Ngành chăn nuôi bảo đảm nguồn cung những tháng cuối năm
Đảm bảo chăn nuôi ổn định
Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, cũng như các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn giữ vững được đà tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2021, tổng đàn bò toàn thành phố Hà Nội tăng trưởng 3,5%; Đàn lợn tăng 14%; Đàn gia cầm tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ duy trì mức tăng trưởng, các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn được mở rộng, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.
Đặc biệt, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã lên phương án bảo đảm nguồn cung cho thị trường, phục vụ Nhân dân Thủ đô, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần |
Ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: Trong 8 tháng đầu năm, đàn trâu của huyện có 4.181 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 85 tấn, đàn bò 33.600 con, trong đó 11.500 con bò sữa, sản lượng sữa đạt 23.000 tấn; Đàn lợn 294.032 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 25.000 tấn; Đàn gia cầm 5,7 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 35.000 tấn; Sản lượng trứng 70 triệu quả; Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.600ha, sản lượng 6.000 tấn.
“Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng các trang trại tập trung xa khu dân cư, gắn với công tác xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ Nhân dân Thủ đô những tháng cuối năm, Ba Vì đang tập trung phát triển mạnh đàn bò thịt tại xã Tòng Bạt, Cẩm Lĩnh, Khánh Thượng, Minh Quang…. Đồng thời, huyện cũng phát triển lợn siêu nạc và đàn gia cầm, gà đồi, cá đặc sản an toàn và hữu cơ, đà điểu.
Cùng với việc phát triển đàn vật nuôi, Ba Vì cũng sẽ chú trọng mở rộng mô hình chăn nuôi đặc sản tại các xã vùng núi; Gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm, quảng bá và phát triển thương hiệu bò BBB, Wagyu, gà đồi Ba Vì, vùng chăn nuôi Đà điểu tại xã Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa, Yên Bài…. Đặc biệt là mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản như tôm càng xanh tại xã Cẩm Lĩnh, Phú Đông”, ông Nguyễn Giáp Đông nhấn mạnh.
Phát triển và nhân rộng các chuỗi liên kết
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân Thủ đô những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp, ngành, địa phương, nhất là người chăn nuôi Thủ đô cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới có thể duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm.
Theo đó, nhiệm vụ quan trọng ngành Nông nghiệp Hà Nội cần triển khai là bám sát diễn biến thị trường, cung - cầu để định hướng cho người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phù hợp với thực tiễn từng địa phương; Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm.
Ngành Nông nghiệp Thủ đô chủ trương xây dựng các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, khép kín |
Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, khép kín, hay vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố, cần có kế hoạch sản xuất gắn với phương án phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ…
Đặc biệt, để giúp người chăn nuôi phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, khoanh, giãn nợ; Tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển thức ăn, sản phẩm chăn nuôi.
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy nhanh việc phát triển và nhân rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, có hình thức hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín để hỗ trợ người chăn nuôi sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Về phía các địa phương, cần tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi, làm cầu nối giữa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường.
Đối với người chăn nuôi, cần thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành chăn nuôi trong việc tăng đàn, tái đàn; Tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; Thay đổi quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm để chủ động, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để làm được điều đó, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người chăn nuôi cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn.