Nông nghiệp thông minh lan rộng trên các cánh đồng châu Á
Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp giúp người nông dân giải phóng sức lao động, đồng thời tăng năng suất cây trồng
Ứng dụng công nghệ cao được ngành nông nghiệp châu Á lựa chọn khi đứng trước nhu cầu cấp thiết phải ổn định sản xuất nhằm đối phó với tình trạng dân số gia tăng nhanh chóng và biến đổi khí hậu. Nhiều nước trong khu vực đã và đang khởi động các chiến lược quốc gia nhằm tăng cường tự động hóa trong nông nghiệp với công nghệ người máy, cảm biến hay phân tích dữ liệu.
Xu hướng tất yếu
Thực tế cho thấy, nông nghiệp thông minh đã giúp giới làm nông châu Á giảm bớt gánh nặng của công việc đồng áng và giảm thiểu những tác động của thời tiết cực đoan. Công nghệ cũng giúp một số nước trên thế giới sản xuất đủ hoặc dư thừa nông sản dù thiếu nhân lực, thiếu đất.
Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực về sử dụng công nghệ cao và tự động hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ chưa đến 2 triệu nông dân trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu héc ta đất nông nghiệp nhưng nước này không phải nhập khẩu gạo, thậm chí dư thừa thịt bò và một số rau quả... Khi lực lượng lao động làm nông ngày càng già hóa và thiếu hụt trầm trọng, Nhật Bản buộc phải đẩy mạnh tự động hóa trong nông nghiệp. Nhiều công ty Nhật đã phát triển những loại máy móc hỗ trợ con người làm nông như máy kéo tự động có thể tự trồng lúa, bón phân, máy gặt tự động... Công ty nông nghiệp Nhật Bản Spread thậm chí còn gây dựng cả nông trại trồng rau diếp tự động đầu tiên trên thế giới, với mọi công đoạn từ trồng cây cho đến tưới nước và thu hoạch đều do robot đảm nhiệm.
Trang trại trồng rau diếp tự động đầu tiên trên thế giới của công ty Spread, Nhật Bản |
Trong khi đó, phát triển nông nghiệp thông minh lại là trọng tâm chính sách của Thái Lan. Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường IDC cho biết, số tiền chi cho công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 7,02% mức chi tiêu của Chính phủ nước này. Đất nước Chùa Vàng đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa tỷ lệ áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất cây trồng, đáp ứng nhu cầu nông sản ngày một tăng của thế giới trong khi đất nông nghiệp còn hạn chế.
Bên cạnh việc phát triển và giới thiệu đến nông dân các loại máy móc tự động, thử nghiệm ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong nông nghiệp, Chính phủ Thái Lan còn có chính sách hỗ trợ nông nghiệp quy mô lớn, khuyến khích nông dân thành lập các trang trại. Bởi thực tế hiện nay, tỷ lệ áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn thấp do nông dân chủ yếu canh tác ở quy mô nhỏ, chưa dám đầu tư nhiều.
Không những thế, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan còn đặt mục tiêu hỗ trợ nông dân nước này trở thành “nông dân thông minh”. Với những chính sách như Smart Farming, Young Smart Farmer, hàng triệu nông dân nước này được khuyến khích tham gia những khóa đào tạo hay những chuyến đi thực tế về nông nghiệp thông minh do Chính phủ hỗ trợ.
Bộ trưởng Chatchai Sarikulya hy vọng xu hướng canh tác thông minh sẽ phổ biến hơn sau khi nông dân được tận thấy những lợi ích của phương pháp này từ mô hình của những nông dân khác. Ngoài việc trao cho nông dân cơ hội học tập, tiếp cận thông tin, Chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ nông dân tiếp thị, bán sản phẩm do chính mình làm ra.
Các quốc gia trên thế giới và trong khu vực đều đang hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ tự động hóa trên đồng ruộng |
Xu hướng nông nghiệp thông minh ngày càng lan nhanh trên các cánh đồng ở châu Á. Tại Trung Quốc, nông dân tỉnh Giang Tô sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu cho lúa mì, đánh dấu bước khởi đầu đặc biệt trong lịch sử nền nông nghiệp ở đất nước tỷ dân. Trong khi đó, Chính phủ Singapore công bố Lộ trình chuyển đổi ngành nông nghiệp, đề ra những chiến lược chủ chốt có thể giúp quốc đảo siêu nhỏ này vượt qua hạn chế về diện tích đất nông nghiệp bằng việc áp dụng công nghệ, sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn và phát triển cả một thế hệ “chuyên gia nông nghiệp” cho tương lai.
Indonesia đặt mục tiêu tăng 20% năng suất lao động trong lĩnh vực này trong 5 năm tới. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Philippines cũng đang sử dụng dữ liệu vệ tinh để nghiên cứu về nông nghiệp thông minh. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ICT của Malaysia đã phát triển một nền tảng IoT dùng để thu thập các dữ liệu về môi trường và chia sẻ cho các nhà cung cấp, các nhà sản xuất, buôn bán trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam đang ở đâu?
Theo TS Phạm S, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Ðồng, địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà phải tiếp cận nhanh song không nóng vội, chạy theo phong trào. Quá trình triển khai cần theo phương châm “đi ngay, đi nhanh và đi chính xác” với cây trồng, vật nuôi, công nghệ phù hợp, lấy hiệu quả làm chính.
Ngành nông nghiệp Việt đang rất thiếu những lao động trẻ có kiến thức, có kỹ năng |
Theo ông S, tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, cho đến nay Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng IoT là công nghệ cốt lõi cần và đủ phải sử dụng ở tất cả các trang trại nông nghiệp thông minh. Thực tế hiện nay, Việt Nam cũng đã có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh. Đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp thông minh với thời gian ngắn trong tương lai.
Các nhà khoa học dự báo đến năm 2050, nhu cầu lương thực trên thế giới sẽ tăng 70% nên các nước “vựa lúa” như Việt Nam càng cần phải sản xuất nhiều hơn và sạch hơn. Do đó, phát triển nông nghiệp thông minh là xu thế khách quan và tất yếu. Để làm được điều đó, trước hết phải giải được bài toán thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp – một thực tế đang cản trở nỗ lực hiện đại hóa, nâng cao năng suất nông nghiệp Việt Nam.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam tại một Hội nghị về nông nghiệp gần đây chia sẻ: “Thiếu lao động bậc cao, khiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam gặp khó khi ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để phát triển, còn thiếu lao động phổ thông khiến ngay cả những công việc giản đơn của doanh nghiệp nông nghiệp cũng khó thực hiện được”. Nông nghiệp Việt đang rất thiếu những nông dân chuyên nghiệp, biết tập trung ruộng đất, biết quản trị trang trại gia đình một cách hiệu quả, có khả năng liên kết với hợp tác xã hay doanh nghiệp, từ đó nâng cao giá trị nông sản.