“Mỗi nhà báo với các tác phẩm báo chí của mình đã tạo nên cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên. Các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục”, Thứ trưởng ghi nhận.
Chia sẻ về Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" qua 4 năm tổ chức, Thứ trưởng cho biết giải đã được đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương, các tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên nhiệt tình hưởng ứng, gửi tác phẩm tham gia.
Ở năm thứ 5, Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước, nhằm làm lan tỏa hơn nữa những tấm gương, điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục và tạo được sự hiểu biết, đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo .
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức, chia sẻ về thể lệ giải |
Tại buổi họp báo, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức đã chia sẻ về thể lệ giải; Trong đó, nêu rõ về thời gian tổ chức (từ tháng 11/2021 đến 11/2022); Quy định về tác giả, tác phẩm và số lượng tác phẩm tham dự; tiêu chí xét trao giải; Hồ sơ tác phẩm và địa chỉ nhận tác phẩm; Cơ cấu và giá trị giải thưởng…
Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an Nhân dân, Phó Chủ tịch chi hội nhà văn Bộ Công an phát biểu tại họp báo |
Đại diện Hội đồng Giám khảo, Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an Nhân dân, Phó Chủ tịch chi hội nhà văn Bộ Công an gửi lời cảm ơn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại đã tạo cơ hội được tiếp xúc với hàng ngàn bài báo hay, xuất sắc của các nhà báo trên toàn quốc.
Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho rằng, sự tham gia đông đảo của tác giả và các cơ quan thông tấn báo chí, thể hiện tình cảm không chỉ của các tác giả, nhà báo, phóng viên, mà cả cơ quan, tòa soạn, hệ thống báo chí Việt Nam. Những tên tuổi báo chí lớn, uy tín xuất hiện thường xuyên cũng thể hiện uy tín của Giải trong 4 năm tổ chức vừa qua.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trao đổi về những vấn đề mà các cơ quan báo chí đặt câu hỏi về giải |
Nhấn mạnh một trong những điểm mới mẻ, hấp dẫn của Giải là có giải cho nhân vật trong tác phẩm đoạt giải, Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái đồng thời khẳng định sự công tâm, khách quan, uy tín, đạo đức nghề nghiệp của Ban Giám khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Một trong những minh chứng là trong 4 năm qua, chưa có một phản hồi, thắc mắc nào về kết quả chấm của Ban Giám khảo.
Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái đề xuất nên tổ chức buổi gặp mặt các nhà báo được giải để cùng lan tỏa, trao đổi kinh nghiệm tốt, góp phần để Giải ngày càng thành công hơn.
Đại diện nhà tài trợ, GS. TS Raymond Gordon - Hiệu trưởng trường Đại học Anh quốc Việt Nam phát biểu tại họp báo |
Đại diện nhà tài trợ, GS. TS Raymond Gordon - Hiệu trưởng trường Đại học Anh quốc Việt Nam phát biểu bày tỏ đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Giáo dục và Thời đại đã tạo điều kiện tổ chức chương trình ý nghĩa này, mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng về các nhà giáo trên khắp Việt Nam.
“Trong bốn năm qua, tôi rất xúc động với những câu chuyện mà các nhà báo đã ghi lại chân thực về những đóng góp xuất sắc của các thầy cô giáo trên khắp đất nước Việt Nam.
Thật thú vị, tôi đã nhận thấy sự gia tăng dần dần cách những câu chuyện này liên quan đến các hình thức công nghệ giáo dục khác nhau trong lớp học Việt Nam. Chắc chắn, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều điều này; hy vọng xu hướng và lợi ích đạt được sẽ tiếp tục được nhân rộng”, GS.TS Raymond Gordon chia sẻ.
Phóng viên đặt câu hỏi tới chủ trì họp báo về những vấn đề xung quanh Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022 |
Tại họp báo, nhiều vấn đề xung quanh Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đã được các cơ quan báo chí đặt câu hỏi và được Ban Tổ chức trao đổi, chia sẻ, giải đáp.
Đại diện Ban tổ chức, nhà báo Triệu Ngọc Lâm bày tỏ vui mừng khi Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhận được sự quan tâm và tham gia rất tích cực của các cơ quan báo chí, báo giới trong cả nước.
Thành công của Giải qua 4 năm tổ chức đã cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục và đào tạo với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các đồng nghiệp cho thấy sự quan tâm của báo chí đối với Giải thưởng “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nói riêng và giáo dục và đào tạo nói chung.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày phát động đến hết tháng 9/2022. Địa chỉ nhận tác phẩm: Báo Giáo dục và Thời đại, 15 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua Email: cuocthiVSNGDVN@moet.gov.vn Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Bài tham gia Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022. Cơ cấu và giá trị giải thưởng 1 giải Đặc biệt lựa chọn từ các tác phẩm đoạt giải Nhất 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật). Mỗi giải thưởng sẽ bao gồm: - Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” - Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Tiền thưởng bằng tiền mặt: + Giải Đặc biệt: 60.000.000 đồng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; + Giải Nhất: 30.000.000 đồng/giải; + Giải Nhì: 15.000.000 đồng/ giải; + Giải Ba: 10.000.000 đồng/ giải; + Giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/ giải. Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10.000.000 đồng. Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 19/11/2022 (dự kiến). |