Những “ngôi nhà lồng” chật hẹp ở xứ cảng thơm
Cơ hội sở hữu nhà Hà Nội trong tầm tay cho các cặp vợ chồng trẻ Bí mật nhà hoang và tiền vô chủ tại Nhật |
Bên trong một căn hộ siêu nhỏ ở Hong Kong (Trung Quốc) (Ảnh: Bloomberg) |
Mới đây, chính quyền xứ cảng thơm giới thiệu loạt căn hộ trợ cấp, diện tích khoảng 17m2.
Dù những “ngôi nhà lồng” hay “căn hộ quan tài” này chỉ có kích thước rộng bằng 1,5 lần chỗ đỗ xe ô tô nhưng nó vẫn thu hút đông người tới xem và đặt cọc.
Cơ quan quản lý nhà ở Hong Kong cho biết đã nhận được tổng cộng 17.000 đơn đăng ký trực tuyến vào ngày đầu ra mắt dự án, ngoài 100 người đã đến Cơ quan Quản lý nhà ở để gửi đơn và 2.400 đơn đăng ký khác tại trung tâm bán hàng.
Nhiều người nói thà sống trong một ngôi nhà siêu nhỏ còn hơn không sở hữu gì tại thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới này.
Với diện tích từ 17 đến 45m2, chúng được bán với giá thấp hơn 49% so với thị trường, với mức 1,24 - 5,31 triệu HKD (tương đương 158.900 - 680.600 USD).
Hong Kong được xếp hạng là thị trường bất động sản đắt nhất thế giới trong 11 năm liên tiếp (Ảnh: SCMP) |
Ông Amy Chow, 55 tuổi, từng làm nhân viên phục vụ, là một trong số những người đến trung tâm đăng ký. Ông cho biết rất nóng lòng sở hữu một căn hộ nằm trong khu đô thị mới, ngay cả khi phải trả 1,59 triệu HKD (203.850 USD) để mua được một căn hộ chỉ rộng hơn 17m2.
Những người mua nhà sẽ được chọn bằng cách rút thăm vì số lượng đăng ký luôn quá tải.
Căn hộ siêu nhỏ rộng 17m2 là loại bất động sản nhỏ nhất được cung cấp từ khi đề án sở hữu nhà được ban hành vào năm 1978 tại Hong Kong.
Ông Tse Yat-man (42 tuổi) là đầu bếp, đang nhắm đến một căn hộ tại dự án trên. Ông cho biết muốn sở hữu bất động sản này mặc cho ảnh hưởng từ đại dịch tới nền kinh tế.
Để 2 vợ chồng và cậu con trai 13 tuổi có không gian sống thoải mái, ông ngắm đến một căn hộ rộng hơn 27m2 với ngân sách dưới 294.500 USD.
“Tôi sợ mất việc vì dịch nhưng vẫn muốn thử vận may. Mua nhà tại thành phố khó quá”, ông Tse nói.
Những căn nhà có diện tích siêu nhỏ dần trở thành đặc trưng về nhà ở tại xứ cảng thơm (Ảnh: QQ) |
Theo số liệu của chính quyền Hong Kong (Trung Quốc), tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng đã khiến giá nhà tại đây tăng 187% từ năm 2010 đến 2019.
Tại xứ cảng thơm, giá nhà trung bình đã vượt mức 1,3 triệu USD. Trong khi đó, mức lương tối thiểu chỉ là 4,82 USD/giờ. Ngay cả một người lao động lành nghề cũng phải làm việc 21 năm mới đủ tiền mua một căn hộ trung bình với diện tích 60m2 ở trung tâm thành phố.
Theo một khảo sát hồi tháng 6 năm ngoái, căn hộ 46m2 có giá khoảng 1,12 triệu USD tại khu đảo Hong Kong, 1,07 triệu USD tại khu Kowloon và gần 900.000 USD tại khu Tân Giới, theo dữ liệu từ Phòng Đánh giá và Thẩm định của thành phố.
Ước tính, một lao động lành nghề phải làm việc 21 năm mới đủ tiền mua một căn hộ trung bình với diện tích 60m2 ở trung tâm thành phố (Ảnh: Trendolizer) |
Giá bất động sản trên trời buộc hầu hết mọi người phải nộp đơn đăng ký thuê nhà ở công hoặc thử vận may với thị trường nhà ở chính sách nếu họ đủ điều kiện. Tuy nhiên, với những người không đủ điều kiện và đang xếp hàng chờ phê duyệt đơn thuê nhà ở công, họ buộc phải trả khoản tiền không nhỏ để trú ngụ trong những không gian sống cực nhỏ.
Ở Hong Kong, nhiều gia đình đang sống trong căn hộ từ 5 - 10m2, nơi chủ nhà gọi là căn hộ chia nhỏ.
Căn hộ chia nhỏ là một hình thức thuê nhà phổ biến ở Hong Kong. Để có thể cho thuê được nhiều hơn, chủ sở hữu sẽ chia ngôi nhà thành nhiều phòng, chủ yếu dành cho người thu nhập thấp. Dù mỗi phòng chỉ có vài mét vuông nhưng tiền thuê lên đến 3.000 - 5.000 tệ (11 - 18 triệu đồng).
Trong mỗi căn phòng như thế này, bên cạnh chiếc giường là những đồ vật khác được sắp xếp chồng chất lên nhau. Những căn phòng này không khác gì những chiếc giường tầng trên tàu hỏa, thậm chí còn chật chội và khó chịu hơn.