Nhân rộng mô hình "Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt"
Nhanh chóng, thuận tiện
Thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô. Đơn cử như mô hình chợ thông minh 4.0 tại nhiều quận, huyện hiện nay.
Mới đây, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và thiết thực hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia, ngày 10/10, quận Cầu Giấy tổ chức Lễ phát động triển khai mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt” tại phố Trung Hòa.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Ngô Ngọc Phương cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, quận Cầu Giấy đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quận…
Chính vì vậy, Quận ủy, UBND quận đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn với 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tổ chức triển khai chiến dịch ra quân của Tổ chuyển đổi số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”.
Mô hình Chợ thông minh 4.0 - Không dùng tiền mặt giúp người dân thanh toán thuận tiện khi mua hàng |
Đến nay, quận Cầu Giấy đã có “Chợ thông minh 4.0 - Không dùng tiền mặt” tại chợ Đồng Xa. Đặc biệt, hôm nay có thêm “Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt” tại phố Trung Hòa. Đây là tuyến phố phát triển với đầy đủ các tiện ích xã hội, là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, phục vụ lượng lớn người dân sinh sống và làm việc tại Cầu Giấy.
Để triển khai mô hình này, quận đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên tuyến phố Trung Hòa về các nội dung của mô hình cũng như việc triển khai thực hiện mô hình; hướng dẫn những lợi ích và kiến thức cơ bản về thanh toán điện tử để có thể ứng dụng trong công việc kinh doanh dễ dàng, thuận lợi hơn.
Cùng với đó, quận cũng bố trí lực lượng hướng dẫn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cài đặt và sử dụng ứng dụng nộp thuế điện tử eTax Mobile, sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền; thực hiện khai báo, xác thực định danh điện tử trên Cổng Dịch vụ công.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh như: sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.
Góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số
Có thể thấy, mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt” được triển khai sẽ giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn, qua đó góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số.
Ông Ngô Ngọc Phương đánh giá, kết quả triển khai chuyển đổi số từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cho thấy, nhận thức về chuyển đổi số của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn quận đã có nhiều chuyển biến rõ nét.
Mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt” được triển khai sẽ giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt |
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của quận.
“Đẩy mạnh việc sử dụng, cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của địa phương, đơn vị theo phương châm "Chuyển đổi số luôn lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển" - ông Ngô Ngọc Phương nhấn mạnh.
Những tín hiệu tích cực từ mô hình này được ví như làn gió mới đối với cư dân và doanh nghiệp tại khu vực. Không dừng lại ở tuyến đường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đang có kế hoạch mở rộng mô hình này ra các tuyến phố khác, hướng tới mục tiêu đảm bảo thuận lợi và minh bạch trong hoạt động thương mại, góp phần xây dựng nền tảng kinh tế số vững chắc, toàn diện.