Ngôi làng dành riêng cho phụ nữ Syria
Những người phụ nữ xây dựng ngôi làng Jinwar bằng gạch làm từ bùn.
Nơi ẩn náu chiến tranh
Trong tiếng Kurd, Jinwar có nghĩa là vùng đất của phụ nữ. Ngôi làng chào đón phụ nữ và trẻ em Syria, bất kể tôn giáo, sắc tộc và quan điểm chính trị. Đó là một cộng đồng gồm những người phụ nữ muốn trải nghiệm một cuộc sống mới, tự do và dân chủ.
Ngôi làng Jinwar nằm ở phía Đông Bắc Syria, được xây dựng từ hai năm trước.
Những ngôi nhà hình chữ nhật màu nâu được xây bằng gạch thủ công nằm trên mảnh đất khô ráo. Bên trong các căn nhà được sơn vẽ và trang trí, thể hiện cá tính của gia đình sống trong đó. Ngày nay, Jinwar là mái ấm của 16 người phụ nữ và 32 đứa trẻ.
Đàn ông được phép đến thăm làng vào ban ngày miễn là họ cư xử tôn trọng phụ nữ nhưng họ không thể ở lại qua đêm. Những người phụ nữ phân chia thành các ca trực để theo dõi người đến và đi từ Jinwar. Họ chỉ mang theo vũ khí vào ca đêm để đảm bảo an ninh.
Phụ nữ ở Jinwar tự tay canh tác và trồng trọt |
Jiyan Efrin 30 tuổi, là mẹ của hai cô con gái và một cậu con trai. Cô chuyển đến làng từ ba tháng trước để thoát khỏi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Afrin, thành phố ở phía Tây Bắc Syria. Cô cho biết, cuộc sống ở làng Jinwar rất tuyệt vời.
“Bạn sẽ có cảm giác đây là một xã hội bình thường có thể sống. Chúng tôi làm việc. Chúng tôi trồng trọt và cũng được trả công từ hội đồng làng”, Efrin nói.
Một số phụ nữ đã chạy trốn đến đây để thoát khỏi cưỡng hiếp, cầm tù và bị thiệt mạng dưới tay của nhóm phiến quân IS hay các nhóm vũ trang khác. “Trong điều kiện chiến tranh mà chúng tôi trải qua, mọi phụ nữ đều đau khổ. Mọi phụ nữ đều bị tổn thương, mất mát nhưng làng Jimwar đã đưa chúng tôi lại với nhau”, Emin chia sẻ thêm.
Cuộc nội chiến ở Syria đã tàn phá đất nước và phá hủy nền kinh tế bằng các trận chiến khốc liệt, những cuộc giam giữ tùy tiện và việc sử dụng vũ khí hóa học. Nó tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong thế kỷ XXI. Thực tế đáng buồn, nó vẫn đang tiếp tục.
“Ốc đảo” nhân đạo
Hai năm trước, làng Jinwar chỉ là một mảnh đất bị bỏ hoang. Sau một năm lên kế hoạch của các tổ chức phụ nữ người Kurd, việc xây dựng được bắt đầu vào năm 2017. Sau đó, ngôi làng chính thức mở cửa vào tháng 11/2018 dưới sự giúp đỡ của một số tổ chức địa phương và tình nguyện viên quốc tế.
Jinwar có một hội đồng, trong đó mỗi tháng các phụ nữ thay phiên nhau giữ vai trò lãnh đạo làng. Những người phụ nữ xây dựng ngôi làng bền vững bằng gạch. Họ đã dựng lên 30 ngôi nhà, một cửa hàng và một tiệm bánh, nơi họ bán bánh mì và đồ thủ công cho nhau và cho các làng lân cận. Họ cũng có đất đai để chăn nuôi gia súc và trồng các loại hoa màu có thể bán khi chúng vượt quá nhu cầu.
Những đứa trẻ tại Jinwar tại một lớp học trong làng. Khi trưởng thành, chúng có thể tiếp tục việc học ở bên ngoài |
Có một trạm y tế ở Jinwar, nơi một số phụ nữ đã được đào tạo nhưng họ vẫn thiếu thuốc men để mở một bệnh viện thực thụ.
Những đứa trẻ lớn lên ở Jinwar sẽ được lựa chọn hoặc tiếp tục sống ở đây hoặc chuyển đi nơi khác khi chúng đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, lũ trẻ phải học tại các trường trung học cơ sở và phổ thông trung học ở ngoài làng vì trường làng chỉ dạy cho các em từ lớp một đến lớp sáu.
Ngoài ra, phụ nữ còn được dạy kèm thêm tiếng Anh và có cơ hội tiếp tục việc học của mình khi làng phát triển hơn.
Một khu vực bất ổn
Khu vực xung quanh ngôi làng được bao quanh bởi sự bất ổn không ngừng. Jinwar chỉ cách Qamishli, thành phố nằm ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ một giờ đồng hồ. Ngôi làng có nguy cơ rơi vào sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ nếu như họ xâm nhập vào vùng đất này.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những cường quốc nằm phía Bắc Syria chống lại hai nhóm người Kurd được Mỹ hậu thuẫn: Lực lượng dân chủ Syria và Đơn vị bảo vệ nhân dân, được biết đến với tên gọi YPG. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hai nhóm này có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd hoặc PKK, một nhóm ly khai mà người Thổ coi là khủng bố.
Cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đã xảy ra từ cả thập kỷ nay. Người Kurd tìm cách lập ra một nhà nước của riêng mình ở những vùng có đa số cộng đồng họ sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. Tuy nhiên, tham vọng chính trị của họ bị chính phủ của các nước này đập tan.
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra mối đe dọa chủ yếu đối với người Kurd, khi nước này lên kế hoạch tạo ra một vùng đệm 20 dặm bên trong Syria để chiến đấu chống lại lực lượng người Kurd.
Một mối đe dọa khác gây ra sự bất ổn định là IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria). Mặc dù cuộc chiến chống lại IS đã kết thúc nhưng nguy cơ tiềm tàng của các phần tử còn sót lại và những người ủng hộ nhà nước này vẫn còn lảng vảng đâu đây trong khu vực.
“Mọi người đều hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra, bởi vì đã có rất nhiều thứ được xây dựng. Nơi đây đã có rất nhiều tiến bộ và sẽ thật kinh khủng nếu bị phá hủy”, Nujin Derya, nhà hoạt động xã hội tại Jinwar cho biết.
Thách thức những tư tưởng bảo thủ
Những người phụ nữ của làng Jinwar nói rằng họ muốn thay đổi quan điểm cho rằng phụ nữ luôn là nạn nhân của các mối quan hệ gia trưởng và bạo lực. Họ muốn thiết lập khái niệm về người phụ nữ tự do và độc lập.
Mặc dù nhiều thành phần trong xã hội Syria vẫn còn bị chi phối bởi các cấu trúc gia đình gia trưởng và truyền thống cứng nhắc nhưng không phải ở khắp mọi nơi. Văn hóa Syria bao gồm một tập hợp đa dạng các sắc tộc, tôn giáo và tiểu xã hội, từ bảo thủ đến ôn hòa và tự do.
Emin, Efrin và những người phụ nữ khác nói rằng, họ muốn làng Jinwar trở thành một nơi thách thức những tư tưởng bảo thủ và gia trưởng. “Jinwar là tinh thần của cuộc sống, của tự nhiên và tinh thần của người phụ nữ tự do. Phụ nữ ở đây đang thiết lập sự tồn tại trong toàn xã hội”, Emin nói và thể hiện ước nguyện: “Cả thế giới sẽ nhìn Jimwar giống như cách mà chúng tôi nhìn nó. Tôi ước rằng sẽ có thêm nhiều làng Jinwar ở khắp mọi nơi để không có người phụ nữ nào phải chịu sự bất công nữa”.
Bài liên quan
Lễ diễu binh mừng 74 năm Ngày chiến thắng tại Quảng trường Đỏ
Bí mật nhà hoang và tiền vô chủ tại Nhật
Giá đất trên trời cho… người đã khuất
Malaysia vật lộn với đống phế liệu của thế giới