Lưu học sinh quốc tế trải nghiệm thú vị văn hóa Tây Bắc
Đây là hoạt động thiết thực được trường Đại học Thủy lợi tổ chức nhịp Quốc khánh Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Thông qua hoạt động trải nghiệm, các lưu học sinh thêm yêu mến Việt Nam với nền văn hóa đặc trưng từng vùng miền.
Các bạn đã từng biết đến Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, bãi biển Sầm Sơn hay một Sa Pa mờ trong sương, lạnh đến tê người thì chuyến đi Tây Bắc giúp các bạn hiểu thêm về văn hóa Mường, Tày và được trực tiếp tận hưởng cái ngọt ngào của hương vị cam Cao Phong - một sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình.
Các lưu học sinh đang học tập tại trường Đại học Thủy lợi tham quan, tìm hiểu văn hóa Tây Bắc |
Các lưu học sinh đã đến tham quan Di sản các nhà khoa học Việt Nam thông qua trưng bày, triển lãm, kho lưu trữ với hàng triệu tài liệu, hiện vật liên quan; Tham gia các hoạt động STEAM, giáo dục kĩ năng sống bổ ích; Tham quan công viên xanh rộng hơn 30ha với các công trình kiến trúc độc đáo; Tham gia các hoạt động sôi động gắn kết tinh thần đồng đội.
Công viên di sản Meddom Park hay công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam nằm ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình có không gian rộng lớn cùng hệ thống thảm thực vật đa dạng, không khí trong lành và hệ thống suối tự nhiên uốn lượn quanh công viên. Với tổng diện tích lên đến hơn 30ha, công viên có không gian yên bình, thoáng đãng giúp du khách gần gũi với thiên nhiên hơn.
Đoàn dừng chân tại một địa điểm trong khu công viên di sản |
Công viên còn có hệ sinh thái đa dạng Suối Hoa trải dài. Dưới suối nuôi dưỡng hàng nghìn loài cá khác nhau. Hai bên đường đi dọc suối được trồng hơn 500 loài hoa khác nhau chủ yếu là hoa hướng dương và hoa tam giác mạch tạo cảm giác thích thú cho mọi người.
Tại đây, các lưu học sinh được tận mắt xem các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc biệt phải kể đến là khu nhà 5 tầng lưu giữ nhiều tài liệu khoa học với lối kiến trúc thiết kế theo hình quyển sách đang mở ra.
Nơi đây không gian trưng bày các hiện vật khác nhau: Khu trưng bày sản phẩm nghiên cứu và những đồ dùng gắn bó với các nhà khoa học nổi tiếng như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Trần Đại Nghĩa… Đặc biệt trong đó có cố thầy giáo của trường Đại học Thủy lợi - GS.TS Nguyễn Thúc An, giảng viên bộ môn Cơ học lý thuyết (nay là Cơ học kỹ thuật).
Đoàn được hướng dẫn viên nói về tổng thể công viên và những đặc trưng riêng của từng tiểu khu |
Ngoài ra, các lưu học sinh còn được tham gia một cuộc thi nho nhỏ đi tìm khu trưng bày những kỷ vật của cố GS.TS Nguyễn Thúc An trong một không gian rộng lớn với hơn 3.000 nhà khoa học nổi tiếng.
Chuyến đi đã giúp các bạn lưu học sinh có những kiến thức thực tế về địa danh, điểm du lịch văn hóa nổi tiếng tại Việt Nam; Rèn luyện kĩ năng nghe, giao tiếp tiếng Việt; Đồng thời, giúp các bạn có thêm hiểu biết về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, về đất nước con người Việt Nam; Góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa giữa các nước Đông Dương anh em.
Bạn Souliya Chanthavongsor, lưu học sinh Lào (áo xanh) tham qua vườn cam Cao Phong (Hòa Bình) |
Trong chương trình, các lưu học sinh cũng đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm vườn cây ăn trái vào chính vụ - cam Cao Phong, một sản vật nổi tiếng của Hòa Bình. Các bạn được trực tiếp hái những quả cam chín vàng, mọng nước, ngọt thanh. Tại đây, chủ vườn còn trao đổi với các bạn về cách mà người nông dân chăm sóc cây, thu trái và bán ra thị trường.
Chia sẻ về chuyến đi, bạn Souliya Chanthavongsor, lưu học sinh Lào bộc bạch: “Em tới đây lần đầu tiên. Em thấy chuyến đi rất ý nghĩa với các địa danh đẹp, nhiều sản vật nổi tiếng”.
Trong chuyến đi, các lưu học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời |
Thông qua các hoạt động thực tế tại địa phương, các lưu học sinh được nghe những câu chuyện về lịch sử văn hóa Tây Bắc cũng như trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương... từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại Nhân dân. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, không những giúp các em áp dụng vào công việc sau khi trở về địa phương mà còn góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa các nước.
Những kết quả thu được qua các hoạt động học tập, trải nghiệm thực tế như vậy sẽ giúp sinh viên đang học tập tại trường Đại học Thủy lợi trau dồi thêm kiến thức thực tiễn về văn hóa, xã hội, lịch sử Việt Nam; Tăng cường kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập, nghiên cứu và sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt của nhà trường...