Tag

Nhiều phụ nữ Nhật phải điều trị tâm lý do bị quấy rối

Nhìn ra thế giới 11/11/2019 11:21
aa
TTTĐ - Theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố vào đầu tháng 10 vừa qua, 1/3 trong số khoảng 1.000 phụ nữ đang phải điều trị các vấn đề tâm lý. Nguyên nhân do họ bị quấy rối tình dục, tấn công hay bắt nạt từ cấp trên tại nơi làm việc.

Nhiều phụ nữ Nhật phải điều trị tâm lý do bị quấy rối

Phụ nữ gặp nhiều vấn đề tâm lý nếu thường xuyên chịu đựng những hành vi quấy rối và bắt nạt. Ảnh minh họa

Bài liên quan

Nhật Bản: Cho phép nhân viên nghỉ ba ngày cuối tuần, năng suất tăng 39,9%

Cháy lớn phá huỷ công trình kiến trúc 600 tuổi của Nhật Bản

Nhật Bản chính thức cử hành lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito

Siêu bão lớn nhất nhiều thập kỷ đã đổ bộ vào Nhật Bản

Cuộc khảo sát được Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản thực hiện trên những người mắc các vấn đề về tâm lý trong giai đoạn từ năm 2010 - 2017.

Kết quả khảo sát là một phần trong Sách Trắng của Chính phủ nước này về các biện pháp ngăn chặn tình trạng tử vong do người dân làm việc quá sức.

Tại Nhật, có đến 36,3% số phụ nữ tham gia khảo sát thú nhận họ từng bị bắt nạt, quấy rối, tấn công tình dục tại nơi làm việc. Ngoài ra, 22% nữ giới cho biết việc phải chứng kiến, trải qua tai nạn hay thảm họa tự nhiên là nguyên nhân khiến họ mắc chứng rối loạn tâm thần.

Hệ quả nghiêm trọng

Với cấu trúc công ty phân cấp và văn hoá tự phụ, quấy rối nơi làm việc là không chấp nhận được tại Nhật Bản. Chính phủ rất nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách đề ra các điều luật đặc biệt. Họ cũng khuyến khích các công ty đưa ra quy định riêng để ngăn chặn việc này. Tuy nhiên trên thực tế, tiến trình thực hiện còn chậm.

Bị bắt nạt và quấy rối nơi làm việc nhưng nhiều phụ nữ tại Nhật Bản không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Ảnh: Nikkei
Bị bắt nạt và quấy rối nơi làm việc nhưng nhiều phụ nữ tại Nhật Bản không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Ảnh: Nikkei

Theo chị Kayako, nhân viên văn phòng vừa nghỉ việc, hành động bắt nạt nơi công sở không đến từ một sếp nam mà là một phụ nữ lớn tuổi trong công ty.

“Cô ta chuyển tới từ một bộ phận khác của công ty và vì một lý do nào đó cô ấy không thích tôi. Cô ấy thường xuyên ra lệnh tôi làm các công việc lặt vặt, dù đó không phải là việc của tôi hoặc cô ta không có thẩm quyền để ra lệnh. Thậm chí, cô ta còn chỉ trích công việc của tôi trước mặt các nhân viên khác trong công ty. Tôi cảm thấy thấy mọi thứ thật tồi tệ và thường trở về nhà trong nước mắt”, Kayako nhớ lại.

Một trường hợp khác, vào tháng 4 năm nay, Tòa án quận Osaka nhận đơn đệ trình của cha mẹ của một phụ nữ 30 tuổi. Họ cho biết, con gái thường run bần bật, mất cảm giác ngon miệng và được chẩn đoán mắc trầm cảm do bị quấy rối tại nơi làm việc.

Cô gái tên là Miki Tsushima. Theo nội dung đơn kiện, Tsushima hay bị bắt làm thêm giờ, thậm chí đến tận nửa đêm. Cấp trên còn thường xuyên quấy rối cô bằng lời nói. Cô phải nghỉ việc và đã được điều trị tâm thần. Tuy nhiên, Tsushima không thể vượt qua và đã tự sát vào tháng 1/2016. Đó là ngày cô dự định quay trở lại làm việc.

Cha mẹ của Miki Tsushima đã khởi kiện công ty nơi con gái từng làm việc, bao gồm cả chủ tịch công ty và đòi bồi thường số tiền 88 triệu yên (hơn 800.000 USD). Vụ kiện cũng giúp điều tra ra thêm ít nhất 5 nhân viên khác trước đây đã từ chức vì lý do tương tự.

Không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng sự nghiệp

Bà Shino Naito, Phó nghiên cứu cao cấp chuyên về Luật Lao động tại Viện Chính sách và Đào tạo lao động Nhật Bản cho biết, có một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các báo cáo về bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc. Bà Naito cho rằng, những luật lệ loại bỏ quấy rối tại nơi làm việc có tiến độ rất chậm vì sự thiếu hiểu biết về quyền con người ở Nhật Bản.

Tư tưởng nam giới thống trị vẫn ăn sâu vào văn hóa xứ phù tang. Tình trạng phụ nữ bị phân biệt đối xử vẫn diễn ra thường xuyên. Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nhật Bản đứng cuối trong danh sách các nước G7 và chỉ xếp hạng 110/149 quốc gia về bình đẳng giới.

Nhật Bản chưa có luật chống quấy rối tại nơi làm việc. Ảnh: QZ
Nhật Bản chưa có luật chống quấy rối tại nơi làm việc. Ảnh: QZ

“Trên thực tế, mức độ quấy rối ở nơi làm việc tại Nhật Bản vẫn như các năm trước, tương đương ở Mỹ và các nước châu Âu. Sự gia tăng các cáo buộc do ngày càng nhiều phụ nữ dũng cảm đứng lên tố cáo. Họ đã nhận thức được những hành động khiến mình gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý”, bà Naito cho biết.

Bên cạnh đó, khoảng cách thế hệ trong văn hóa làm việc của Nhật Bản cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng. Những nhân viên lớn tuổi thường có thói quen quát mắng người trẻ hơn, giống như họ đã từng bị trong quá khứ. Họ coi đó và hướng dẫn trong công việc đơn thuần. Tuy nhiên, bà Naito cho biết ở nhiều nơi hành động này sẽ được xếp vào tội lạm dụng bằng lời nói. Các nhân viên trẻ sẽ cảm thấy buồn bã và có thể gặp các vấn đề về tâm lý.

Chính phủ Nhật Bản sẽ thông qua một đạo luật về vấn đề này vào đầu năm tới. Đạo luật này từng được thông qua vào năm 1997 nhưng chưa thể mang lại kết quả tốt. Việc chấm dứt nạn bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc vẫn là một con đường rất dài.

“Luật pháp đã có hiệu lực từ hơn một thập kỷ trước nhưng nó không có tác động đến thực tế. Chúng tôi vẫn thấy rất nhiều trường hợp bị quấy rối nhưng không tố cáo. Cụ thể, chỉ có 0,9% các trường hợp được báo cáo”, bà Naito thông tin thêm.

Các nạn nhân thường không dám tố cáo cấp trên vì lo sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp cũng như gặp nhiều điều bất lợi khác. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, đàn ông cũng không nhận ra mình đang bắt nạt hoặc quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc.

Mieko Nakabayashi, cựu chính trị gia và hiện đang là giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda kể rằng: “Một vài ngày trước, tôi đã ở với một cô gái người Mỹ đang tham gia chương trình trao đổi ở Nhật Bản. Một số người đàn ông có những lời nói khiến cô ấy cảm thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên, cô nhận ra họ không hề biết đó là hành động quấy rối”.

Cô Nakabayashi còn kể rằng, một số đồng nghiệp nam thấy cô độc thân và cố gán ghép với đồng nghiệp độc thân khác một cách thiếu tế nhị. Ngoài ra, việc nhận xét một người phụ nữ về độ tuổi, ngoại hình và cách ăn mặc cũng là hành vi không được đánh giá cao, thậm chí bị coi là quấy rối.

Trên thực tế, phụ nữ Nhật Bản phải tự phát triển khả năng chống đỡ những lời miệt thị, quấy rối và bắt nạt của đồng nghiệp nam và cấp trên. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hợp lý. Nhiều trường hợp dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như mắc bệnh tâm lý, thậm chí là tự kết liễu mạng sống của mình.

Hiện Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi cùng với Hungary và Chile trong tổng số 36 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) không có luật chống quấy rối tại nơi làm việc.

Đọc thêm

Các chuyên gia Mỹ - Latinh khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vĩ đại của chủ nghĩa xã hội Thế giới 24h

Các chuyên gia Mỹ - Latinh khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vĩ đại của chủ nghĩa xã hội

Các chuyên gia ở Mỹ Latinh đã bày tỏ lòng tiếc thương, nêu bật vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Truyền thông Argentina đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định Geneva năm 1954 Nhìn ra thế giới

Truyền thông Argentina đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định Geneva năm 1954

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, Hiệp định Geneva về hòa bình cho Việt Nam năm 1954 là thắng lợi đầu tiên và vô cùng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam; tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho cuộc kháng chiến lâu dài của Nhân dân Việt Nam.
Singapore mang loạt trải nghiệm hấp dẫn đến du khách Nhìn ra thế giới

Singapore mang loạt trải nghiệm hấp dẫn đến du khách

TTTĐ - Mùa hè này, quốc đảo Singapore sẽ mang đến hàng loạt trải nghiệm hấp dẫn đến du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.
Vienna - thành phố đáng sống nhất thế giới Nhìn ra thế giới

Vienna - thành phố đáng sống nhất thế giới

TTTĐ - Thủ đô Vienna của Áo một lần nữa được “xướng tên” là thành phố đáng sống nhất trên thế giới.
Dự trữ vàng Ngân hàng Trung ương toàn cầu dự kiến sẽ tăng Nhìn ra thế giới

Dự trữ vàng Ngân hàng Trung ương toàn cầu dự kiến sẽ tăng

TTTĐ - Theo Hội đồng Vàng Thế giới, dự trữ vàng của các Ngân hàng Trung ương dự kiến sẽ tăng trong năm tới mặc dù giá vàng cao.
Tàu Thường Nga-6 hạ cánh xuống phần tối Mặt Trăng Nhìn ra thế giới

Tàu Thường Nga-6 hạ cánh xuống phần tối Mặt Trăng

Sáng 2/6, tàu Thường Nga-6 (Chang'e-6) đã hạ cánh xuống phần tối của Mặt Trăng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tiến hành thu thập mẫu vật.
Hàn Quốc cần trên 62.000 lao động nước ngoài Nhìn ra thế giới

Hàn Quốc cần trên 62.000 lao động nước ngoài

Hàn Quốc sẽ cần khoảng 62.000 lao động thời vụ người nước ngoài để đáp ứng tình trạng thiếu nhân lực khu vực nông thôn trong mùa cao điểm.
Đưa quan hệ Việt Nam - Cuba sang giai đoạn đồng hành phát triển Nhìn ra thế giới

Đưa quan hệ Việt Nam - Cuba sang giai đoạn đồng hành phát triển

Vừa qua, tại La Habana, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã hội kiến với đồng chí Miguel Diaz-Canel, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba.
Cuba nỗ lực đảm bảo an sinh bất chấp khó khăn kinh tế Nhìn ra thế giới

Cuba nỗ lực đảm bảo an sinh bất chấp khó khăn kinh tế

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel khẳng định nước này đang rất nỗ lực để đảm bảo lương thực cho người dân, giữa vô vàn khó khăn về kinh tế, bao gồm cả những trở ngại do bị bao vây cấm vận.
Tổng cục Du lịch Singapore khởi động chiến dịch MICE toàn cầu Nhìn ra thế giới

Tổng cục Du lịch Singapore khởi động chiến dịch MICE toàn cầu

TTTĐ - Tổng cục Du lịch Singapore (STB) vừa chính thức khởi động chiến dịch toàn cầu mới, góp phần khẳng định vị thế "Thành phố MICE tốt nhất thế giới” của Singapore, qua đó quảng bá đảo quốc như một điểm đến tổ chức các sự kiện doanh nghiệp tạo nên nhiều giá trị tích cực lâu dài.
Xem thêm