Nước Pháp căng thẳng vì vấn đề hưu trí
Người biểu tình không đồng ý với những thay đổi hệ thống vốn cho phép họ và người lao động khác được nghỉ hưu ở tuổi 50 với chế độ lương hưu đặc biệt. Ảnh: AP
Biểu tình quy mô lớn
Ngày 17/12, mọi thành phần trong lực lượng lao động nước Pháp đã tham gia vào các cuộc đình công và biểu tình lớn. Hàng ngàn công nhân tràn ngập các thành phố của Pháp từ Brittany bên Đại Tây Dương đến Pyrenees ở phía Nam. Họ diễu hành với pháo sáng và những lá cờ công đoàn.
Ngay cả những người đang làm việc tại thủ đô Paris cũng tham gia vào các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn đất nước. Cuộc biểu tình là cơn giận dữ của người dân khi Chính phủ dự định tăng tuổi nghỉ hưu lên 64 và giảm đãi ngộ hưu trí với một số ngành nghề.
Trong những năm gần đây, một số nước châu Âu đã tăng tuổi nghỉ hưu hoặc cắt giảm lương hưu để theo kịp với tuổi thọ trung bình tăng và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Do đó, ông Macron cho rằng Pháp cũng cần phải làm như vậy.
Khách du lịch đã hủy kế hoạch đến Pháp, còn những người làm việc ở Paris phải mất hàng giờ để có thể đến được chỗ làm bởi các tài xế vẫn tiếp tục đình công. Khoảng 25% lượt tàu điện ngầm bị trì hoãn vì không đủ người lái tàu và nhân viên kiểm soát. Nhiều tuyến tàu điện bị đóng cửa hoặc chỉ hoạt động một phần. Trong khi đó, hơn 20% chuyến bay tại thủ đô Paris tiếp tục bị hủy.
Tháp Eiffel tạm thời đóng cửa do nhân viên đình công. Ảnh: En24 News |
Nhiều công chức đã buộc phải lựa chọn xe máy, thậm chí là xe đạp để đến chỗ làm. Trong khi đó, họ không biết khi nào tình hình giao thông công cộng trong nước mới hoạt động bình thường trở lại.
“Đài tưởng niệm đóng cửa” là dòng chữ viết trên tấm biển được treo tại bức tường kính bao quanh chân tháp Eiffel. Đây là lần thứ hai nơi đây đóng cửa kể từ khi cuộc đình công diễn ra.
Ngoài những rắc rối về giao thông, nhiều trường học cũng bị đóng cửa và học sinh đã bị hủy bài kiểm tra khi các giáo viên tham gia cuộc đình công.
Nhiều bệnh viện đã trưng dụng thêm nhân sự để đảm bảo các hoạt động chính. Trong khi đó, các y tá, bác sĩ và dược sĩ đã đình công để cứu hệ thống bệnh viện công một thời vang danh, nay đang chật vật sau nhiều năm cắt giảm chi phí.
Thậm chí, cảnh sát ở Paris đã rào chắn Điện Elysee, nơi ở của Tổng thống Pháp để chủ động đối phó với tình trạng bạo lực do phong trào áo khoác vàng hoặc những người biểu tình cực đoan gây ra.
Khó kết thúc sớm
Bất chấp 13 ngày qua, hệ thống tàu hoả và tàu điện ngầm bị tê liệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chính phủ có vẻ như vẫn hết sức cứng rắn. Tổng thống tuyên bố quyết tâm định hình lại hệ thống lương hưu mà các công đoàn tôn vinh như một hình mẫu cho phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cho rằng không công bằng và sẽ trở thành gánh nợ trong tương lai. Theo đó, những điều chỉnh về chế độ hưu trí sẽ giúp xóa bỏ mức thâm hụt quỹ lương hưu, dự đoán sẽ lên tới 19 tỷ USD vào năm 2025.
Thủ tướng Edouard Philippe cũng đã xác nhận cuộc đàm phán mới với các hiệp hội của người lao động bắt đầu từ ngày 18/12 nhưng chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho rằng Chính phủ sẽ nhượng bộ.
Người dân chen chúc nhau để có được một chỗ đứng trên tàu điện ngầm do giao thông đình trệ vì đình công. Ảnh: AP |
“Sự phản đối của các công nhân, người lao động, các công đoàn là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, chúng tôi đã có kế hoạch rõ ràng để tạo ra một hệ thống hưu trí phổ quát”, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh.
Về phía người dân, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ít nhất một nửa dân số Pháp vẫn ủng hộ cuộc đình công. Công đoàn các ngành giao thông, khai thác mỏ và hoá chất cũng đã đưa ra tối hậu thư buộc Chính phủ Pháp rút lại dự luật cải cách hưu trí trong vòng một tuần tới nếu không sẽ tiến hành các cuộc đình công nghiêm trọng hơn và kéo dài qua dịp lễ Giáng sinh.
Ông Laurent Brun, Tổng thư ký Công đoàn Công ty Đường sắt quốc gia Pháp tuyên bố: “Cuộc đình công sẽ tiếp tục đến khi nào hệ thống hưu trí hiện nay sẽ được duy trì và đảm bảo cho tất cả người lao động. Dĩ nhiên, sẽ không có việc tạm nghỉ trong thời gian Giáng sinh, trừ khi Chính phủ thay đổi hợp lý trước thời điểm đó”.
Bài liên quan
Đoàn máy kéo biểu tính khiến giao thông Hà Lan tê liệt
Một góc nhìn khác về nước Pháp hoa lệ
Công ước 159: Đảm bảo quyền lợi cho lao động yếu thế