Miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Đưa kiến thức phòng cháy, chữa cháy vào chương trình chính khóa của học sinh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hỗ trợ học phí cho sinh viên |
Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ sinh viên (hệ đại học chính quy các khóa từ K59 trở về trước, đang học tập tại trường, xét theo năm học 2021 - 2022). Theo đó, nhà trường đưa ra nhóm các giải pháp hỗ trợ học phí như: Không tăng học phí đại học chính quy áp dụng cho năm học 2021 - 2022.
Đây là năm thứ hai liên tiếp nhà trường không tăng học phí, mặc dù theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, lộ trình tăng học phí mỗi năm khoảng 7 - 10%. Cùng với đó, nhà trường hỗ trợ số tiền tương đương 7% học phí phải nộp học kỳ I, năm học 2021 - 2022 đối với sinh viên đại học chính quy.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra các giải pháp dạy và học trực tuyến đồng thời miễn, giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: internet) |
Ngoài ra, trường Đại học Ngoại thương cũng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Các mức hỗ trợ tương đương: 100%, 70%, 50%, 30% học phí căn cứ theo hồ sơ và các minh chứng, xác nhận (sinh viên nộp hồ sơ theo thông báo cụ thể của nhà trường). Đặc biệt, nhà trường còn hỗ trợ sinh viên bằng hình thức cho vay vốn tín dụng thông qua Quỹ học bổng FTU-Mabuchi với lãi suất cho vay là 0% trong thời gian học tập.
Mới đây, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã phát đi thông báo của Hiệu trưởng về kế hoạch đào tạo trực tuyến từ ngày 6 - 19/9. Trong thời gian này, sinh viên tiếp tục dự thi kết thúc học kỳ theo kế hoạch. Những ca, lớp không thể triển khai thi kết thúc học kỳ trực tuyến, Trung tâm Khảo thí phối hợp với các đơn vị lập kế hoạch, thông báo để sinh viên học bù.
Từ ngày 13/9, nhà trường triển khai dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu của các lớp học phần được mở trong học kỳ I năm học 2021 - 2022 (sinh viên truy cập hệ thống đại học điện tử để xem thông tin lớp học tại mục “Dạy học trực tuyến” đối với các lớp học phần chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc tại mục “Dạy học kết hợp” đối với các học phần tổ chức dạy học kết hợp).
Các lớp học phần Giáo dục thể chất và thực tập: Giảng viên giao nhiệm vụ học tập có hướng dẫn cho sinh viên; Những ca/lớp thực hành/thí nghiệm không thể triển khai dạy học trực tuyến: Sinh viên được nghỉ học, các khoa/trung tâm lập kế hoạch và thông báo để sinh viên học bù.
Đại diện trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết: Để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, năm học này, nhiều hoạt động của nhà trường sẽ được tổ chức linh hoạt. Nhà trường đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi, chấm và bảo vệ khóa luận trực tuyến. Các khoa đã hướng dẫn sinh viên làm khóa luận trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên sẽ được tổ chức trực tuyến.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cững đã triển khai nhiều giải pháp cả về chính sách, đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và đào tạo trực tuyến nói riêng. Trong đó, phần mềm VNU-LMS được phát triển theo hướng tiếp cận hiện đại, có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy.
Tại Hội nghị công tác đào tạo trực tuyến, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho cán bộ giảng viên giảng dạy trực tuyến. Từ nay đến năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy trực tuyến, tăng tính chủ động của giảng viên và sinh viên. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là tăng cường năng lực cho giảng viên sử dụng, khai thác các phần mềm giảng dạy trực tuyến thông qua khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn.
Giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được thực hành trực tiếp trên phần mềm VNU-LMS. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan lựa chọn và sử dụng thử nghiệm phần mềm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ giảng viên trong việc soạn thảo, thiết kế bài giảng E-Learning.