Ngày càng xuất hiện nhiều dạng ma túy mới "tấn công" giới trẻ
Tràn lan ma túy “núp bóng” thực phẩm
Mới đây, Khoa cấp cứu và chống độc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết từng tiếp nhận trường hợp bé trai 5 tuổi sau khi ăn bánh được hàng xóm cho, bé có biểu hiện nôn nhiều, co giật, hôn mê. Hai trẻ nhỏ khác cùng ăn bánh cũng nhập viện nhưng tình trạng nhẹ hơn. Tiền sử các trẻ đều khỏe mạnh.
Theo lời kể của gia đình, loại bánh trẻ ăn do người hàng xóm mang về từ cuộc liên hoan công ty và cho trẻ.
Sau thời gian điều trị, trẻ phục hồi tốt và đã được ra viện. Do nghi ngờ trẻ ngộ độc thực phẩm có chứa chất gây nghiện, các bác sĩ đã gửi mẫu bánh đi xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện mẫu bánh này chứa loại ma túy mới, còn được gọi là "sô cô la bay".
Theo các bác sĩ, với trẻ nhỏ hầu hết việc ăn, uống phải thực phẩm có chứa ma túy là do vô tình. Trẻ thường có biểu hiện ngộ độc nặng hơn, rầm rộ hơn.
"Sô cô la bay" và các loại ma túy núp bóng thực phẩm |
Thực tế, hiện nay, trên các trang thương mại điện tử không khó để mua được những loại sản phẩm có "tẩm" ma túy với các tên gọi "sô cô la bay", "sô cô la chill"… với giá 300.000 đồng - 400.000 đồng/hộp. Thậm chí nhiều người bán còn "xả hàng" mua 2 tặng 1 với lời quảng cáo: "Kẹo sô cô la mang lại cho mọi người cảm giác đầm, êm nhẹ, phê...".
Mới đây, Công an TP.HCM cũng cảnh báo về ma túy "núp bóng" dưới hai dạng: Trộn trong bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng; Ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...
Nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các loại ma túy này sẽ gây ảo giác, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.
Đáng nói, tội phạm ma túy thường sử dụng mạng Internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch, lập các nhóm kín trên mạng xã hội; Giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra.
Liên quan đến dạng ma túy mới này, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Mới đây nhất, trung tâm ghi nhận trường hợp ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô.
Các loại "sô cô la bay" bán tràn lan trên mạng xã hội |
"Hiện có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như viên, bột… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Những loại bánh có trộn ma túy chỉ được phát hiện khi mang đi xét nghiệm", bác sĩ Nguyên cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có thể nhận biết trên thị trường những loại thực phẩm có trộn ma túy thường có giá cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Bởi vậy, người dùng cần chú ý tìm hiểu kỹ những thực phẩm mà mình sử dụng, đọc kỹ thông tin, thành phần trên vỏ bao bì. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, cần chú ý không để trẻ ăn những loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giáo dục trẻ không nhận đồ ăn, sử dụng đồ ăn từ người lạ.
Gia đình và nhà trường cần quan tâm, bảo vệ con em mình
Theo Công an thành phố Hà Nội, những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều dạng ma túy mới, đặc biệt là các dạng ma túy "ngụy trang" dưới vỏ bọc thức ăn, đồ uống ưa thích của giới trẻ như: Trà sữa, bánh quy, ma túy dạng nước, ma túy trong thuốc lá điện tử... với những hương liệu, vỏ bọc thu hút đã kích thích sự tò mò và lôi kéo một số bộ phận thanh niên sử dụng.
Điều đáng nói, ma túy và các chất gây nghiện xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, len lỏi vào học đường, khiến tỷ lệ người trẻ sử dụng ma túy có xu hướng tăng, gây ra nhiều hệ lụy và để lại những hậu quả vô cùng lớn.
Thiếu tá Ngô Quốc Khánh, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Mục đích các đối tượng pha trộn ma túy trong thực phẩm, thuốc lá là để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng là có thể mang ma túy về cất giấu trong nhà mà người thân trong gia đình không phát hiện được.
Ma túy và các chất gây nghiện xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, len lỏi vào học đường, khiến tỷ lệ người trẻ sử dụng ma túy có xu hướng tăng |
"Chủ yếu các loại ma túy chúng tôi thu giữ trong thời gian qua là các loại thảo mộc được tẩm ma túy tổng hợp và các loại ma túy dạng dung dịch, sử dụng trong các điếu thuốc lá điện tử. Đối với thảo mộc tẩm ma túy chúng tôi thu giữ được gần 1,2kg, 732ml dung dịch thuốc lá điện tử có chứa ma túy. Ngày xưa khi nhắc đến ma túy phải là chất bột màu trắng, tinh thể, chất nhựa… Nhưng bây giờ ma túy ở trong thuốc lá, trong gói thuốc lào, trong dạng thực phẩm có thể là bánh kẹo, cốc trà sữa, nước dâu, nước xoài… Đặc biệt, ma túy bây giờ có thể ăn được và trông như các loại thực phẩm, thuốc lá thông thường”, Thiếu tá Ngô Quốc Khánh thông tin.
Được biết, trong quý 1/2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện 48 vụ, 61 đối tượng, xử lý hình sự 48 đối tượng phạm tội vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, tàn phá hệ thần kinh trung ương, gây hoang tưởng cho người dùng. Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các em học sinh tuyệt đối không được sử dụng dù chỉ thử một lần.
Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong học đường để bảo vệ thế hệ trẻ là một yêu cầu cấp thiết đặt ra không chỉ của các cơ quan chức năng mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội từ gia đình đến nhà trường, các phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo và các em học sinh.
Theo đó, các bậc phụ huynh phải là người đầu tiên quan tâm, giám sát, quản lý, giáo dục để con em mình tuyệt đối tránh xa ma túy, đồng thời phối hợp với nhà trường để kịp thời thông tin, nắm các vụ việc hoặc phát hiện các đối tượng lạ xuất hiện chung quanh khu vực trường học có động thái khả nghi... nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy vào học đường.
Đối với nhà trường luôn phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trang bị kiến thức cho các thầy cô giáo về việc nhận diện sự thay đổi liên tục những hình thức ma túy trá hình, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi nghi ngờ học sinh sử dụng ma túy.