Nhiều quốc gia Châu Âu ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao kỷ lục
Làn sóng dịch thứ hai
Theo các số liệu thống kê, trong ngày 4/11, nhiều nước Châu Âu đã ghi nhận số ca mắc và tử vong cao kỷ lục. Theo đó, Nga ghi nhận thêm 19.768 ca mắc và 389 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc và tử vong trong ngày cao nhất ở xứ sở bạch dương kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện tại tổng số ca mắc Covid-19 ở Nga đã đạt trên 1,6 triệu trường hợp và gần 30 nghìn người tử vong.
Tương tự, Ukraine cũng ghi nhận thêm 9.524 ca mắc và 199 ca tử vong trong một ngày. Đây cũng là ngày có số ca mắc và tử vong cao nhất tại Ukraine.
Ghi nhận số ca mắc và tử vong cao kỷ lục tại nhiều quốc gia Châu Âu (Ảnh: AFP) |
Tiếp sau là Hungary cũng ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày ở mức cao với lần lượt 4.219 ca và 90 ca. Bộ trưởng Y tế Ukraine tuyên bố, tình hình dịch bệnh ở nước này đang trên bờ thảm họa và phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất xảy ra.
Bulgaria cũng ghi nhận thêm 4.041 ca mắc mới trong một ngày. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ hồi tháng 3 tại quốc gia này.
Trong khi đó, Cộng hòa Séc cũng thông báo nước này có thêm 12.088 ca mắc mới và 259 ca tử vong trong một ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên hơn 360 nghìn ca mắc với gần 4 nghìn ca tử vong.
Hiện tại tổng số ca mắc Covid-19 tại lục địa già hơn 11 triệu người, trong đó trên 284 nghìn ca tử vong. Theo nhận định của các chuyên gia, các nước Châu Âu đang phải đối mặt với tình huống rất khó khăn trong việc kiểm soát các ca lây nhiễm mới trong khi người dân cảm thấy mệt mỏi với những lệnh phong tỏa hay lệnh giới nghiêm trong cuộc sống thường ngày.
Tái áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước Châu Âu đã phải tăng cường các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký ban hành lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ ngày 5/11 - 3/12.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban thông báo tái áp đặt tình trạng khẩn cấp và ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm từ 0h ngày 3/11.
Hà Lan cũng siết chặt phong tỏa nhằm làm chậm lại làn sóng lây nhiễm thứ hai. Hy Lạp tái áp đặt phong tỏa một phần thủ đô Athens và miền Bắc đất nước trong ít nhất một tháng nhằm chống dịch.
Nhằm hạn chế độ lây lan của đại dịch Covid-19, chính phủ Litva đã ra lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần, bắt đầu từ ngày 7/11 tới. Thủ tướng Ba Lan cũng tuyên bố đóng cửa hầu hết các cửa hàng tại những trung tâm mua sắm, các nhà hát, rạp chiếu phim và bảo tàng...
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Theo đó các cơ sở kinh doanh như nhà hàng và quán cà phê trên cả nước sẽ phải đóng cửa từ 22h (giờ địa phương) ngày 4/11. Các bể bơi, tiệm làm tóc, địa điểm tổ chức tiệc cưới, rạp chiếu phim, nhà hát và những cơ sở tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đóng cửa.
Nhiều quốc gia Châu Âu áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt trong bối cảnh làn sóng Covid-19 đang lây lan mạnh tại lục địa này (Ảnh: Getty) |
Trước đó, Chính phủ Pháp tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong bốn tuần để chống dịch Covid-19 từ 0 giờ ngày 30/10 tới 1/12. Với số ca nhiễm mới lên tới mấy chục nghìn ca mỗi ngày kéo theo tình trạng quá tải giường bệnh, lệnh phong tỏa tái triển khai tại Pháp sau gần 5 tháng và sẽ kéo dài ít nhất bốn tuần.
Tuy lệnh phong tỏa lần này không nghiêm ngặt như hồi đầu năm nhưng các hoạt động công chúng hay tụ tập ở nhà riêng với người ngoài bị cấm hoàn toàn. Bất kỳ ai ra khỏi nhà phải có giấy xác nhận vì mục đích đi làm theo yêu cầu, đi mua đồ dùng thiết yếu, khám chữa bệnh…
Tại Tây Ban Nha, chính quyền sẽ phong tỏa một phần tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như thành phố Leon, Palencia và San Andres del Rabanedo trong vòng hai tuần kể từ ngày 2/10. Người dân tại những thành phố này không được phép đi ra ngoài, trừ phi có lý do thiết yếu như đi làm, học tập hoặc gặp bác sĩ.
Người dân Ireland thì không được rời khỏi quận cư trú, các hoạt động tụ tập dự kiến tổ chức trong nhà sẽ bị hoãn. Các nghi lễ tôn giáo sẽ được tổ chức trực tuyến, đặc biệt các nhà hàng chỉ được phục vụ khách ở không gian bên ngoài.
Kinh tế vốn đã mong manh, nay càng khó khăn
Theo thống kê, do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế Châu Âu đã giảm 12,1% trong quý II/2020. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995.
Trong đó, nền kinh tế Pháp đã giảm 13,8% trong quý II do tác động của các biện pháp phong tỏa chống dịch. Kinh tế Pháp đã tăng trưởng âm trong ba quý liên tiếp. Ðức thông báo GDP sụt 10,1%; Itlaly giảm 12,4%; GDP của Bồ Ðào Nha giảm 14,1% và Tây Ban Nha ghi nhận GDP giảm tới 18,5%.
Sau một thời gian có dấu hiệu hạ nhiệt, những tưởng các quốc gia tại châu lục này có thể nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế thì nay lại đang trải qua làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Châu Âu hiện ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc Covid-19 (Ảnh: AP) |
Các chuyên gia nhận định, mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng như làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đầu tiên hồi đầu năm nhưng các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội đang được nhiều nước Châu Âu áp đặt trở lại vẫn tác động tới sự phục hồi kinh tế vốn đang trên đà hồi phục rất mong manh của châu lục này.
Mặc dù vẫn lạc quan về tình trạng cải thiện kinh tế sau đợt suy thoái hồi tháng Ba nhưng ông Klaus Regling, Chủ tịch Cơ chế bình ổn Châu Âu (một quỹ cứu trợ tài chính của khu vực đồng tiền chung Châu Âu - Eurozone), cũng phải thừa nhận những tình huống bất lợi mà mọi người từng lo ngại đang có nguy cơ trở thành “trạng thái bình thường mới”.
Ông cũng nhấn mạnh tình trạng xuống cấp của hệ thống y tế đang làm gia tăng những rủi ro về một đợt suy thoái kép tại 19 quốc gia Châu Âu.
Hội đồng Châu Âu đã thông báo các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 19/11 để thảo luận về cách ứng phó với đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe công dân và nền kinh tế các quốc gia trong khối.
“Giải độc công nghệ” trong thời Covid-19 TTTĐ - Ngày càng nhiều người dân Hàn Quốc áp dụng các biện pháp “giải độc công nghệ” (digital detox) khi các dịch vụ trực ... |
Vấn nạn lao động trẻ em khi các trường học đóng cửa do đại dịch TTTĐ - Henrietta Fore, Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, cho biết sự gián đoạn đến trường học do đại ... |
Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên da người trong 9 giờ đồng hồ TTTĐ - Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases số tháng 10 của các nhà khoa học Nhật ... |