Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam ứng xử ra sao khi phát hiện con xem phim 18+?
Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm |
Tràn lan nội dung khiêu dâm độc hại trên môi trường mạng
Chiều 23/2, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững (MSD) và Tiktok tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các nội dung tình dục độc hại trên môi trường mạng”.
Tại đây, các chuyên gia đã chia sẻ các quan điểm về tình dục độc hại trên môi trường mạng; Ảnh hưởng của vấn đề này tới thanh thiếu niên và giải pháp để phòng tránh…
TS.Hoàng Tú Anh – Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết, nghiên cứu của MSD năm 2021 cho thấy, khoảng 96,9 trẻ em sử dụng internet. Đáng nói là, trẻ em đang dễ dàng tiếp cận được với thông tin, hình ảnh với nội dung khiêu dâm, cực đoan, nhảm nhí. Có tới 36,5% trẻ em trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực internet, hơn 13% buộc tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm, gần 16% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng; 2% trẻ em nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn.
Hầu hết, các trường hợp trẻ em tiếp cận trang web, hình ảnh, video về tình dục khi tìm kiếm và hoặc bị dụ dỗ bấm vào đường link không an toàn.
Các hình ảnh, nội dung về tình dục độc hại tràn lan trên các MV mà không được kiểm soát |
“Khi nghiên cứu 739 sinh viên năm thứ Nhất tại Hà Nội trong 14 tháng, chúng tôi thấy có 86% có tiếp xúc với tài liệu mang nội dung tình dục dạng văn bản, hình ảnh khỏa thân, hay hành vi tình dục. Nhưng điều ngạc nhiên là, những hình ảnh, ca từ gợi dục hiện nay vẫn phổ biến nhiều trên video ca nhạc, phim… Trong khi đó, việc quản lý các MV ca nhạc với những nội dung độc hại vẫn chưa chặt chẽ” – chuyên gia này cho biết.
Những nội dung 18+ này gây tác hại không lường đối với thanh thiếu niên, có thể dẫn đến những hành vi cưỡng bức tình dục, bạo lực tình dục, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn cao; thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gây ra chứng trầm cảm, chán ăn, chán ghét bản thân, tự tử...
Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục trẻ em cũng nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Năm 2022, Tổng đài Tư vấn 111 đã tư vấn 398 cuộc gọi (chiếm 3,8 % cuộc gọi tư vấn chuyên sâu) và 21 trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Giật mình cách cha mẹ dạy con về giới tính
Tại tọa đàm, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp để phòng ngừa, bảo vệ thanh thiếu niên trước những thông tin tình dục độc hại trên môi trường mạng. Trước nhất, đó là việc giáo dục giới tính cho con cần phải được gia đình, nhà trường quan tâm để “vẽ đúng đường cho hươu chạy”.
Chị Hà Thu, chuyên gia tư vấn giới tính của WeGo từng giật mình vì trường hợp người mẹ giáo dục giới tính cho con bằng cách cho phép con “động chạm” cơ thể mình khi cậu bé ngỏ ý muốn tìm hiểu về cơ thể nữ giới.
Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm |
"Nhiều lần như vậy, cho tới khi cậu con trai bỏ đi khi không được mẹ cho cho sờ vào người mình nữa thì chị ấy mới nhận ra cách giáo dục giới tính sai lầm của mình và gọi đến chúng tôi. Vì thế, tôi cho rằng, chính phụ huynh cần phải nhận thức đúng, có phương pháp giáo dục giới tính đúng. Chúng ta truyền thông cho thanh thiếu niên chưa đủ mà còn phải tập trung vào đối tượng phụ huynh” – chị Thu nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm về điều này, chị Phan Hồ Điệp, mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam thừa nhận, chị cũng từng sốc khi vô tình mở cửa và phát hiện con trai mình và nhóm bạn truyền cho nhau đường link phim “nóng”. Khi ấy, con trai mới học lớp 6. Tuy nhiên, thay vì quát mắng, chị Phan Hồ Điệp – mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chọn cách nói chuyện với con về tình dục một cách thoải mái trong giới hạn hiểu biết của con.
“Khi con chỉ hiểu biết tới A, bố mẹ không thể nói tới tận Z mà chỉ nói đến A+. Bố mẹ cũng phải chọn cách nói chuyện sao cho con không xấu hổ, bởi nếu không, con sẽ rút lui về thế phòng thủ, và mãi mãi bố mẹ sẽ không chạm được vào những tâm tư của con” - chị Phan Hồ Điệp nói.
Cùng cam kết hành động |
Môi trường mạng cần những nhà sáng tạo nội dung tử tế
Ở góc độ pháp luật, bà Nguyễn Thị Nga, Cục phó Cục Trẻ em phân tích Điều 29 trong Luật An mạng. Luật quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em”.
Bà Nguyễn Thị Nga, Cục phó Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) |
Dẫn chứng câu chuyện bé gái lớp 7 mang thai gây ồn ào vừa qua mà gia đình hoàn toàn không biết cho tới khi sinh con, bà Nga cho rằng, đó là trường hợp điển hình của việc phụ huynh phó mặc cho con mình cho nhà trường, thày cô và xã hội. Chuyên gia này cho rằng, các bậc phụ huynh cần chủ động phòng ngừa cho con bằng nhiều cách như dùng bộ lọc để kiểm tra, hạn chế các trang web độc hại; hạn chế số giờ sử dụng thiết bị điện tử thông minh; nhưng quan trọng nhất là cần quan tâm, chia sẻ, đồng hành với con chứ không thể phó mặc kiểu “trăm sự nhờ thầy cô”.
Bên cạnh đó, ở khía cạnh sáng tạo và xuất bản nội dung trên môi trường mạng, Huỳnh Quang Minh, hotboy sở hữu lượng người theo dõi "khủng" trên mạng xã hội cũng nhấn mạnh, người sáng tạo nội dung cần nâng cao vai trò của mình để tạo ra những sản phẩm tích cực, có tính giáo dục, truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên trên môi trường mạng thay vì làm ra các "content" độc hại, nhảm nhí để thu hút lượng người xem.
Huỳnh Quang Minh - Nhà sáng tạo nội dung về giáo dục giới tính được nhiều bạn trẻ biết đến |
"Bản thân tôi đã chứng minh, khi làm một video clip với nội dung tích cực, tôi vẫn có thể đạt được 3,5 triệu view trong ngày đầu tiên. Điều đó chứng tỏ rằng, không phải cứ nhảm nhí, hottrend hay 18+ mới thu hút lượng người xem mà chỉ cần các KOL, các nhà sáng tạo nội dung hướng tới những điều tử tế, hình ảnh sạch, nội dung sạch, thì người lượng người xem cũng không hề ít. Môi trường mạng hiện nay đang thực cần những nhà sáng tạo nội dung tử tế." - anh nói.
"Chỉ trong tháng 7-9/2022, 2,2 triệu video có nội dung độc hại đã được Tiktok gỡ bỏ trên nền tảng. Tiktok gần đây đã chú trọng kiểm soát nội dung chặt chẽ, nhưng tôi cho rằng, việc nâng cao nhận thức người sử dụng rất quan trọng. Tiktok cũng giới thiệu hàng loạt chương trình giới thiệu tính năng an toàn của Tiktok. Những nội dung này đã đạt số lượng trên 500 triệu người xem tại Việt Nam. Hiện, doanh nghiệp này tiếp tục cập nhật chiến dịch truyền thông, giới thiệu tính năng an toàn của nền tảng cho người dùng, mục tiêu đạt được 1 triệu view trong thời gian tới. (Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam) |