Nâng cao trách nhiệm của những người làm giáo dục
School bus là phương tiện đưa đón học sinh phố biến trên thế giới
Bài liên quan
Tour du lịch câu rác thải nhựa hút khách
Áp lực học hành, nhiều sinh viên Mỹ trầm cảm
Vì sao doanh số thuốc lá tại “thiên đường” của người mê khói thuốc - Nhật Bản sụt giảm?
Australia: Hệ sinh thái biển ảnh hưởng nghiêm trọng vì thời tiết
Phụ nữ Hàn Quốc muốn thoát khỏi vẻ đẹp hoàn hảo
iPhone có thể “made in Vietnam”
Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Vlapostok
Kỷ nguyên “Made in Bangladesh” bắt đầu
Những vụ bỏ quên học sinh đau lòng
Trên thế giới đã từng xảy ra nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến trẻ em thiệt mạng do bị bỏ quên trên xe ô tô giữa thời tiết nắng nóng. Vào năm 2018, tại thành phố Houston thuộc bang Texas (Mỹ), cậu bé Raymond Pryer Jr. 3 tuổi đã bị mắc kẹt trên chiếc xe buýt của trung tâm giữ trẻ sau khi trở về từ chuyến ngoại khóa. Khi cha đến đón thì phát hiện cậu bé không còn cử động và tử vong sau đó.
Một học sinh mẫu giáo ở Trung Quốc cũng đã bị bỏ quên trên xe buýt trường học dưới nắng nóng trong vòng 5 tiếng. Khi xe buýt đến trường lúc 8h30, tất cả học sinh đã xuống xe. Tuy nhiên, trên xe vẫn còn một đứa trẻ 4 tuổi đang ngủ thiếp. Vào thời điểm đó, nhiệt độ trong thành phố tăng lên tới 33 độ C. Tài xế xe buýt và giáo viên trường mẫu giáo đều không nhận ra sự vắng mặt của bé trai. Đến 13h30 cùng ngày, cậu bé được tìm thấy khi bất tỉnh trong xe. Mặc dù đã được đưa ngay vào bệnh viện nhưng ba ngày sau khi được cấp cứu, cậu bé qua đời vì sốc nhiệt. Vụ việc xảy ra ngày 30/5/2019 tại một trường tiểu học ở Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Gần đây nhất, hồi tháng 6 vừa qua, một cậu bé 6 tuổi người Ấn Độ cũng thiệt mạng do bị bỏ quên trên xe buýt tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Theo điều tra, sau khi lên xe cùng các bạn di chuyển đến trung tâm Hồi giáo Al-Manar, cậu bé Mohamed Farhan Faisal được cho là đã ngủ quên. Khi đến trung tâm, sau khi thấy toàn bộ số trẻ trên xe đã đi xuống, tài xế yên tâm khóa cửa xe và đi vào trong. Người lái xe chỉ phát hiện ra Faisal khi lên xe chuẩn bị rời khỏi trung tâm, đưa các học sinh về nhà. Cậu bé này đã bị kẹt trong xe khoảng 3 giờ đồng hồ và đã tử vong khi được phát hiện. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, thời tiết ở Dubai rất nóng, thậm chí có nơi nhiệt độ lên tới gần 50 độ C.
Kinh nghiệm của các nước
Trên thế giới, từ bậc tiểu học trở lên, học sinh đi học bằng xe buýt của trường, gọi là school bus. Xe buýt đưa đón được xem là cơ sở vật chất bắt buộc của một trường học. Xe có thể đón, đưa tận nhà mỗi học sinh hoặc gom tại một điểm cố định nào đó. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp khác nhau.
Hàng ngày, có 25 triệu trẻ em Mỹ đến trường bằng xe buýt. Gần 480.000 xe buýt trường học đang được vận hành tại Mỹ. Xứ sở cờ hoa đã ban hành những quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng học sinh bị bỏ quên trên xe.
Nhiều bang tại Mỹ đã có luật quy định tài xế xe buýt trường học phải kiểm tra toàn bộ xe trước khi rời đi. Một số nơi còn bắt buộc lắp thiết bị báo động điện tử. Nếu người lái xe không hoàn thành quy trình kiểm tra xe buýt cần thiết sau khi đưa học sinh tới trường, chuông sẽ vang lên.
Một công ty có trụ sở tại Washington có tên Zonar đã sáng chế thiết bị kiểm tra học sinh trên xe buýt mang tên Zonar Z-Pass. Học sinh phải quẹt thẻ cá nhân mỗi lần lên và xuống xe. Người đại diện của Zonar cho biết, Zonar Z-Pass đã được sử dụng tại nhiều bang ở Mỹ. Riêng bang California đã ra yêu cầu lắp đặt đối với mọi xe buýt trường học từ năm học 2018 - 2019.
Từ năm 2016, Chính phủ Australia bắt đầu tìm kiếm, nghiên cứu công nghệ mới sau nhiều vụ trẻ em tử vong vì bị bỏ quên trên xe buýt trường học tại nước này.
Bắt đầu từ năm 2018, hơn 440 xe buýt trường học tại bang Victoria được trang bị các thiết bị quét hành khách trên xe hay còn gọi là hệ thống kiểm tra trẻ em. Công nghệ này yêu cầu tài xế và người giám sát đi ra phía sau xe buýt và quét đầu đọc thẻ sau khi kiểm tra xong khu vực cửa học sinh xuống để đi vào trường.
Thiết bị cũng quét thông tin học sinh lên, xuống mà phụ huynh và nhà trường có thể truy cập dữ liệu này. Ngoài ra, một số nhà cung cấp xe buýt cũng triển khai công nghệ cho phép phụ huynh và giáo viên nhìn thấy vị trí chính xác của xe buýt khi học sinh được đưa đến và rời trường.
Tại Châu Á, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) cũng cho lắp đặt hệ thống “kiểm tra trẻ ngủ quên” trên các xe buýt của trường tiểu học công lập trên địa bàn từ tháng 8/2018. Tài xế dùng điện thoại thông minh kết nối với thiết bị công nghệ lắp đặt ở ba vị trí trên xe buýt, thông tin đến phụ huynh và ban quản lý nhà trường. Nếu tài xế quên nhiệm vụ sẽ có thông báo nhắn đến điện thoại thông minh của họ cũng như phụ huynh và nhà trường. Seoul dự định chi 3,67 triệu USD lắp đặt hệ thống này trên xe buýt thuộc 58 trường tiểu học công của thành phố.
Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người
Để những vụ việc đau lòng như trên không xảy ra nữa, thiết nghĩ không chỉ nên phụ thuộc vào các công nghệ hiện đại mà cần nâng cao trách nhiệm của những người làm giáo dục. Mặt khác trẻ em cũng nên được dạy những kỹ năng cơ bản để tự mình xoay sở khi không may rơi vào trường hợp tương tự.
Tài xế và giáo viên phụ trách cẩn thận kiểm tra số lượng các em trước và sau khi lên xuống thì chắc chắn sẽ không có những trường hợp đáng tiếc như trên xảy ra. Nếu quy trình quản lý giám sát giữa bố mẹ và nhà trường chặt chẽ sẽ kịp thời phát hiện sự vắng mặt của học sinh thì chắc chắn các em sẽ không phải chịu sự hoảng loạn về tinh thần, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia, phụ huynh cần dạy trẻ rằng việc ở lại trên xe khi đã dừng hoạt động và đóng kín cửa rất nguy hiểm, có thể gây chết người nhanh chóng vì ngạt khí và nhiệt độ tăng. Tiếp đó, bố mẹ phải dạy trẻ thật bình tĩnh trong mọi trường hợp. Giữ bình tĩnh sẽ giúp trẻ không hoảng loạn và tìm được cách thoát thân.
Trong trường hợp bị bỏ quên trên xe, trẻ cần mở thử tất cả các cửa bởi nhiều trường hợp có cửa chưa đóng hẳn. Cửa xe phía tài xế cũng là nơi cần chú ý. Ở nhiều loại xe, cửa tài xế vẫn có thể mở được từ bên trong. Đối với một số loại xe khác, khi cố ý mở cửa mà không có chìa, xe tự động báo động bằng còi chống trộm. Điều này cũng gây chú ý cho mọi người xung quanh. Trong khi đó, một số loại xe ô tô khi đã tắt máy nhưng bấm còi vẫn phát ra âm thanh. Vì vậy bố mẹ hãy hướng dẫn con bấm còi xe để thu hút sự chú ý từ người xung quanh.
Mặt khác, các xe khách chở học sinh hầu hết đều có búa thoát hiểm. Trường hợp bất đắc dĩ, các em có thể dùng búa thoát hiểm để có thể đập vỡ kính và thoát ra ngoài mà không cần quá nhiều sức.