Những sự kiện thế giới nổi bật 2019
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc một trong số sự kiện nổi bật nhất năm 2019. Ảnh: Tehran Times
Bài liên quan
Những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua
Những hình ảnh thế giới ấn tượng tuần qua
Những hình ảnh thế giới trong tuần
Các sự kiện thế giới nổi bật tuần qua
Sự kiện thế giới nổi bật tuần qua
5 sự kiện thế giới nổi bật năm 2018
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết
Bắt đầu nổ ra từ năm 2018, đến nay leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết.
Đặc biệt từ tháng 5 năm nay, cuộc chiến lại tăng nhiệt khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế từ 10 lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh phá bỏ thỏa thuận đã cam kết. Sau các lần áp thuế, giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD.
Không chỉ kinh tế, cuộc đối đầu cạnh tranh ngôi vị và tầm ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt trong cả lĩnh vực công nghệ lẫn quân sự… Ông Trump đã tung ra một loạt các lệnh cấm nhằm vào tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Cuộc chiến đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, tạo nhiều rủi ro cho các thị trường mới nổi. Tuy hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán song vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Khủng hoảng Boeing 737 Max
Ngày 10/3, máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn chỉ sau vài phút cất cánh từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Tổng cộng 149 hành khách và 8 thành viên tổ bay thiệt mạng. Đây là tai nạn thứ hai của phi cơ 737 MAX chỉ trong chưa đầy 6 tháng.
Không ai sống sót trong vụ rơi máy bay chở 157 người ở Ethiopia. Ảnh: Reuters |
Thảm kịch khiến doanh thu của Boeing tụt dốc không phanh, thậm chí không nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào trong nhiều tháng trời. Hàng trăm chiếc 737 Max đã được sản xuất phải lưu kho, trong khi hàng trăm chiếc đã bán ra cũng “nằm yên”. Đến tháng 12/2019, Boeing buộc phải thông báo tạm ngừng sản xuất 737 Max. Năm 2019 có thể nói là một năm khủng hoảng của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ khi chịu thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD.
Các nước mạnh tay chống tin giả
Vấn nạn tin giả đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó được ví như một dịch bệnh và môi trường thuận lợi để chúng lan truyền nhanh chóng chính là các mạng xã hội.
Để đối phó với tình hình tin giả tràn lan hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay.
Ngày 26/9, tổng cộng 20 quốc gia, trong đó có Pháp, Anh và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn hành vi lan truyền tin tức giả mạo trực tuyến.
Hàng loạt quốc gia, trong đó có Singapore và Nga, áp dụng luật chống tin giả. Với áp lực từ nhiều quốc gia, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter cũng đã phải đưa ra hàng loạt giải pháp kiểm soát và ngăn chặn tin giả.
Vụ 39 người Việt chết trong xe container ở Anh
Vào ngày 23/10, cảnh sát Anh nhận được thông tin có 39 người được tìm thấy và đã chết trong một xe tải đông lạnh tại khu công nghiệp Grays, hạt Essex, phía Đông Bắc thủ đô London. Sau đó, danh tính của toàn bộ nạn nhân đều được xác định mang quốc tịch Việt Nam. Cuối tháng 11, việc đưa thi hài, tro cốt của 39 nạn nhân về Việt Nam để trao cho gia đình đã hoàn tất. Cảnh sát Anh đã bắt 4 nghi phạm, một trong số đó bị truy tố tội ngộ sát, âm mưu buôn người, đưa người nhập cư trái phép và rửa tiền. Việt Nam cũng bắt 11 nghi phạm liên quan đến đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép.
Vụ 39 thi thể trong xe container đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Ảnh: NBC News |
Thảm kịch đã gây rúng động toàn thế giới và gióng lên hồi chuông cảnh báo về những đường dây buôn người xuyên quốc gia, đang làm giàu trên chính tính mạng của con người. Trên thực tế, hoạt động buôn bán, đưa lậu người vào các quốc gia thành viên EU vẫn đang là một lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất lớn và phổ biến cho các băng đảng và tổ chức tội phạm. Trong khi đó, số phận của phần lớn người di cư phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động và bạo hành tình dục.
Diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là thế giới vừa trải tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm, châu Âu vật lộn với mùa hè nóng nhất trong lịch sử, vụ cháy rừng Amazon nghiêm trọng tàn phá “lá phổi xanh” của trái đất, mùa đông đến sớm hơn ở Mỹ hay Venice ngập trong nước do triều cường dâng cao…
Tuy nhiên, các nước dường như vẫn chưa nhận thức hết được hậu quả của biến đổi khí hậu. Các bên tham gia hội nghị COP 25 ở Tây Ban Nha vẫn không nhất trí được lộ trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi Mỹ đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này.
Tổng thống Donald Trump bị Hạ viện Mỹ luận tội
Ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bị Hạ viện Mỹ đưa ra luận tội. Như vậy, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ 3 trong lịch sử nước này bị luận tội sau cuộc bỏ phiếu phản ánh sự chia rẽ trầm trọng giữa hai chính đảng.
Ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ 3 trong lịch sử nước này bị luận tội. Ảnh: AP |
Hai cáo buộc được đưa ra với ông Trump là lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Kết quả này mở đường cho một phiên xét xử tại Thượng viện vào đầu năm tới, nơi sẽ quyết định có phế truất ông hay không. Phiên xử sẽ diễn ra 10 tháng trước khi nước Mỹ bước vào ngày bầu cử Tổng thống mới.
Hai Tổng thống bị luận tội trước ông Donald Trump là Andrew Johnson vào năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Tuy nhiên, cả hai ông đều không bị kết án và cũng không bị bãi nhiệm.
Bức tranh Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu)
Theo kế hoạch ban đầu, Brexit buộc phải có hiệu lực vào cuối tháng 3/2019. Tuy nhiên, mọi việc đã không đi theo đúng kế hoạch. Sau khi Hạ viện Anh ba lần bác bỏ thỏa thuận Brexit, bà Theresa May đã phải từ chức.
Việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bầu cử khiến tiến trình Brexit có khả năng diễn ra vào ngày 31/1/2020, sau nhiều lần bị trì hoãn. Trên thực tế, ngày 20/12, thoả thuận Brexit - Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã ký kết với EU hồi tháng 10 vừa qua đã được Hạ viện khóa mới thông qua lần thứ nhất, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit vào ngày 31/1/2020 như ông Johnson đưa ra trong chiến dịch tranh cử.