Nguồn vốn chính sách góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô
Nguồn vốn chính sách được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng
Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, phối hợp, giám sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện ngày càng có hiệu quả, giúp các đối tượng chính sách, người dân, gia đình khó khăn và học sinh sinh viên trên địa bàn được vay vốn. Qua đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ông Phạm Văn Quyết, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn được chuyển tải kịp thời, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm... Thông qua các hình thức này, vốn tín dụng đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhờ có nguồn vốn chính sách, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống |
Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2023, số vốn ngân sách thành phố bổ sung là 90 tỷ đồng; Doanh số cho vay đạt 830,886 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.911 người lao động.
Về doanh số cho vay trong năm 2022 đạt 3.100 tỷ đồng với 58.085 lượt khách hàng được vay vốn; Tạo việc làm cho 63.894 người lao động. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố đã phối hợp chính quyền địa phương kịp thời triển khai cho vay quay vòng, cụ thể: Doanh số cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là 886 tỷ đồng với 16.883 lượt khách hàng; Doanh số cho vay giải quyết việc làm thực hiện chương trình 04-Ctr/TU là 803 tỷ đồng với 16.036 lượt khách hàng; Doanh số cho vay giải quyết việc làm để hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 là 347 tỷ đồng với 6.466 lượt khách hàng; Doanh số cho vay giải quyết việc làm thực hiện chương trình 08-CTr/TU là 1.064 tỷ đồng với 18.700 khách hàng.
Ngoài hỗ trợ tạo việc làm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ khó khăn tại khu vực đô thị thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách, giúp người dân ổn định cuộc sống, Trưởng phòng Việc làm – An toàn Lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Thời gian tới, Phòng Việc làm – An toàn lao động sẽ tiếp tục tham mưu Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay hiệu quả từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.
Người dân làm thủ tục vay vốn chính sách để phát triển kinh tế |
Đối với kế hoạch vay vốn trong năm 2023, theo kết quả rà soát từ các quận, huyện, thị xã về nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố, năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 62.852 người có nhu cầu vay vốn với số tiền 3.771 tỷ đồng (dự kiến mức bình quân cho vay 60 triệu đồng/lao động). Trong đó, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân theo chương trình 04-CTr/TU là 17.280 lao động, với số tiền là 1.037 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phục vụ mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội là 45.572 lao động, với số tiền 2.734 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, trong năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay; Tăng trưởng dư nợ gắn với quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn; 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời theo quy trình quy định.
Có thể thấy rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững mà còn tạo tiệc làm ổn định, xây dựng Nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của thành phố năm 2023.