Nhóm bạn 10X mang cải lương đến gần với người trẻ
Từ ý tưởng tới hành động
“Trong quá trình tìm kiếm chủ đề để triển khai chiến dịch truyền thông và sự kiện cho bài tập trên lớp, chúng mình nhận thấy văn hóa nghệ thuật truyền thống là chủ đề có rất nhiều tiềm năng để khai thác, hơn nữa bản thân chúng mình cũng có nhiều cảm hứng về nó”, bạn Lê Nguyễn Nhật Phương - Trưởng dự án Cải cách lương truyền chia sẻ.
Dự án truyền thông Cải cách lương truyền |
“Nhóm chúng mình còn có một thành viên xuất thân từ gia đình có bố và mẹ đều là nghệ sĩ cải lương”, Nhật Phương bật mí.
Cô bạn ấy chính là Nguyễn Mai Anh, có tuổi thơ gắn với những điệu lý, bài ca cổ và những trích đoạn cải lương. “Có bố mẹ đều làm diễn viên cải lương nên phần nào đó mình cũng “lây” tình yêu đối với nghề của bố mẹ và hiểu được sự vất vả của những diễn viên. Đây là động lực và lý do đầu tiên mà mình chọn cải lương làm chủ đề truyền thông”, Mai Anh chia sẻ.
Bố mẹ là người truyền cảm hứng, tình yêu với cải lương cho bạn Nguyễn Mai Anh |
Là người sinh năm 2000, thuộc lớp thế hệ gen Z, các bạn trẻ nhận thức được rằng cải lương là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống đã luôn có trong tiềm thức và tâm tưởng của người Việt không kể thế hệ nào. “Theo mình giới trẻ chưa hiểu về cải lương là do chưa có được cơ hội để tiếp cận đúng cách. Chỉ cần được khơi thông thì sự tò mò, hứng thú vốn có trong lòng thế hệ trẻ sẽ trở thành tình yêu, sự đam mê. Đó chính là nhiệm vụ của chúng mình”, Mai Anh vui vẻ nói.
Cái tên “Cải cách lương truyền” được lấy cảm hứng từ câu liên đối: “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.
Cải lương luôn không ngừng cải cách, không ngừng làm mới mình để có thể lương truyền những giá trị nhân sinh tốt đẹp qua từng thời đại, qua nhiều thế hệ người Việt. Để tiếp bước trong hành trình đó, dự án “Cải cách lương truyền” sẽ là cầu nối, thực hiện sứ mệnh đưa cải lương tới đông đảo các bạn trẻ.
Có quyết tâm thì không ngại khó khăn
Lựa chọn đề tài về nghệ thuật truyền thống, các bạn trẻ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu về cải lương để làm nội dung truyền thông. “Tư liệu về cải lương ở trên mạng còn khá ít và chất lượng tư liệu cũng không được tốt, không được phong phú, đa dạng nên chúng mình phải làm việc hết công suất để tìm đủ nội dung phục vụ hoạt động truyền thông”, bạn Nhật Phương chia sẻ.
Để thể hiện những nội dung sao cho gần với công chúng hơn, cả nhóm đã nỗ lực rất nhiều để có thể truyền tải được những giá trị cốt lõi của bộ môn này theo những cách thu hút nhất.
Cách thể hiện nội dung đa dạng của dự án thu hút được nhiều sự quan tâm |
Bất kỳ ai làm về chủ đề văn hóa nghệ thuật truyền thống cũng đều sẽ nhận được sự đánh giá khắt khe hơn từ phía công chúng. “Chúng mình luôn cố gắng làm việc thật chỉn chu, tỉ mỉ và ấn tượng nhất có thể. Để thực hiện dự án với một chủ đề khá là “nặng đô” như thế thì mối thành viên trong nhóm đều nỗ lực hết mình và hỗ trợ lẫn nhau trong từng công việc nhỏ nhất”, Nhật Phương nói.
Mỗi một hoạt động nhỏ trong dự án đều là kỷ niệm quý báu và đáng nhớ nhưng với Mai Anh thì có lẽ khi nhóm thực hiện chụp bộ ảnh “NGỌC”, mọi người thức đến 4 giờ sáng để hoàn thành công việc và 7 giờ đã có mặt đúng để thực hiện bộ ảnh. “Vì đây là bộ ảnh mang ý nghĩa lớn, có sự xuất hiện của NSƯT Thuỳ Liên và NSƯT Hồng Hạnh nên chúng mình không muốn có sai sót gì xảy ra”.
NSƯT Thuỳ Liên và NSƯT Hồng Hạnh trong bộ ảnh NGỌC |
“Nhóm chúng mình may mắn nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất từ các cô chú nghệ sĩ cải lương nói riêng và những người yêu bộ môn này nói chung. Đó chính là động lực to lớn để cả nhóm cố gắng hơn nữa trong hành trình hoạt động dự án”, sự quyết tâm được thể hiện qua lời nói của cô bạn trưởng dự án.
“Khi biết mình lựa chọn đề tài này bố mẹ đã rất vui và mỗi “bước đi" nhỏ trong dự án đều được bố mẹ hỗ trợ về chuyên môn cũng như cổ vũ nhiệt tình. Tình yêu và niềm tự hào của bố mẹ là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho mình”, Mai Anh tự hào chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu với cải lương
Từ khi biết đến và theo dõi dự án, bạn trẻ Thảo Ngân (20 tuổi) chia sẻ về sự thay đổi trong suy nghĩ của mình: “Trước đây mình chỉ biết đến cải lương khi bà mình bật nghe. Từ khi xem những nội dung của "Cải cách lương truyền, mình mê lắm, còn rủ bà cùng xem với mình. Cũng vì vậy mà hai bà cháu thêm gần gũi nhau hơn”, Ngân nói.
Cải lương đã len lỏi vào đời sống gen Z thế nào? |
“Với thông điệp “Cải lương là ngọc - Ngọc không thể hóa than”, chúng mình sáng tạo nội dung ngay từ điểm nhìn của bản thân. Khi những bài viết đó cũng nhận được nhiều sự chú ý, hứng thú đến từ các bạn trẻ nhiều nhất khiến mình cảm thấy thực sự đã đưa cải lương đến gần hơn với các bạn phần nào”, Mai Anh xúc động chia sẻ.
Những phản hồi tích cực từ các bạn trẻ trên mạng xã hội |
Do dịch bệnh và thời gian cách ly kéo dài nên đêm nhạc “Giao” - chương trình kết nối khán giả trẻ với nghệ thuật cải lương không thể tổ chức offline để có sự kết nối trực tiếp. “Hơi tiếc một chút nhưng đây là tình hình chung và chúng mình vẫn có thể cố gắng hết mình trong khả năng để tạo nên trải nghiệm nghệ thuật trọn vẹn nhất cho khán giả từ xa”, Nhật Phương chia sẻ thêm. Sự kiện online đêm nhạc “Giao” sẽ được livestream trực tiếp trên fanpage của “Cải cách lương truyền" vào tối 31/10.
Mong rằng sau quãng thời gian hoạt động của chiến dịch thì cải lương đã phần nào đến gần hơn được với giới trẻ, công chúng. Sẽ xuất hiện thêm những bạn trẻ yêu, đam mê bộ môn này để tìm cách bảo tồn, gìn giữ, phát huy nó.