Mối quan hệ đặc biệt giữa báo chí và giáo dục
Thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với chính quyền TTTĐ - Nhiều năm qua, cùng với cả nước, báo chí Hà Nội luôn bám sát và gắn bó với tiến trình đấu tranh, xây ... |
Giáo dục nhân cách cho người trẻ
Đến thư viện trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào một ngày đầu hè, chúng tôi gặp hai bạn Nguyễn Phương Linh và Đào Quang Trung, học sinh trường THPT Cổ Loa đang say sưa đọc báo. Phương Linh cho biết: “Em thích đọc tạp chí Văn học vì có nhiều bài viết bổ ích liên quan đến môn Ngữ văn trong nhà trường. Em biết đến tạp chí này đã 5 năm nay”. Còn Quang Trung thì thích báo Tuổi trẻ Thủ đô vì phong cách trẻ trung, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý học sinh của tờ báo.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, báo chí với nhiều loại hình ngày càng tác động mạnh mẽ tới độc giả, nhất là giới trẻ. Vì thế, nhiều giáo viên lựa chọn phương pháp để học sinh, sinh viên tự tìm hiểu kiến thức từ các nguồn tin chính thống. Vì vậy, báo chí ngày càng trở nên gần gũi với không ít bạn trẻ.
Chị Hoàng Thị Phương, Bí thư Đoàn trường THPT Cổ Loa |
Chị Hoàng Thị Phương, Bí thư Đoàn trường THPT Cổ Loa cho biết: “Nhiều học sinh trong trường rất thích đọc báo. Các bạn thường chọn loại báo phù hợp với lứa tuổi, sở thích như Tuổi trẻ Thủ đô, Tiền phong, Thanh niên… để theo dõi tin tức về giới trẻ và các hoạt động Đoàn - Hội; Các tạp chí có nhiều bài viết liên quan đến bài học trong trường như Văn học và Tuổi trẻ, Người Hà Nội… cũng được các bạn trẻ yêu thích”.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của thông tin báo chí đối với việc giáo dục học sinh, nhiều cơ sở giáo dục đã đặt mua báo và tổ chức phong trào đọc báo đều đặn, thường xuyên. Chính nhờ lượng thông tin cập nhật từ báo chí mang lại, các bài giảng của giáo viên không bị khô cứng, giáo điều mà thêm phần sinh động, thực tế.
“Kiến thức trong sách giáo khoa được trình bày có hệ thống, đảm bảo tính khoa học, cơ bản, hiện đại, phù hợp với sự phát triển tâm lý, nhân cách của học sinh. Thông tin trên báo chí thì sống động, mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại, theo những cấp độ khác nhau. Để dạy học hiệu quả, ngành giáo dục cần không ngừng đổi mới. Bên cạnh nội dung kiến thức ở sách giáo khoa, sách tham khảo... thì thông tin trên báo chí cũng có lợi thế đặc biệt, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh trong nhà trường”, thầy giáo Lê Văn Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Cổ Loa bày tỏ.
Báo chí là nguồn thông tin vô hạn
Một hiệu quả xã hội lớn khác của báo chí đối với nhà trường là góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua những điển hình tiên tiến được ghi nhận biểu dương. Trong mỗi giai đọan, mỗi thời kỳ, báo chí đều dành một dung lượng thỏa đáng, một vị trí hợp lí trên mặt báo để kịp thời cổ vũ, biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong đời sống hằng ngày. Chính những bài biết về chủ đề này đã và đang là những bài học lý luận sinh động đầy thuyết phục đối với học sinh.
Cô Nguyễn Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường THCS Thành Công (Ba Đình) |
Để tận dụng tối đa quan hệ giữa báo chí và giáo dục, các nhà giáo cần có sự hợp tác chặt chẽ với báo chí. Giáo viên có thể sử dụng các tài liệu từ báo chí như bài viết, tin tức, các bài phân tích, để bổ sung cho chương trình dạy học. Các thầy cô cũng có thể dạy học sinh cách phân tích các nguồn tin, kiểm tra tính xác thực và khách quan của thông tin.
Cô Nguyễn Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã sớm nhận thức được sức mạnh và vai trò của báo chí trong việc giáo dục định hướng tư tưởng cho học sinh. Vì vậy, nhà trường đã đưa ra nhiều sáng kiến để kết hợp giáo dục truyền thống với thông tin hữu ích từ báo chí một cách hiệu quả, thực tế.
Một trong những hoạt động được triển khai là việc tổ chức buổi gặp gỡ và trao đổi giữa học sinh với các nhà báo. Những chuyên đề giáo dục, phóng sự về các vấn đề xã hội, khoa học hoặc văn hóa được tổ chức đều đặn tại trường, tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào các cuộc thảo luận, đặt câu hỏi và chia sẻ quan điểm của mình. Điều này giúp các em hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh và phát triển khả năng tư duy phản biện.
Cô Nguyễn Ngọc Anh cùng học trò |
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã thành lập câu lạc bộ truyền thông và nhóm phóng viên nhí. Đây là nơi học sinh có thể tham gia vào quá trình viết báo, từ việc nghiên cứu thông tin, phỏng vấn, viết bài và biên tập. Học sinh được các nhà báo hướng dẫn về cách tìm kiếm và xử lý thông tin, cùng với việc phát triển kỹ năng viết và giao tiếp. Các bài viết xuất sắc của học sinh được công bố trên trang web của trường và trình bày trong các buổi gặp gỡ và sự kiện trong trường.