Nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi họp trực tuyến
Bài liên quan
Hà Nội chuẩn bị hơn 3.300 phòng thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Bộ GD&ĐT họp trực tuyến bàn về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Đó là một trong những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa được thông tin tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Nghiêm túc, khách quan, công bằng, minh bạch
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh. Do vậy, kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch.
Theo tư lệnh ngành Giáo dục, kỳ thi năm nay có điểm mới so với mọi năm. Cụ thể, ngoài phân tích dữ liệu điểm thi, còn phân tích phổ điểm của học bạ làm một trong những chỉ số đánh giá chất lượng. “Việc này không phải bới lá tìm sâu để phát hiện sai phạm mà mục đích đảm bảo chất lượng, nhất là các vùng khó khăn”, Bộ trưởng cho hay.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết thêm, kỳ thi năm nay tổ chức trong điều kiện dịch bệnh nên đã có những điều chỉnh nhưng vẫn đặt mục tiêu cao nhất là an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Các địa phương chịu trách nhiệm về thành công, Bộ chỉ đạo chung, ban hành khung pháp lý và các điều kiện đảm bảo, cung cấp đề thi, hạ tầng thông tin cơ bản để tổ chức thi, thanh kiểm tra cùng với địa phương.
Ngoài đoàn thanh tra của Bộ, tỉnh như truyền thống mọi năm, năm nay các hội đồng thi sẽ có tổng cộng 3 đối tượng cán bộ thanh tra.
Việc làm này đã được tham khảo ý kiến từ Thanh tra Chính phủ nên không sai quy trình, đảm bảo đúng nguyên tắc.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị |
Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngày 27/8
Một số mốc quan trọng khác của kỳ thi, theo chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, gồm: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ ở các cấp: trước ngày 15/6; tổ chức đăng ký dự thi cho thí sinh từ ngày 15/6 đến 30/6; Hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ kiều kiện dự thi: chậm nhất ngày 23/7; Trả giấy báo dự thi cho thí sinh: chậm nhất ngày 1/8; hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các hồ sơ coi thi cho các Điểm thi trước ngày 4/8; coi thi từ ngày 9-10/8/2020. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố vào ngày 27/8.
Nhắc lại các điểm mới trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Mai Văn Trinh cho biết: Kỳ thi tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương): Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày (9, 10/8/2020);
Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của Kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT và của sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi
Theo ông Mai Văn Trinh, UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GD&ĐT trình; giao nhiệm vụ và chỉ đạo sở GD&ĐT, các sở ban, ngành có liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện/thị tổ chức Kỳ thi, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Các sở GD&ĐT có nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học và đánh giá, xếp loại học sinh ở các trường phổ thông. Trình UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức thi tại tỉnh theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT cũng có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi (ĐKDT), quản lý hồ sơ ĐKDT; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho Kỳ thi; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi cho các thí sinh học môn Ngoại ngữ theo chương trình thí điểm được Bộ GD&ĐT cho phép để sử dụng kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đồng thời, chủ trì thành lập, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi.
Theo ông Mai Văn Trinh, hằng năm, cá biệt có một số địa phương chuẩn bị một số điều kiện tổ chức thi không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và tiến độ; dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến Kỳ thi. Khâu chuẩn bị này liên quan đến cả cơ sở vật chất, thiết bị và con người. Trách nhiệm trực tiếp là của Giám đốc sở GD&ĐT; do đó, phải thực nhiện đúng tiến độ theo lịch trình của Kỳ thi.
Giám đốc sở GD&ĐT cũng chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn có chất lượng; có tài liệu hỗ trợ (cẩm nang); trong tập huấn, nên có phần kinh nghiệm “xử lý một số tình huống bất thường” xảy ra trong các Kỳ thi để cán bộ, giáo viên biết; khuyến khích có hình thức kiểm tra kết quả tập huấn
Nhấn mạnh cần đặc biệt coi trọng lựa chọn cán bộ tham gia công tác in sao, vận chuyển đề thi, ông Mai Văn Trinh đồng thời lưu ý hoạt động tập huấn với công tác thanh tra; thanh tra tất cả các khâu; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ các đoàn thanh tra (nhất là các cán bộ đến từ các ĐH).
Cùng với đó, công tác bảo quản, lưu trữ đề thi, bài thi phải thực hiện đúng quy chế; đặc biệt phải rất quan tâm công tác chọn cán bộ tham gia khâu bảo quản đề thi, bài thi.
Công tác chấm thi, lưu ý đây là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực, ông Mai Văn Trinh đề nghị cần thực hiện nghiêm túc Quy chế thi ở tất cả các khâu của công tác chấm thi; chú trọng công tác lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia công tác này.
Về công nghệ thông tin, theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cần tập huấn kỹ, sử dụng thành thạo các phần mềm; chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin để tránh tắc nghẽn mạng trong quá trình trao đổi thông tin, nhất là khi công bố kết quả thi.