Những quan điểm trái chiều xung quanh… sách giáo khoa Giáo dục thể chất
Giáo dục thể chất xưa nay vẫn bị coi là môn phụ trong nhiều nhà trường (ảnh minh họa)
Bài liên quan
Lần đầu tiên có sách giáo khoa môn Giáo dục Thể chất
Sân chơi cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt
Phối hợp công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học giai đoạn 2016-2020
Theo các chuyên gia giáo dục, việc có sách cho môn Giáo dục thể chất là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có sách giáo khoa là chưa đủ. Cần phải đầu tư cơ sở vật chất phục vụ môn học này trong các nhà trường…
Trả môn học về đúng vị trí
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Mục tiêu của môn học là trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe; kiến thức và kỹ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực và tố chất vận động. Môn học sẽ giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, vui vẻ, hòa đồng với mọi người.
Ở giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao.
Lý giải về sự ra đời của sách giáo khoa Giáo dục thể chất, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng lâu nay trong các nhà trường, Giáo dục thể chất chưa được chú trọng đúng vai trò.
Cụ thể, đây là môn học trong bốn lĩnh vực cốt yếu đức, trí, thể, mỹ nhưng trong các nhà trường lại chỉ là môn rất phụ. Môn Giáo dục thể chất đa phần được gọi với tên môn Thể dục. “Giáo dục thể chất trong chương trình mới có nhiều sự thay đổi, không chỉ dừng lại ở tập các động tác thể dục nhưng trước đây, học sinh được học cách chăm sóc sức khỏe, nề nếp sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức khỏe. Các em cũng lựa chọn các môn học phù hợp với sức khỏe. Vì vậy, việc có sách giáo khoa là cần thiết để chuyển tải các nội dung chương trình đến học sinh”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Sách giáo khoa Giáo dục thể chất cần nhưng đã đủ? |
Cần nhưng đã đủ?
Sự ra đời đầy mới lạ của sách giáo khoa giáo dục thể chất khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, tại Nhật Bản, có sách giáo khoa môn học Giáo dục thể chất và sức khỏe vì ở Nhật Bản, môn học này không chỉ là thể dục mà còn là khoa học sức khỏe. Do đó, phải có phần lý thuyết, lý luận, hình vẽ, số liệu phân tích, chứ không phải chỉ có ra sân vận động.
“Cuốn sách này có nội dung và hình ảnh giới thiệu về các môn thể thao mà người Nhật tham gia thế vận hội Olympic, nội dung nói về lợi ích của việc tham gia thể dục thể thao để có một cơ thể khỏe mạnh; nội dung giới thiệu các môn thể thao, các hoạt động thể dục mà người Nhật có thể tập hàng ngày”, ông Vương chia sẻ.
Tuy nhiên, chiếu vào chương trình giáo dục thể chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, đối với lớp 1, học sinh học 70 tiết với 4 nội dung cần đạt: Đội hình đội ngũ, vận động cơ bản, bài tập thể dục, thể thao tự chọn. 3/4 nội dung đều có 1 yêu cầu là quan sát tranh ảnh và làm mẫu của giáo viên để tập luyện.
Khi nhận được thông tin học sinh lớp 1 năm học tới có sách giáo khoa môn Thể dục, thầy H.M.T, giáo viên thể dục dạy tại một trường tiểu học của Hà Nội, cho biết từ ngày đi dạy đến nay đã 20 năm, thầy không hình dung ra sách giáo khoa môn thể dục thế nào. Môn này chủ yếu dạy động tác cho học sinh, với học sinh lớp 1, riêng việc đưa các em ra sân, ổn định được đội hình, đội ngũ cho quen giáo viên thể dục có khi cũng mất đến cả kỳ học chứ đừng nói gì đến việc bắt học sinh nhìn vào sách.
Theo thầy H.M.T việc dạy học thể dục của chúng ta hiện nay chưa đạt được hiệu quả là do điều kiện cơ sở vật chất dạy học. “Để dạy, học tốt môn thể dục không phải có sách hay không mà là phải có sân chơi bãi tập, dành thời gian, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn các bộ môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích và sức khỏe”, thầy H.M.T khẳng định.
Theo tiến sỹ Vũ Thu Hương, một chuyên gia giáo dục tại Hà Nội, việc có hay không có sách giáo khoa không cải thiện được vị thế của môn học. Thực tế cho thấy, có nhiều môn có sách như mỹ thuật vẫn không được coi trọng. Trong khi đó, Giáo dục thể chất lại là môn thiên về vận động. Vì thế, bà Hương bày tỏ lo ngại khi có sách sẽ làm giảm giờ học tập luyện vốn đã khá ít ỏi của môn học này.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự đồng thuận với việc ra đời của sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng việc có sách là chưa đủ, cần phải có phương tiện, công cụ, giáo dục để cho hoạt động thể chất và rèn luyện trong nhà trường, đặc biệt là thay đổi nhận thức của cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả các cấp quản lý giáo dục về môn học này.
“Phải có sự quan tâm đồng bộ mới hy vọng có sự cải thiện nhất định môn học này, từ đó góp phần cải thiện về chiều cao thể chất con người Việt Nam trong thập niên tới", ông Bình nói.