Những năm tháng quân ngũ góp phần tôi luyện ý chí tân Tiến sỹ luật học
Học bổng thạc sỹ, tiến sỹ do Trung Quốc đài thọ Vị nữ tiến sỹ bỏ bệnh viện lớn, quy y cửa Phật để khám chữa miễn phí cho người nghèo |
Ngày 28/9 vừa qua, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ cấp học viện, chuyên ngành Luật hình sự và Tố tụng hình sự. Có được thành quả này, chàng thanh niên quê Hưng Yên đã nỗ lực lao động, học tập không ngừng nghỉ để trở thành luật sư, rồi nghiên cứu bảo vệ luật án Tiến sỹ luật học.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường có nhiều bài viết, ý kiến chia sẻ về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật |
Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô sau khi bảo vệ thành công luận án, tân Tiến sỹ luật học Đặng Văn Cường cho biết, bản thân anh rất vinh dự và cảm thấy may mắn vì có những năm tháng tuổi trẻ được phục vụ trong quân đội, giúp anh rèn luyện ý chí, phấn đấu học tập, nghiên cứu khoa học để đạt được thành quả như ngày hôm nay.
Luật sư Cường nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi lựa chọn đi lao động để nhanh chóng ổn định cuộc sống, phụ giúp gia đình. Đây là những trải nghiệm đầu đời để thử sức mình, qua đó giúp tôi nhận ra mình không có định hướng, nghề nghiệp không ổn định. Khi đó, tôi nghĩ rằng mình cần có một môi trường thực sự lành mạnh, có kỷ luật để rèn luyện bản thân cũng như tạo ra động lực để xây dựng nền tảng thực hiện ước mơ, xây dựng cuộc sống sau này.
Năm 2000, tôi nhập ngũ vào Tiểu đoàn tên lửa 82, Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 Quân chủng Phòng không Không quân. Tìm hiểu về lịch sử truyền thống của tiểu đoàn, đã từng bắn rơi nhiều máy bay B52, F111... trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khiến tôi rất tự hào và nỗ lực học tập, rèn luyện cống hiến.
Luật sư Đặng Văn Cường (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội về chúc mừng đơn vị đón nhận danh hiệu Anh Hùng LLVTND (ảnh tư liệu) |
Đến nay sau nhiều năm rời quân ngũ nhưng những người lính như chúng tôi không bao giờ quên ngày đầu mới vào đơn vị. Nhớ những buổi rèn luyện điều lệnh đội ngũ, hay nửa đêm đang ngủ phải bật dậy, nhanh chóng khoác ba lô hành quân, chạy, di chuyển trong những tình huống giả định. Những ngày trên thao trường nắng như đổ lửa, quân phục lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Đêm hành quân dã ngoại đường dài, cả đơn vị lấp loáng dưới ánh trăng soi chiếu như một sợi chỉ vắt dọc theo những sườn đồi. Và những bức thư đầy ắp một ba lô...
Mỗi buổi sáng chấm điểm thi đua nội vụ, doanh trại, phòng ở của chiến sĩ không có một hạt bụi, chăn màn gấp đẹp, vuông vắn nhìn như những bao diêm ở cuối giường. Việc làm tỉ mỉ, thường xuyên, liên tục, có hậu kiểm đã rèn luyện chúng tôi có tác phong cẩn thận, tỉ mỉ, khi thực hiện nhiệm vụ sẽ không cẩu thả, sai sót. Sẵn sàng nhận và quyết tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dù những ngày tháng huấn luyện gian khổ nhưng tạo cho những chàng thanh niên trẻ hồn nhiên ngày nào trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Có thể nói rằng kỷ luật quân đội là “kỷ luật thép”, là sức mạnh của quân đội. Nhờ có kỷ luật thép nên những người lính trở nên kiên cường, có bản lĩnh. Có ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật và biết trọng tình nghĩa, tình đồng chí, đồng đội, coi nhẹ những giá trị vật chất.
Có lẽ kỷ luật của quân đội và pháp luật có những nét tương đồng và ước mơ hành nghề luật cũng nhen nhóm trong tôi từ đó... Tôi luôn tâm niệm rằng sức mạnh quân đội là kỷ luật, xã hội phát triển văn minh thì cũng cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tiến bộ, người dân tuân thủ pháp luật như một nét văn hóa. Khi pháp luật được thượng tôn thì xã hội sẽ văn minh, lành mạnh và phát triển.
Những năm tháng trải nghiệm trong quân ngũ là hành trang quý báu, là những bài học, những kinh nghiệm không thể học ở đâu khác ngoài quân ngũ. Kiến thức học được khi tại ngũ giúp tôi hoàn thiện tác phong, quan hệ giao tiếp, ứng xử, tiếp nhận thông tin và giải quyết công việc. Thời gian tại ngũ cũng giúp tôi có sức khỏe tốt, bản lĩnh, ý thức tự giác, tinh thần tập thể và ý chí quyết tâm phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, gian khổ..."
Luật sư Đặng Văn Cường (bên trái) tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (ảnh tư liệu) |
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để trở thành một luật sư như ngày hôm nay, ngoài vốn sống, trải nghiệm trong những năm tháng quân ngũ, anh đã trải qua 4 năm học Đại học luật Hà Nội, rồi trở thành giảng viên môn pháp luật tại một số trường Cao đẳng, Đại học. Sau đó anh tiếp tục học nghề luật sư tại Học viện Tư pháp, 18 tháng tập sự hành nghề luật sư và tiếp đó là khoảng thời gian bắt đầu hành nghề, va chạm thực tế.
Khi nhận thấy đã tự tin về năng lực, trình độ trong nghề luật, anh đã thành lập Văn phòng luật sư Chính Pháp, hoạt động với sứ mệnh tối đa hóa lợi ích hợp pháp của khách hàng thông qua việc cung cấp các giải pháp tư vấn cũng như nâng cao văn hóa pháp luật của người Việt Nam.
Anh tâm sự: “Hành nghề luật sư quả thật không đơn giản, có những khó khăn, thử thách, cám dỗ mà ta phải vượt qua, thậm chí luật sư còn có thể rơi vào những tình huống nguy hiểm cả về sức khỏe, tính mạng, pháp lý… Tuy nhiên, với đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh, tác phong của người từng phục vụ trong quân ngũ không cho phép một luật sư như tôi gục ngã hay chùng bước.
Mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng cũng giống như mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân, tư vấn pháp luật chính là khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc. Luật sư tham gia tranh tụng cũng không khác gì bác sĩ điều trị cho những ca bệnh đang phải cấp cứu. Nghề y đòi hỏi y đức cao, còn nghề luật cũng đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp thì mới an toàn và thành công. Nhiều người vẫn hay nói rằng đã là luật sư thì phải có bản lĩnh. Với những người đã trải qua quân ngũ, sống trong kỷ luật của quân đội sẽ rất thuận lợi để rèn luyện bản lĩnh, có được đạo đức nghề nghiệp”.