Mỗi ngày cả nước có 280 doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể
Hình minh họa.
Bài liên quan
Tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, nợ khó thu hồi 28.221 tỷ đồng
Xâm phạm thông tin bí mật kinh doanh có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 2/2019, cả nước có 5,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 96,3 nghìn tỷ đồng, giảm 41,5% về số doanh nghiệp và giảm 36,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay vào tháng 2/2019; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,3 tỷ đồng, tăng 8,8%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 56 nghìn người, giảm 48,1%.
Trong tháng, cả nước còn có 1.747 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 79,4% so với tháng trước; 2.823 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 73,9%; 1.740 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 85,8%; 1.354 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 24,9%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 15.979 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 247,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 46,7%. Nếu tính cả 531,2 nghìn tỷ đồng vốn điều chỉnh của các doanh nghiệp thay đổi vốn đăng ký thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 2 tháng là 778,6 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 10.191 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 26,2 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 2 tháng đầu năm 2019 là 164 nghìn người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo lĩnh vực hoạt động, trong 2 tháng đầu năm nay hầu hết các lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 37,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 7,3%; 2,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 13%), giảm 9,4%; 2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,5%), giảm 17,2%; 1,3 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8%), giảm 11,3%; 981 doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 6,1%), giảm 10,3%; 840 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,3%), giảm 0,1%; 780 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 4,9%), giảm 24,9%...
Xét về vùng kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ có 6,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6% (vốn đăng ký 145,4 nghìn tỷ đồng, tăng 54%); Đồng bằng sông Hồng 5,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,6% (vốn đăng ký 57,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 2,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,9% (vốn đăng ký 19,3 nghìn tỷ đồng, giảm 19,1%); Đồng bằng sông Cửu Long 1,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,4% (vốn đăng ký 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 8%); Trung du và miền núi phía Bắc 591 doanh nghiệp, giảm 27% (vốn đăng ký 8,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,2%); Tây Nguyên 423 doanh nghiệp, giảm 8,8% (vốn đăng ký 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 85,9%).
Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 2 tháng đầu năm nay là 13.519 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo lĩnh vực hoạt động, có 5,1 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 37,8%), tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; có 2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,9%), tăng 15,9%; 1,7 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,6%), tăng 19,4%; có 849 doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 6,3%), tăng 27,3%; có 816 doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 6%), tăng 23,4%; có 651 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 4,8%), tăng 17,7%...
Trong 2 tháng đầu năm nay còn có 13.692 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 7.843 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2019 là 3.156 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 2.907 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 92,1% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 25,3%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 40,1%), tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 345 doanh nghiệp (chiếm 10,9%), tăng 0,3%; xây dựng có 322 doanh nghiệp (chiếm 10,2%), tăng 33,1%.