Món quà đặc biệt mỗi thứ 6 của những học sinh khuyết tật
Hà Nội ưu tiên tuyển sinh, miễn giảm học phí đối với học sinh khuyết tật |
Học sinh khuyết tật Thụy An trải nghiệm "Nông trại vui vẻ" |
Mang con chữ đến cho những mảnh đời kém may mắn
Lớp học được xây dựng bởi một bà giáo năm nay đã 88 tuổi. Duy trì được 23 năm, lớp học hoàn toàn miễn phí và đón nhận tất cả những trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Bằng bốn chữ tình thương và trách nghiệm bà giáo Hồ Hương Nam đã ngày ngày đến lớp, rèn giũa cho từng học sinh khuyết tật bằng các phương pháp đặc biệt.
Đến lớp học tình thương, nằm ở một góc khang trang của trường THCS An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội), có thể thấy ngay hình ảnh bà giáo lưng còng, đang cặm cụi nắn từng nét chữ, dạy từng phép cộng trừ cho học sinh.
Lớp học tình thương vẫn nề nếp như bao lớp học bình thường khác |
Bà giáo tâm sự: “Lớp học của tôi không có bảng, không phải vì không có tiền, mà bởi bảng thì vô tác dụng. Các cháu dễ mất tập trung, hay chán nản cho nên tôi đến từng bàn, dạy từng cháu theo các phương pháp riêng.”
Có học sinh vừa theo học bà được 2 tháng, người lâu nhất đã được 20 năm. Bà đã dạy dỗ cho nhiều lớp học sinh từ chữ cái o, ô đến lúc biết đọc, viết, biết tính toán thành thạo như người bình thường.
Với học sinh câm điếc, bà giáo luôn có các phương pháp đặc biệt |
Không chỉ dạy chữ, dạy phép tính, bà giáo Nam còn rèn giũa ý thức của các học sinh như một lớp học thực sự. Bà tự trích một khoản tiền của mình may cho 18 học sinh của lớp áo đồng phục và quy định mặc vào thứ 2, thứ 6 hằng tuần.
Khi có học sinh không mặc đồng phục, lời nhắc nhở học sinh của bà đầy nghiêm khắc nhưng trong đó cũng chứa đựng tình thương yêu vô bờ.
Những món quà thứ sáu đầy ý nghĩa
Có mặt tại lớp học tình thương vào thứ sáu cuối tuần, hôm nay bà sẽ tổng kết tình hình học tập của lớp và phát những món quà do chính bà mua, dành tặng các học sinh, cũng chính là những người cháu của mình.
Nét chữ nắn nót của học sinh đã theo bà 12 năm |
Học sinh của bà, bạn bị thiểu năng, bị tự kỷ, bạn thì bị khiếm thính, tâm hồn lúc nào cũng trong sáng, ngây thơ. Nhất là khi được bà tặng quà, ai đều phấn trấn, vui vẻ hơn. Chứng kiến giờ tổng kết của bà, người ta lại tưởng tượng đến giờ sinh hoạt đầy nghiêm túc trong các lớp học thông thường.
“Quang tuần này hơi lơ là, toán làm sai nhiều, hôm qua 10 bài làm sai 5 bài. Linh tuần này học tốt lắm, Đạt tốt...”, bà nói với cả lớp.
Mỗi học sinh khuyết tật có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều được bà yêu thương, uốn nắn |
“Em rất quý bà vì bà đã cho em con chữ, cho em biết cộng trừ nhân chia. Em muốn nói lời cảm ơn bà”, đó cũng chính lời chia sẻ của lớp trưởng Kim Thúy, học sinh đã theo bà 20 năm, mà theo cách nói của bà giáo là đã đủ điều kiện ra trường. Kim Thúy vẫn muốn được theo lớp học, ngày ngày nghe bà giảng bài và được nhận những món quà tinh thần vào mỗi sáng thứ sáu.
Bà cũng mong muốn từ tâm huyết của mình, gắn kết tình cảm bà cháu để lớp học như một gia đình. “Tôi thấy việc cho quà các cháu là chuyện bình thường. Giống như ở nhà bà nội, bà ngoại cho cháu, tôi không thấy có gì khó khăn, trở ngại cả”, bà nói.
Bà cần mẫn dạy cho học sinh thiểu năng trí tuệ mới tham gia lớp được vài tháng |
Những món quà của bà giáo là niềm động viên lớn lao đối với mỗi học sinh. Lớp học rộn vang tiếng cười khi các bạn được cầm trên tay thành quả một tuần học tập say mê.
Mỗi tháng bốn, năm lần, những món quà cuối tuần mà bà cho 18 học sinh ấy cộng lại, có lẽ cũng ngót nghét tiền lương hưu. Tuy nhiên, bà chẳng thấy tiếc và luôn trao nó cùng với niềm vui, niềm hi vọng.
Dạy học sinh khuyết tật phải thật kiên trì, nhẫn nại. Bà kể có học sinh thời gian đầu tới chưa quen còn đánh bà giáo. Nhiều học sinh giận dỗi cả tuần không đi học, bà lại gọi điện và mời đến lớp để khuyên nhủ.
Lớp học đặc biệt với học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau |
Mặc dù nhiều khó khăn, vất vả và mệt nhọc khi tuổi già nhưng cứ đến lớp là bà Nam thấy khỏe mạnh. Bà giáo được coi là bà tiên đối với các học sinh. Đối với bà, các học sinh ấy cũng là món quà vô giá của mình.
“Các cháu là nguồn động viên tuổi già lớn lao của tôi. Có những lúc ốm đau, các cháu đến nhà thăm và hồn nhiên hỏi “Bà ơi, bà có chết không?”. Chúng tình cảm lắm, ngày 20/11 bàn nhau mua hoa, ùa lên tặng tôi. Tôi hỏi tiền đâu mà mua thì chúng nói “Có 2.000 đồng tiền quà sáng thôi mà bà””, bà Nam xúc động kể lại.
Bà giáo vẫn luôn canh cánh nỗi lo lắng về tương lai nếu không còn mình đứng lớp thì những mảnh đời này sẽ ra sao: “Lúc này, khi còn khỏe mạnh, tôi sẽ cố gắng làm tốt để xứng đáng là một người bà và để lại cho đời những dư âm tốt đẹp”.
Vui Tết thiếu nhi ở lớp học đặc biệt |
Chàng sinh viên Bách Khoa mở lớp học tình thương cho trẻ em làng SOS |