Ngành học nào sẽ “biến mất” khỏi ĐH Quốc gia Hà Nội?
Việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giúp giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo trong ĐHQGHN, tránh nguy cơ đầu tư dàn trải, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực đào tạo; Tạo sự liên thông trong cùng đơn vị và giữa các đơn vị,nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của ĐHQGHN.
Nhiều nhóm ngành đào tạo mới của ĐHQGHN sẽ ra đời trong thời gian tới |
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đối với ĐHQGHN nói chung và các đơn vị đào tạo nói riêng, quá trình xây dựng, phê duyệt quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo là cơ hội để các đơn vị rà soát, xác định rõ chiến lược, kế hoạch, lộ trình phát triển các ngành nghề đào tạo cho từng giai đoạn, từ đó chủ động, có định hướng đầu tư, phát triển nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và các điều kiện đảm bảo chất lượng tương ứng.
Theo quy hoạch này, với số chương trình hiện có và số chương trình được quy hoạch, đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sỹ và 155 chương trình đào tạo tiến sỹ.
So với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.
Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sỹ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sỹ.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Trưởng ban Đào taọ ĐHQGHN nhận định, trong giai đoạn tới, cho đến năm 2025, có lẽ chưa có ngành nào thực sự “biến mất”. Song, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành. Bên cạnh đó là nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt: có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể có thể là sự tích hợp.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Đức, một số ngành,chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở ĐHQGHN như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số, … Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch của ĐHQGHN trong thời gian tới.
Việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo không chỉ có ý nghĩa đối với ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc mà còn có ý nghĩa đối với xã hội nói chung và với người học tương lai nói riêng.