“Ngôi trường hạnh phúc” trên đỉnh Dế Xu Phình
Ngôi trường hạnh phúc của mỗi học sinh Xây dựng trường học hạnh phúc để nguồn nhân lực đạt chất lượng cao Thầy, trò quận Ba Đình quyết tâm xây dựng "Trường học hạnh phúc" |
Khách Tây ấn tượng với những “hướng dẫn viên nhí’
Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình có 21 lớp (13 lớp tiểu học, 8 lớp THCS) với tổng số 38 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 617 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó có 400 học sinh được ăn ở sinh hoạt tại trường trong tất cả các ngày học.
Nhiều năm nay, ngôi trường này triển khai mô hình “Trường học du lịch”, góp phần quảng bá du lịch của địa phương và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Đầu tháng 3/2025, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô có dịp hòa vào hoạt động của trường nhân dịp Câu lạc bộ hợp tác quốc tế Nagasaki (Nhật Bản) đã đến tham quan, trải nghiệm, tổ chức các hoạt động giao lưu với các thầy cô giáo và học sinh trong trường.
Sau khi được các em học sinh giới thiệu về nghệ thuật vẽ sáp ong, đoàn đã tham quan tại phòng may, phòng thêu, phòng trưng bày và trải nghiệm vẽ sáp ong, làm quả thông, cắm hoa thông cùng các học sinh.
![]() |
Thầy cô và học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình đón đoàn khách Nhật tới thăm trường |
Chia sẻ cảm xúc, cô Rui Tomono, trưởng đoàn nói: “Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải là một kỹ thuật phổ biến và độc đáo của dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Bằng bàn tay khéo léo cộng với trí tưởng tượng phong phú, những người phụ nữ bản địa đã sử dụng sáp ong để tạo ra hình ảnh hoa văn độc đáo nhằm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của các sản phẩm truyền thống như túi xách, ví, khăn, trang phục quần áo...
Sự tham gia của các học sinh đã giúp chúng tôi hiểu hơn về bản sắc văn hóa vùng đất này. Tôi nhất định sẽ giới thiệu và quảng bá về nghệ thuật này của các bạn để mọi người biết đến nhiều hơn”.
Cô Lương Thị Hồng Hạnh, Hiệu phó phụ trách nhà trường chia sẻ, huyện Mù Cang Chải có lợi thế về danh lam, thắng cảnh thiên nhiên ban tặng, với 2 dân tộc chính là Mông và Thái, hội tụ nhiều nét văn hóa đặc trưng, riêng có, được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống về lễ hội, phong tục, tập quán, trang phục, nghề truyền thống, văn nghệ, ẩm thực, nhà ở... Vì thế, nhà trường triển khai mô hình “Trường học du lịch” gắn với mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc.
![]() |
Màn trình diễn các tiết mục văn nghệ của các em học sinh gây ấn tượng với du khách |
Nhà trường đã thành lập 3 câu lạc bộ (CLB), phân công giáo viên phụ trách. CLB thêu thổ cẩm đã đi vào hoạt động từ năm 2021 với mục tiêu ban đầu là thu hút một số học sinh nữ tham gia, giáo viên hướng dẫn thêu các hoa văn để gìn giữ nét văn hóa dân tộc. CLB đã sáng tạo nhiều hoạt động khác thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia.
Đặc biệt, CLB đã vận động được phụ huynh cùng giúp đỡ. Hiện nay CLB đã phát triển được trên 50 học sinh. Các em biết làm những sản phẩm thủ công như: Thêu tranh bằng hoa văn người Mông; làm móc treo chìa khóa; vẽ sáp ong…
“Gần đây, CLB đã đưa hoạt động hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm vào trong kế hoạch. Các học sinh sẽ giới thiệu và cùng khách vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu các sản phẩm làm quà lưu niệm. Bên cạnh đó, khách đến trường có thể tham gia một hoạt động trải nghiệm độc đáo là tô màu quả thông”, cô Hạnh nói.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng "Trường học hạnh phúc”, "Trường học du lịch”, nhà trường đã được tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải đầu tư xây dựng mới với cơ sở vật chất khang trang đầy đủ các phòng học, phòng hành chính quản trị, các công trình phụ trợ. Với mô hình này, trường đã góp phần vào việc gìn giữ tinh hoa, bản sắc văn hóa của người Mông, đồng thời thu hút khách du lịch tới Mù Cang Chải.
Ngôi trường với 4 chữ “An”
“Trường học an toàn - Học sinh an vui - Cha mẹ an lòng - Thầy cô an tâm” là mục tiêu mà Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình hướng tới.
Theo cô Lương Thị Hồng Hạnh, để triển khai mô hình này, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền về bộ tiêu chí trường học hạnh phúc được ban hành kèm theo Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh Yên Bái của về việc ban hành bộ tiêu chí tạm thời “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
![]() |
Nụ cười hạnh phúc của học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình |
Việc tuyên truyền được thông qua các buổi họp hội đồng, sinh hoạt chuyên môn, hoạt động ngoại khóa sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, qua cổng thông tin điện tử của nhà trường, các trang Facebook của ngành Giáo dục và Đào tạo, các buổi họp phụ huynh đầu năm. Bên cạnh đó, nhà trường phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”.
Nhờ đó, các cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức rõ cần phải thay đổi từ chính mình, thay đổi thái độ đối với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh; đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, đánh giá, giáo dục học sinh; thay đổi nhận thức để có các mối quan hệ tích cực, thân thiện, giúp quản lý cảm xúc tiêu cực trong tương tác, giao tiếp và làm việc với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh…
Bên cạnh đó, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp vận động phụ huynh tặng trang phục, một số nông sản, làm mô hình nông cụ để trưng như khèn của người Mông; trang phục, dụng cụ lao động, nhạc cụ dân tộc; đồ dùng sinh hoạt người dân tộc địa phương; các sản phẩm văn hóa ẩm thực; đồng thời thành lập CLB múa khèn khăn; mô hình dân vận khéo "Xây dựng trường học du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương và nâng cao hiệu quả mô hình trường học hạnh phúc".
![]() |
Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình |
“Với tinh thần nhà trường và phụ huynh cùng “bắt tay” vì con em mình, nhà trường liên tục nhận được giấy khen trong công tác phát triển du lịch huyện Mù Cang Chải”, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường chia sẻ.
Có thể nói, việc triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực tại tỉnh Yên Bái. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Yên Bái có 400 trường đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc” đạt tỷ lệ 88,7%, tăng 104 trường so với năm học trước.
![]() |
Học sinh trường Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình |
Riêng tại Mù Cang Chải, 100% trường học trên địa bàn đưa nội dung giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc vào nhà trường; thành lập mới nhiều CLB về gìn giữ văn hóa truyền thống trong các trường học; triển khai xây dựng mô hình "Trường học du lịch” tại 7 đơn vị trường; 100% các xã, thị trấn duy trì thường xuyên hoạt động của các đội văn nghệ bản sắc…
![]() |
Sự đồng lòng của phụ huynh và tâm huyết của thày cô Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình chính là nhân tố góp phần làm mang đến niềm hạnh phúc cho con em đồng bào Mông mỗi khi tới trường.
Không những vậy, những mô hình “Trường học du lịch” như Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình gắn với chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc đã thực sự góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thu hút khách du lịch, đưa Mù Cang Chải đến gần với mục tiêu trở thành huyện du lịch "Xanh - bản sắc - an toàn - thân thiện”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

37 học sinh Việt Nam thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2025

Hà Nội: Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của 30 quận, huyện, thị xã

Sôi động Festival tiếng Anh “Miền đất hy vọng”

Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp 2025: Hành trình định hướng tương lai

Các thế hệ Amser kết nối - hội tụ - tỏa sáng

Hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn đúng ngành học

Tự hào 40 năm tiên phong trong các hoạt động đổi mới giáo dục

Ngành nghề chăm sóc sức khỏe luôn là lựa chọn “hot”

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh
