Những dự án ứng dụng AI phục vụ cuộc sống
Hạnh phúc trong Giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam |
Giúp cây cối "trò chuyện" tự nhiên
Nổi bật trong các dự án tranh tài tại chung kết là NatureVoice. Đây là một ứng dụng chăm sóc cây cối thông minh, kết hợp công nghệ AI, IoT và cảm biến hiện đại, mang lại trải nghiệm tương tác sinh động và tối ưu hóa việc chăm sóc cây cho người dùng. NatureVoice được thực hiện bởi nhóm bạn trẻ Nguyễn Khắc Công, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Văn Phú, Bùi Đình Lam (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH).
Bạn Nguyễn Văn Công, Đội trưởng NatureVoice giới thiệu về dự án với các vị đại biểu |
Bạn Nguyễn Văn Công, Đội trưởng Nature Voice cho biết, tính năng cốt lõi và độc đáo của NatureVoice chính là khả năng "trò chuyện" tự nhiên với cây cối thông qua mô hình ngôn ngữ lớn. Công nghệ AI này giúp cây cối có thể giao tiếp với người dùng bằng cách phản hồi các câu hỏi liên quan đến tình trạng của cây như: “Tôi nên tưới cây bao nhiêu nước?”; “Cây của tôi có đang khỏe không?” ; “Cây có cần di chuyển đến nơi có ánh sáng tốt hơn không?”
“AI sẽ phân tích dữ liệu thu thập từ các cảm biến để cung cấp những phản hồi chính xác và thông minh, làm cho người dùng có cảm giác như cây cối thực sự đang giao tiếp. Đặc biệt, AI có thể tạo ra nhiều tính cách khác nhau cho cây cối, từ vui vẻ, hài hước cho đến trầm lặng, mang lại trải nghiệm cá nhân hóa và thú vị cho người dùng”, Công chia sẻ.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng trao giải Nhất cho các thành viên đội Nature Voice |
Bên cạnh đó, Nature Voice còn tích hợp công nghệ xử lý dữ liệu hình ảnh thông minh. Người dùng có thể chụp ảnh cây của mình và tải lên ứng dụng để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cây. AI sẽ phân tích các dấu hiệu trên lá, thân cây, chẳng hạn như sự biến đổi màu sắc hoặc tình trạng lá vàng, để phát hiện các vấn đề tiềm ẩn như thiếu nước, thiếu ánh sáng, hoặc sâu bệnh. Kết quả phân tích hình ảnh sẽ được kết hợp với dữ liệu cảm biến để đưa ra các khuyến nghị chính xác về cách chăm sóc cây, giúp người dùng có thêm sự kiểm soát và theo dõi toàn diện hơn. Với những tính năng nổi bật đó, NatureVoice sẽ góp phần hình thành lối sống xanh ở người trẻ.
Thay đổi cuộc sống của trẻ tự kỷ
Bạn Phan Bạch Xuân An mang đến chung kết cuộc thi dự án CC - AI Rabbit as super-companion for Autism. Đây là công cụ hỗ trợ giao tiếp cho các bé tự kỷ. An cho biết, mọi trẻ tự kỷ đều có quyền nói lên tiếng nói của bản thân. CC - AI Rabbit (bé Thỏ CC) sẽ giúp các em làm điều đó.
Cách sử dụng bé Thỏ CC rất đơn giản, ba mẹ hoặc trẻ tự kỷ chỉ cần chọn hình ảnh hoặc kí hiệu để thể hiện điều mình muốn. Bé Thỏ CC sẽ giúp trẻ tự kỷ giao tiếp, bày tỏ cảm xúc và kết nối tốt hơn với mọi người xung quanh và ngược lại.
Ban Tổ chức trao giải thưởng cho các đội thii |
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho biết: Việc thúc đẩy và phát triển học tập tin học, trong đó chú trọng học tập về trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng vào chương trình xây dựng thành phố Hà Nội trở thành đô thị thông minh rất cần được quan tâm. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, công nghệ đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng, không thể thiếu đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc thi được tổ chức nhằm thúc đẩy học tập tin học cho đoàn viên, thanh niên, trong đó chú trọng học tập về trí tuệ nhân tạo (AI); khuyến khích các ý tưởng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, phát triển bền vững để hình thành các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thiết thực cho kinh tế - xã hội. |
“Điều đặc biệt là bé Thỏ CC không chỉ là công cụ, mà còn là người bạn đồng hành. Trẻ tự kỷ có thể "nói chuyện" với bé Thỏ CC bất cứ lúc nào trong thế giới riêng của mình. Công nghệ GenAI cho phép cá nhân hoá ngôn ngữ riêng của bé, bao gồm hình ảnh, âm thanh, video và viết note… Điều này cũng giúp việc chăm sóc trẻ tự kỷ trở nên dễ dàng hơn. Không những vậy, Thỏ CC giúp tạo dấu ấn cá nhân vì có thể theo trẻ tự kỷ từ bé đến lớn.
Dự án của An được Ban Giám khảo đánh giá có ý nghĩa rất lớn trong xã hội bởi nó liên quan đến can thiệp y tế số; góp phần thay đổi cuộc sống của trẻ tự kỷ.
Hỗ trợ sinh viên có thêm thu nhập
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng giúp anh Nguyễn Văn Lâm, founder SariAI khởi nghiệp thành công. Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, công ty do anh Lâm quản lý có thể cung cấp hơn 100.000 phòng trọ.
Anh Lâm cho biết, ý tưởng mô hình của anh bắt đầu từ năm 2017, khi chứng kiến các bạn tân sinh viên từ các tỉnh lên Hà Nội học tập nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi tìm chỗ trọ vào mỗi dịp đầu năm học mới, anh đã hỗ trợ họ tìm kiếm nhà.
Anh Nguyễn Văn Lâm giới thiệu về SariAI |
Đầu tiên, anh thử nghiệm thuê 3 căn chung cư rồi tách phòng ra cho các bạn sinh viên thuê chung nhưng rồi vẫn không đủ chỗ. “Sau một thời gian tìm hiểu và hỗ trợ các bạn, mình nhận thấy thị trường có rất nhiều người khó khăn, thu nhập thấp cần nhà ở giá rẻ để mưu sinh. Đây là nhu cầu thiết yếu trong khi nguồn lực của bản thân có hạn nên mình tìm đến các chủ đầu tư lớn trong ngành với hi vọng tìm kiếm được các nguồn nhà giá rẻ cho sinh viên và người đi làm”, anh Lâm chia sẻ.
Sau 6 năm tích luỹ kết hợp với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, hiện anh Lâm và các cộng sự có thể cung cấp thông tin về dịch vụ nhà trọ cho toàn bộ Hà Nội, với tổng số hơn 100.000 phòng được cập nhật còn trống và đã kín 24/7.
Đặc biệt, nhờ ứng dụng trí tuệ nhận tạo AI đã giúp đọc hiểu nhu cầu các bạn sinh viên, người thu nhập thấp về nhà ở như giá, vị trí, cùng các thông tin dịch vụ khác như vệ sinh khép kín, không chung chủ, giá điện, nước… Sau đó, anh truy xuất cơ sở dữ liệu trên sari.vn trả kết quả tối ưu nhất, đáp ứng cho họ nơi ở phù hợp nhất. Bên cạnh đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể chăm sóc hỗ trợ hàng nghìn bạn sinh viên, người thu nhập thấp cùng 1 lúc thay cho hàng nghìn sale thủ công.
Chiều 2/12, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chung kết Cuộc thi thử thách công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa và nhỏ (RESET 2024). Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và kế hoạch số 284-KH/TU về triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Sau một thời gian triển khai, cuộc thi đã thu hút đươc gần 1.000 lượt thí sinh đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố tham gia. Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn ra được Top 5 đội thi xuất sắc bước tiếp vào vòng chung kết. Sau những màn tranh tài kịch tính, đội thi Nature Voice đã xuất sắc giành giải Nhất; giải Nhì thuộc về đội thi Basao Valuation; Đội thi CC - AI Rabbit as super-companion for Autism giành giải Ba; 2 giải Khuyến khích thuộc về đội thi Sari AI và AIVOS |