Nỗi lo của sĩ tử thời COVID-19
Sỹ tử 2K3 và những kế hoạch tự lập… Gần 1.000 suất ăn miễn phí cho sỹ tử và người nhà Sĩ tử đổ về Văn Miếu cầu may trước “giờ G” |
Cả ngày ôn thi online
Nguyễn Huy Trung, học sinh lớp 12 trường THPT Trương Định, Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay mình học lớp 12, mình thấy lo lắng vì phải học trực tuyến cả một thời gian dài. Dù rất cố gắng nhưng mình vẫn không thấy tự tin”.
Nhiều học sinh lớp 12 lo lắng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh những môn học trên lớp, Trung cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp. Ngoài ba buổi tối luyện thi, các buổi sáng và chiều trong tuần, em đều tập trung học trực tuyến. Lịch học này đã được em duy trì từ đầu năm học và sẽ kéo dài đến gần thời điểm kỳ thi diễn ra.
“Phải dừng đến trường giai đoạn cuối cấp như thế này là sự thiệt thòi bởi học trực tuyến không thể đạt hiệu quả như trực tiếp, đặc biệt với kỳ thi tốt nghiệp đang tới gần. Ở trường, gặp bài khó, em có thể hỏi trực tiếp và được giải đáp ngay. Tuy nhiên với học online, nhiều bạn nhắn thầy cô nên đôi khi phần hỏi của mình không được trả lời nhanh, dẫn đến xao nhãng”, Huy Trung cho biết thêm.
Với mục tiêu đỗ vào trường Đại học Kinh tế quốc dân, Lâm Ngọc Anh, học sinh trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) luôn miệt mài ôn tập, giải đề... Hai năm học liên tiếp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Ngọc Anh luôn mong muốn có thể đến trường để học trực tiếp cùng thầy cô và bạn bè.
“Năm ngoái điểm chuẩn vào Đại học Kinh tế quốc dân thuộc top đầu cả nước nên em tập trung ôn thi từ đầu năm. Tuy nhiên, em thấy việc học trên lớp sẽ hiệu quả hơn bởi đây chính là thời điểm vàng để các học sinh lớp 12 củng cố lại kiến thức đã học”, Ngọc Anh nói.
Các trường THPT vừa dạy kiến thức theo chương trình, vừa cho hoc sinh ôn thi trực tuyến |
Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) cũng xây dựng kế hoạch ôn tập theo từng mảng kiến thức. Sau khi nắm được kiến thức cơ bản, em tập trung ôn luyện, giải đề.
“Những lần phải ngừng đến trường và học online trước đó cũng khiến việc ôn thi của em ít nhiều bị xáo trộn. Hiện nay, các bạn học sinh trong trường đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên em mong muốn có thể trở lại trường trong thời gian sớm nhất để củng cố lại những lỗ hổng kiến thức trong thời gian học online”, Quỳnh Anh cho biết.
Bám sát kiến thức lớp 12 để ôn luyện
Nói về việc ôn luyện cho học sinh lớp 12, thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngoài học kiến thức theo chương trình, nhà trường cho học sinh ôn luyện đề trên hệ thống phần mềm Shub. “Học và ôn thi trực tuyến, dù thầy cô có nhiều phương pháp giúp học sinh học tập nhưng để các em làm bài tốt, không có cách nào ngoài gia bài tập, đề thi để các em làm”, thầy Vũ Đình Hà chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: "Tới đây giáo viên tiêm vắc xin xong hết rồi mũi 3, học sinh tiêm đủ mũi hai rồi mong rằng các em, nhất là học sinh lớp 12 sẽ được đi trực tiếp. Hiện nay, Hà Nội cũng đã cho các trường ở vùng có mức độ dịch cấp độ hai được mở cửa đón học sinh.
Chúng tôi đã tranh thủ lúc các con được đi học trực tiếp, thầy cô cố gắng bổ trợ kiến thức. Ngoài ra, nhà trường sẽ phân loại học sinh, với em nào còn kém, các thầy, cô sẽ mở lớp bồi dưỡng thêm cho các con. Tôi nghĩ, với tình hình dịch bệnh như năm nay, đề thi nên phù hợp với bối cảnh và chủ yếu trong chương trình lớp 12, như vậy học sinh sẽ đỡ vất vả”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vẫn bám sát kiến thức, kỹ năng chủ yếu ở lớp 12 (Ảnh minh họa) |
Trước sự lo lắng của học sinh lớp 12, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ vẫn giữ ổn định và bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Sách giáo khoa là tài liệu tham khảo chính.
Ông Thành cũng nhấn mạnh, học sinh cần tập trung ôn luyện nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 và lưu ý các nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học với các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.