Nhạc sĩ Vĩnh Cát "chịu chơi" ở tuổi 85 với live concert "Ngôi sao Hà Nội"
Nhạc sĩ Vĩnh Cát (áo trắng, đội mũ trắng) hạnh phúc với tình cảm của gia đình, bạn bè và các học trò của mình
Bài liên quan
"Việt Nam hôm nay" là chủ đề của Festival nhiếp ảnh trẻ năm 2019
Học sinh Hà Nội hào hứng với “Khám phá hiện vật dưới góc nhìn khoa học và cuộc sống”
Top 3 "The Face Vietnam 2018" cùng tham dự Seoul Fashion Week
ĐH Văn hóa Hà Nội hãy là hạt nhân phong trào xây dựng, phát triển văn hóa
Tại buổi họp báo công bố live concert diễn ra chiều 27/3 tại Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhạc sĩ Vĩnh Cát khiến mọi người rất bất ngờ, thú vị vì sự trẻ trung, hóm hỉnh, tươi vui của mình.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát tham gia kháng chiến chống Pháp và sáng tác âm nhạc từ rất sớm ở tuổi 13, 14 khi là diễn viên đoàn “Thiếu nhi nghệ thuật” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Cũng từ chiếc nôi nghệ thuật ấy, ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay: "Nhớ bác Hồ", "Việt Bắc", "Gửi bạn Thủ đô"…
Những bài hát đó đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô kháng chiến. Năm 1956, ông trúng tuyển khoa sáng tác đầu tiên Trường Âm nhạc Việt Nam, người nhạc sĩ tài hoa ấy từ năm 1958 đã viết tác phẩm “Tiếng võng ru” cho piano rồi tổ khúc giao hưởng kịch múa “Hái hoa dâng Bác”.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát |
Đây chính là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cùng Trường Múa Việt Nam biểu diễn mừng sinh nhật Bác lần thứ 70 (19/5/1960). Ông cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có những đêm nhạc giao hưởng của một tác giả Việt Nam và có CD nhạc giao hưởng phát hành trên thị trường.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát có niềm đam mê đau đáu với khí nhạc, dẫu biết rằng đó là con đường gian khó. Khí nhạc dù là trăn trở lớn nhất trong cuộc đời ông, nhưng đông đảo khán giả lại chỉ nhớ đến nhạc sĩ Vĩnh Cát qua những ca khúc để đời như: “Sa Pa thành phố trong sương”, “Vườn nhãn quê hương”, “Ngôi sao Hà Nội”...
Nếu như để viết một bản giao hưởng có khi mất hàng năm, viết ca khúc chỉ mất một đêm, nhưng tất cả những điều đó không làm nản lòng người nhạc sĩ chỉ mong muốn có những tác phẩm khí nhạc để đời. “Đó là một thực tế hết sức đau lòng cho âm nhạc Việt Nam. Một nền âm nhạc chỉ có ca khúc là nền âm nhạc không đầy đủ”, Nhạc sĩ Vĩnh Cát từng chia sẻ như vậy.
Dù vậy, ông vẫn nhận mình là một ngôi sao không tên để chìm khuất vào đám đông, được sống thanh thản và yên vui.
Đêm nhạc có sự nối tiếp của nhiều thế hệ nghệ sĩ |
Bởi thế, đêm nhạc ở tuổi 85 lần này, nhạc sĩ lại cho biết mình chọn toàn ca khúc chứ không có tác phẩm khí nhạc nào để chiều lòng công chúng. Bởi lẽ, ông được khán giả biết đến nhiều hơn với các ca khúc. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên kênh VTC3 và các bài hát này còn được phát sóng lâu dài, thế cũng đủ vui với ông rồi.
Điểm đặc biệt nữa ở chương trình do Phạm Hoàng Giang đạo diễn này là những nghệ sĩ biểu diễn ở nhiều thế hệ khác nhau. Từ NSND gạo cội Quang Thọ đến các thế hệ kế cận như NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, NSƯT Lan Anh rồi đến các ca sĩ trẻ như Tùng Dương, NSƯT Phạm Phương Thảo, Phúc Tiệp, Đinh Trang cùng tốp ca nam nữ Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng kết hợp với nhạc nhẹ và đàn dân tộc.
Vĩnh Cát cho biết ông rất hài lòng với dàn nghệ sĩ này bởi lẽ đây toàn là các ngôi sao hàng đầu, nổi tiếng thực sự và đang nổi tiếng. Có thể nhìn thấy ở đây các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau và ông tin tưởng rằng lớp trẻ sẽ biểu diễn có hiệu quả các ca khúc của mình.
Vì thế, trong hàng trăm ca khúc đã được ông sáng tác trong hơn 70 năm qua, ông bàn với nhạc sĩ Trọng Đài làm sao thoát lên được, khác với liveshow của các nhạc sĩ khác chỉ có một màu, live concert của ông sẽ đáp ứng đông đảo khán giả, từ tình khúc cho đến ca ngợi đất nước, chiến đấu và cả chính ca. "Thế mới là tôi", Vĩnh Cát hóm hỉnh nhấn mạnh.
Với sự "mở hàng" của MC, ca sĩ Ngọc Châm (bên phải), đêm nhạc "Ngôi sao Hà Nội" đã bán hết sạch vé |
Ông và nhạc sĩ Trọng Đài đã bàn đi bàn lại với nhau, một live show cá nhân mà lại kết thúc bằng ca khúc chính trị thì có lạc đề không, cuối cùng ông vẫn quyết định làm với lời gửi gắm: dù đi đâu, về đâu, làm gì, mỗi người đều phải nhớ mình là công dân Việt Nam với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ đất nước, để tổ quốc hùng cường, muôn năm bền vững.
Độ "chịu chơi" của Vĩnh Cát còn thể hiện ở chỗ, đồng lương hưu chẳng đáng là bao nhưng ông tự bỏ tiền làm live concert này với sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, bạn bè, người thân. "Dù có mất một chiếc xe ô tô hạng sang, một căn nhà hạng nhỏ thì cuối cùng vẫn chịu chơi", Vĩnh Cát bộc lộ.
Có mặt tại buổi họp báo giới thiệu đêm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Cường nhấn mạnh Vĩnh Cát là một người thầy của ông theo đúng nghĩa đen vì đã từng dạy ông ba năm trường âm nhạc. Ông tỏ lòng biết ơn tới "thầy Vĩnh Cát của tôi" vì đây đúng là một "nhạc sĩ chuẩn" với tinh thần lao động miệt mài, công phu, kiến thức uyên bác.
Nguyễn Cường đã từng được được tham gia chương trình toàn nhạc giao hưởng của Vĩnh Cát và đánh giá chưa ai có được đêm nhạc như Vĩnh Cát. Ông cũng cho biết, bài hát "Sa Pa thành phố trong sương" của Vĩnh Cát nổi tiếng đến độ, khi được mời viết bài hát về vùng đất này, ông nể lắm và cố "tránh" đi bằng bài "Có một Sapa chiều không sương mờ" bởi tác phẩm của Vĩnh Cát đã "trấn" ở đấy rất ghê.
Vì thế, Nguyễn Cường nhận định: "Live concert sẽ có nhiều ngôi sao nổi tiếng hát về một ngôi sao không tên".
Ca sĩ Tùng Dương bày tỏ lòng tri ân nhạc sĩ Vĩnh Cát |
Ca sĩ Tùng Dương thì rất xúc động tiết lộ rằng thời anh còn là sinh viên, chưa nổi tiếng, năm 2003 anh dự thi "Tiếng hát hay Hà Nội" với hai bài "Ôi quê tôi" của nhạc sĩ Lê Minh Sơn và bài "Sapa thành phố trong sương" của nhạc sĩ Vĩnh Cát. Từ giải Nhất ở cuộc thi này, năm sau anh mới tham gia Sao Mai và được nhiều người biết đến.
Chính vì thế, Tùng Dương rất yêu bài "Sapa thành phố trong sương" của nhạc sĩ Vĩnh Cát, đây chính là một kỉ niệm gắn bó với hành trình âm nhạc của mình. Để tỏ lòng tri ân nhạc sĩ Vĩnh Cát, Tùng Dương xin hát tặng ông, không lấy catxe nhưng đúng độ "chịu chơi", Vĩnh Cát đã không đồng ý. "Dù ít dù nhiều tôi cũng phải trả", Vĩnh Cát cho biết và Tùng Dương hứa sẽ thăng hoa hết mình để thay lời nhạc sĩ truyền tải cảm xúc qua bài hát gửi tới khán giả.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 nguyên quán làng Đào xá, Ân Thi, Hưng Yên. Sống ở Hà Nội từ nhỏ cùng gia đình. Ông là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng giao hưởng.
Có thể nói, nhạc sĩ Vĩnh Cát là một trong số nhà soạn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam. Ông đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học tại Liên Xô (cũ) và trở về Việt Nam làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện nay.
Sau đó ông là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.
Ngoài việc nặng lòng cùng âm nhạc, ông còn là nhà sư phạm giáo dục từ thầy giáo tiểu học tới giáo sư đại học.
Cũng không thể quên nhắc tới sự nghiệp Văn hóa, khoa học của ông khi tham gia biên soạn “Bách khoa thư Hà Nội”, Giám đốc đầu tiên của Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám...