Nhân rộng mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”
Các trường học ở quận Hà Đông sẵn sàng đón năm học mới Quận Hà Đông: Nhanh chóng khắc phục các sự cố do bão Yagi Quận Hà Đông huy động gần 2.000 người khắc phục hậu quả của bão |
Nỗi lo “bà hoả” hoành hành
Từ đầu năm, có rất nhiều vụ cháy ở các nhà trọ, nhà cao tầng diễn ra trên khắp cả nước, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ trong tháng 11, cả nước đã xảy ra 294 vụ cháy, làm 6 người chết, 14 người bị thương và thiệt hại tài sản ước tính 86,23 tỉ đồng.
“Hoả tặc” liên tiếp diễn ra nhiều năm trở lại đây trên địa bàn Hà Nội, gây ra nỗi hoang mang, lo lắng cho người dân, đặc biệt với những người thuê trọ tại các khu đông dân cư. “Cho tới bây giờ mình vẫn chưa thể quên vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ diễn ra vào năm trước. Chỗ trọ của mình chỉ các điểm cháy vài con ngõ và mô hình nhà ở cũng giống như vậy. Vậy nên, mỗi khi về đến phòng trọ mình luôn cảm thấy ngột ngạt, lo sợ sẽ có những vụ cháy tương tự diễn ra” - bạn Nguyễn Hiền (sinh năm 2004, sinh viên trường Đại học Hà Nội) chia sẻ.
Các chiến sĩ công an Hà Nội tập huấn về phòng cháy chữa cháy cho Nhân dân |
Là người chuyển trọ liên tục trong nhiều năm, bạn Thu Thuỷ (sinh năm 2003, sinh viên thuê trọ tại quận Hà Đông) bộc bạch: “Vì nhà ở ngoại thành và cách trường mình học cũng xa nên mình quyết định ở trọ. Tuy nhiên, mình đã chuyển trọ 3 lần trong 2 năm liên tiếp vì cảm thấy công tác phòng cháy chữa cháy ở các khu trọ cũ không được đảm bảo”.
Nguyên nhân của những vụ cháy chủ yếu đến từ sự bất cẩn, chủ quan của người dân. Đặc biệt, khi số lượng sinh viên ở trọ ngày càng tăng, nhiều hộ dân cơi nới thêm chỗ ở, theo dạng “chuồng cọp”, “nhà không lối thoát” khiến cho khi đám cháy xảy ra, lực lượng chức năng không thể tiếp cận kịp thời.
Lan toả “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”
Quận Hà Đông là địa bàn đông dân cư với nhiều làng cổ, hộ kinh doanh nhà trọ, ngõ nhỏ sâu vài trăm mét và đường rộng chưa đến 2 mét tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và khó tiếp cận khi có cháy nổ xảy ra. Chính vì vậy, Lực lượng chức năng quận Hà Đông chủ động thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy tại các loại hình chung cư mini, nhà trọ, trường học… Song song với đó, lực lượng công an quận đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Việt, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Hà Đông |
Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Ngọc Việt, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Hà Đông cho biết, đối với mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” Quận Hà Đông đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tại các khu dân cư, tổ dân phố, tại các mỗi gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy, cũng như trang bị các thiết bị phá dỡ.
Đến nay, công an quận đã vận động được trên 90.000 hộ dân trang bị được các thiết bị tại chỗ tại các hộ gia đình. Qua nhiều vụ cháy, người dân đã kịp thời phát hiện và sử dụng chính các bình chữa cháy, dụng cụ tại chỗ để dập tắt đám cháy ngay thời điểm ban đầu.
Ông Đỗ Đăng Ninh, chủ hộ kinh doanh nhà ở kết hợp cho thuê tại quận Hà Đông |
Ông Đỗ Đăng Ninh, chủ hộ kinh doanh nhà ở kết hợp cho thuê cho cũng cho hay, công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở tổ dân phố là công an quận trực tiếp chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Nhiều căn nhà cho thuê trên địa bàn có hệ thống phòng cháy chữa cháy “tổ liên gia”, báo cháy tại chỗ. Mỗi tầng chủ trọ sẽ chuẩn bị bình cứu hoả, kìm cộng lực, xà beng để phòng những tình huống cần thoát nạn. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở ra khỏi phòng phải tắt át - tô - mát, không dùng điện quá nhiều thời gian vào một ổ cắm bởi vì tỉ lệ cháy do điện rất cao. Bản thân tôi cũng kiểm tra nếu có phòng nào có nguy cơ thì nhắc nhở” - ông Ninh chia sẻ.
Chuẩn bị đầy đủ các thiết bị báo cháy, chữa cháy thôi chưa đủ, theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Việt, người dân đặc biệt lưu ý nắm bắt các kỹ năng về tổ chức dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu, cũng như là nắm bắt rõ kỹ năng thoát nạn, điều kiện thoát nạn tại mỗi mỗi gia đình đặc biệt hộ gia đình kết hợp nhà ở kinh doanh hay nhà trọ.
"Nước xa không cứu được lửa gần", có thể nói phương pháp "Nhà tôi có bình chữa cháy" là yếu tố then chốt trong công tác phòng cháy chữa cháy, cần được lan tỏa và phát triển sâu rộng, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi người dân trong phòng chống "giặc lửa", góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.