Miễn dịch cộng đồng có giúp đẩy lùi Covid-19?
Nơi đạt miễn dịch cộng đồng cao nhất thế giới
Theo các nhà khoa học, sự lây lan của dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19 có thể được ngăn chặn một khi tỷ lệ dân số đủ lớn miễn dịch với nó hay còn gọi là miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh vắc-xin, đây là cách duy nhất con người có khả năng miễn dịch nếu như họ mắc bệnh và hồi phục.
Một nghiên cứu hồi tháng 4 ở thành phố New York (Mỹ), cho thấy có 21,2% người dân có kháng thể Covid-19. Tương tự, nghiên cứu hồi tháng 5 ở Stockholm (Thuỵ Điển) cũng chỉ ra, 14% cư dân ở đây có kháng thể Covid-19.
Trong khi đó, 57% mẫu xét nghiệm được lấy từ cư dân sinh sống tại các khu ổ chuột ở Mumbai có kháng thể Covid-19 và đối với các khu dân cư lân cận tỷ lệ này là 16%.
Các tình nguyện viên y tế đo thân nhiệt cho nguười dân ở khu ổ chuột ở Mumbai (Ảnh: CNN) |
Do đó, ông Jayaprakash Muliyil, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn khoa học thuộc Viện Dịch tễ Quốc gia Ấn Độ tin rằng các khu ổ chuột tại Mumbai có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng.
“Các khu ổ chuột của Mumbai có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu người dân Mumbai muốn có một nơi an toàn để tránh lây nhiễm, có lẽ họ nên đến đó”, ông Jayaprakash nói.
Các chuyên gia y tế tỏ ra thận trọng hơn. Giáo sư David Dowdy tại trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết các xét nghiệm kháng thể có thể cho kết quả dương tính giả.
Ông Om Shrivastav, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mumbai, cảnh báo vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ tuyên bố mang tính kết luận nào.
Giả sử, mỗi người nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm cho ba người nữa, nếu hai trong ba người đó được miễn dịch thì virus chỉ có thể khiến một người bị bệnh. Điều này có nghĩa là ít người bị nhiễm bệnh hơn. Theo thời gian, ngay cả những người không được miễn dịch cũng được bảo vệ vì họ ít có khả năng tiếp xúc với virus hơn.
Đối với dịch Covid-19, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra tỷ lệ đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng. Ban đầu, nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán tỷ lệ này nằm trong khoảng 70 đến 90% dân số.
Giáo sư toán học thống kê Adam Kleckowski của Đại học Strathclyde (Anh) thì dự đoán đại dịch sẽ được ngăn chặn nếu 50 đến 75% người dân có kháng thể trong máu.
Nguy cơ tái lây lan virus
Khi Covid-19 mới bắt đầu bùng phát, xứ sở sương mù ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 bằng cách tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã bị chỉ trích khi gây ra nhiều ca tử vong và khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này bị quá tải.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Anh là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới với 69,93 ca tử vong trên 100.000 người.
Khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, nhiều nước đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn, bao gồm thực hiện phong tỏa diện rộng. Tuy nhiên, Thụy Điển đã có bước đi khác biệt, cho phép virus lây lan có kiểm soát để tạo miễn dịch cộng đồng.
Về cơ bản miễn dịch cộng đồng có nghĩa là càng nhiều người trong cộng đồng dân cư nhiễm bệnh và phát triển khả năng miễn dịch thì những người khác trong cộng đồng càng ít bị nhiễm bệnh hơn (Ảnh: CNN) |
Thay vì phong tỏa diện rộng, Thụy Điển chủ yếu dựa vào các quy định giãn cách như cho phép làm việc tại nhà khi có thể, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Nước này thậm chí cũng không buộc người dân đeo khẩu trang.
Ban đầu, các cơ quan y tế Thụy Điển kỳ vọng 40% dân số thủ đô Stockholm sẽ có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5/2020. Tuy nhiên, bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of the Royal Society of Medicine, khẳng định con số này chỉ khoảng 15%, tức tương đương với các nước khác như Anh.
Thực tế, dường như chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng của Thụy Điển đã thất bại. Thụy Điển phải trả giá khi trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong trên tổng số dân cao nhất tại khu vực Châu Âu.
“Tại một quốc gia có số dân lớn như Ấn Độ, miễn dịch cộng đồng không thể trở thành một phương án chiến lược. Muốn đạt được điều đó thì phải trả một cái giá rất đắt. Hàng trăm nghìn người sẽ phải mắc bệnh, nhập viện và nhiều người sẽ tử vong trong quá trình đó”, Rajesh Bhushan, cán bộ phụ trách công tác chống dịch thuộc Bộ Y tế Ấn Độ cho hay.
Giáo sư David Dowdy tại trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: “Nếu Ấn Độ khuyến khích người dân nhiễm bệnh để đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng thì hàng triệu người sẽ phải hy sinh trong quá trình này”.
Thậm chí, trạng thái miễn dịch cộng đồng cũng không thể duy trì lâu tại một số khu vực nhất định như khu ổ chuột ở Mumbai. Giáo sư toán học thống kê Adam Kleckowski nhận định, virus có thể biến chủng, khiến những người từng miễn dịch không còn miễn nhiễm.
Thêm vào đó, một số bằng chứng cho thấy phản ứng kháng thể có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trong trường hợp này, nhiều người sẽ nhanh chóng mất đi khả năng miễn dịch.
Ngoài ra, thời gian duy trì trạng thái miễn dịch cộng đồng còn phụ thuộc vào tần suất di chuyển của người dân trong khu vực. Những người mới đến và không có kháng thể sẽ khiến tỷ lệ miễn dịch giảm, gây nguy cơ tái lây lan virus SARS-CoV-2.