Ngành ngoại giao xây dựng vị thế và tâm thế mới cho Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 sáng 13/8
Tham dự Hội nghị có hơn 700 đại biểu, bao gồm các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cùng Lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu chỉ đạo tại các phiên họp của Hội nghị.
Các đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (Ảnh: TG&VN) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ vinh dự và chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và chỉ đạo Hội nghị; thể hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với công tác đối ngoại; sự quan tâm sâu sắc và là nguồn động viên lớn lao đối với toàn thể ngành ngoại giao.
Phó Thủ tướng cho rằng, những thành tựu đối ngoại đạt được trong thời gian qua, trước hết, là do chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng về đối ngoại, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm và đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những thành tựu quan trọng trên mặt trận đối ngoại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc (Ảnh: TG&VN) |
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh các thành tựu quan trọng đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 29, vẫn còn nhiều việc chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa, nhất là về công tác dự báo chiến lược; nhiều cơ hội chưa tận dụng hết để đóng góp hiệu quả hơn, thực chất hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh và khó lường, trong khi đất nước đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập sâu rộng. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Ngoại giao phải tiếp tục nỗ lực, tận tâm, liên tục thích ứng; chủ động, sáng tạo trong tư duy, hiện đại trong cách làm, chú trọng tính hiệu quả để triển khai thắng lợi các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
"Chúng ta cũng cần tiếp tục phối hợp chặt với các các binh chủng khác phấn đấu định vị đất nước một cách vững chắc nhất trong cục diện mới, đặt vào đúng dòng chảy của thời đại như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, để tiếp tục góp phần đưa đất nước đi lên, thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết Hội nghị lần này cũng sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng ngành. Cụ thể, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị Ngoại giao 30 là cụ thể hóa tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, ngang tầm khu vực, dần tiệm cận đạt tới trình độ quốc tế.
Toàn cảnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (Ảnh: TG&VN) |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lần lượt có bài tham luận tại Hội nghị. Các đồng chí đều khẳng định rằng trong những năm qua, các bộ, ngành, lực lượng, binh chủng trong lĩnh vực đối ngoại đã cùng ngành ngoại giao đóng góp cho những thành tựu to lớn của đất nước, góp phần củng cố môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; góp phần nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói của nước ta tại khu vực và trên trường quốc tế, tiếp tục củng cố thế đứng chiến lược của đất nước trong bối cảnh thế giới chuyển biến mau chóng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt là năm 2017, đạt nhiều kết quả quan trọng, là điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước. Theo đó, công tác đối ngoại đã giúp duy trì củng cố môi trường hòa bình, ổn định; phục vụ phát triển kinh tế; xử lý các vấn đề biên giới - lãnh thổ; đưa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam đi vào chiều sâu, hiệu quả; thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa...
Tổng Bí thư đặc biệt đánh giá cao những đóng góp quan trọng của lực lượng cán bộ đối ngoại nói chung, Bộ Ngoại giao nói riêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo, đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao trong thời gian tới (Ảnh: TG&VN) |
Tổng Bí thư cho rằng, môi trường đối ngoại sẽ ngày càng phức tạp, tạo ra nhiều thách thức mới. Vì vậy, ngành đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng cần phải thực hiện tốt hơn nữa, đi sâu vào nghiên cứu để tránh bỏ lỡ những cơ hội, rà soát và phát huy những hiệp ước đã ký kết với các nước; xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh cần giải quyết; đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược để có thể dự báo được tình hình địa chiến lược toàn cầu. Bên cạnh đó, đặc biệt quan trọng là công tác đào tạo và sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả...
Theo Tổng Bí thư, Việt Nam vẫn có nhiều thời cơ thuận lợi và các xu hướng lớn vẫn cơ bản có lợi chúng ta. Sau hơn 30 năm đổi mới, chưa bao giờ Việt Nam có thế và lực như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực. Với sự phát triển kinh tế nổi bật, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu trên trường quốc tế, Việt Nam đang ngày càng nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của các quốc gia và tổ chức trên thế giới.
Tổng Bí thư đề nghị Bộ Ngoại giao cần bám sát nghị quyết Đại hội XII và của Trung ương để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại, là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao trong thời gian tới, cụ thể: (1) Đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam; (2) Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tư chủ; (3) Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương; (4) Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại và an ninh - quốc phòng, đưa quan hệ các nước láng giềng và nước lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả; (5) Tiếp tục triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế; (6) Coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; (7) Nâng cao hiệu quả phối giữa Bộ, ban, ngành, địa phương; nhất là Bộ Ngoại giao và quốc phòng, an ninh trong công tác đối ngoại; (8) Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, bao gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ.
Sau phiên khai mạc sáng 13/8, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận trong hai phiên toàn thể. Phiên I “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” diễn ra vào ngày 15/8.
Sau đó một ngày, Phiên II với chủ đề “Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” sẽ được tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.