Nhức nhối nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ
Tại New York, người biểu tình xuống đường phản đối trước cái chết của George Floyd (Ảnh: AFP)
Bài liên quan
Mô hình trợ giúp thanh thiếu niên nhân văn tại Mỹ
Mỹ mạnh tay trong vụ bê bối “chạy trường”
Câu lạc bộ golf danh tiếng Ấn Độ bị cáo buộc phân biệt chủng tộc
Hãng Dove bị chỉ trích vì quảng cáo phân biệt chủng tộc
Kết quả khám nghiệm pháp y của hạt Hennepin, thành phố Minneapolis nơi xảy ra vụ việc George Floyd, 46 tuổi, tử vong cho thấy, người đàn ông da màu này chết vì sức ép lên vùng cổ khiến máu không thể lưu thông.
Mặt khác, một khám nghiệm pháp y độc lập theo yêu cầu của gia đình nạn nhân cũng chỉ ra rằng công dân Mỹ gốc Phi này chết vì ngạt thở và cũng kết luận đây là một vụ giết người. Theo khám nghiệm này, Floyd đã chết trước khi được đưa lên xe cứu thương.
Cái chết của Floyd làm bùng lên các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn nước Mỹ. Điều này làm chính quyền Mỹ lo ngại số ca nhiễm Covid-19 sẽ tăng vọt sau biểu tình.
Đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc
Mỹ là một trong những quốc gia đa dạng nhất trên thế giới và rất khó xác định được cách phân loại các nhóm sắc tộc một cách chính xác. Đa số người Mỹ đến từ nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau.
Phân biệt chủng tộc ở Mỹ đã tồn tại từ thời thuộc địa, khi người Mỹ da trắng được trao các đặc quyền và quyền lợi hợp pháp hoặc vị thế xã hội trong khi các quyền tương tự bị từ chối đối với các chủng tộc và dân tộc thiểu số khác.
Năm 1964, Đạo luật Dân quyền Mỹ được thông qua, tuyên bố mọi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng phân biệt sắc tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu vẫn âm ỉ trong xã hội nước này. Nhiều người cho rằng, đó là một căn bệnh chưa có thuốc chữa.
Trước George Floyd, nước Mỹ từng chứng kiến nhiều vụ sát hại, phân biệt chủng tộc người da đen gây rúng động.
Nước Mỹ sẽ còn chặng đường dài nỗ lực để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc (Ảnh: AP) |
Vào một buổi chiều mưa tháng 2/2012, tại thị trấn Sanford, cậu bé da màu Trayvon Martin rời cửa hàng tiện lợi sau khi ghé mua thực phẩm mang về nhà xem ti vi cùng bố. Trời mưa nhẹ, Trayvon Martin mặc áo khoác có cổ trùm và chiếc quần jean. Cậu bé bị trưởng nhóm điều tra dân phố George Zimmerman nghi ngờ làm chuyện mờ ám. Zimmerman đã đuổi theo Martin và cậu bé 17 tuổi bị bắn chết.
Zimmerman bị truy tố tội giết người nhưng được tuyên trắng án với lý do tự vệ. Phán quyết đã dẫn đến những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ.
Tháng 7/2014, Eric Garner, một người đàn ông da đen bị tình nghi phạm tội và nhân viên cảnh sát New York đã đốn ngã, khóa cổ trên vỉa hè. Các clip quay được từ người đi đường cho thấy ông này thều thào: “Tôi không thở được” và gục xuống. Cái chết của Garner lúc đó cũng đã làm bùng phát biểu tình ở New York cũng như khắp nước Mỹ.
Các số liệu thống kê cho thấy từ trước đến nay, người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ bị cảnh sát da trắng bắn nhiều hơn so với các những nhóm chủng tộc khác. Tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng trong các năm gần đây.
Năm 2016, nước Mỹ có 963 người bị cảnh sát bắn chết với 465 nạn nhân là người da trắng và 233 là người da màu. Trong khi đó, người da trắng chiếm gần 70% dân số Mỹ và gấp 5 lần người da màu.
Biểu tình lan rộng xuyên biên giới
Sự giận dữ đã lan rộng trong các cộng đồng dân cư trên cả nước Mỹ sau khi đoạn video về những khoảnh khắc cuối cùng của ông Floyd lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình nổ ra. Các đối tượng quá khích thực hiện nhiều hành vi đập phá, cướp bóc...
Chính quyền Mỹ phải điều 500 vệ binh quốc gia tới hai thành phố của bang Minnesota là Minneapolis và Saint Paul để hỗ trợ lực lượng chức năng. Trong khi đó, hàng loạt thành phố ban bố lệnh giới nghiêm để kiểm soát tình hình.
Không chỉ thế, phong trào chống nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ lan rộng sang nhiều nước trên thế giới như: New Zealand, Canada, Đức, Anh…
Tại Vương quốc Anh, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường tại thủ đô London ngày 31/5 và hô vang khẩu hiệu: “Không bình đẳng! Không hòa bình” trước khi tiếp tục tuần hành qua tòa nhà Quốc hội và dừng chân bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.
Cảnh tượng cũng diễn ra tương tự khi nhiều người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch. Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình cũng đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Berlin của Đức, hô khẩu hiệu “Công bằng cho George Floyd”.
Ngày 1/6, tại thành phố Auckland của New Zealand, khoảng 2.000 người đã tuần hành trước Lãnh sự quán Mỹ, hô vang các khẩu hiệu và kêu gọi quan tâm tới cuộc sống của người da màu.
Trước làn sóng sôi sục trong cộng đồng về vụ việc George Floyd, nhà chức trách đã truy tố Derek Chauvin, viên cảnh sát đã ghì cổ Floyd vì tội giết người cấp độ 3, vô tình gây ra cái chết cho người khác và tội ngộ sát do bất cẩn. Ba sĩ quan cảnh sát khác đang bị điều tra và có thể bị truy tố.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2020 đã cam kết với các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi ở tiểu bang Delaware rằng nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc đang cản trở cuộc sống của cộng đồng người da màu.
Ông Biden cũng đề cập đến việc tìm kiếm một nhân vật liên danh tranh cử. Trong đó, ông cho biết đang cân nhắc tới một số phụ nữ Mỹ gốc Phi. Ứng cử viên này nhấn mạnh: "Tôi hứa với các bạn rằng sẽ có nhiều ứng cử viên người Mỹ gốc Phi được xem xét, cũng giống như người Mỹ gốc Latinh và người da trắng".
Trong khi đó Tổng thống Donald Trump cho biết, ông chia buồn với gia đình Floyd và yêu cầu Cục điều tra liên bang và Bộ Tư pháp điều tra về cái chết rất đau buồn và bi thảm của George Floyd. Đồng thời, Tổng thống Trump khẳng định “Công lý sẽ được thực thi”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan điểm không chấp nhận các hành vi bạo loạn, gây rối và bạo lực của những người biểu tình trong sự việc này.