Lời giải nào cho đất vướng quy hoạch "treo" nhiều năm?
Ở chẳng được, bán chẳng xong
Theo phản ánh của tập thể người dân phường An Phú Đông, Quận 12 cho biết, nhiều năm qua họ không thể xây, sửa nhà mà phải sống trong tình cảnh nhà xuống cấp trầm trọng, ngập lụt khi mùa mưa tới. Bên cạnh đó, người dân cũng không thể chuyển nhượng hay thế chấp để có nguồn vốn tìm nơi khác ở, với lý do đất vướng quy hoạch "treo".
Cụ thể, đất và nhà của người dân tại vị trí các thửa đất và một phần các thửa đất số: 111, 113, 116, 117, 129, 130, 131, 132, 133, 416, 417, 418, 453, 467, 477, 478, tờ bản đồ số 41, đang nằm trong quy hoạch đất y tế và lộ giới dự phòng theo Quyết định số 4936/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của UBND TP Hồ Chí Minh.
Sống trong cảnh vướng quy hoạch "treo" thật khó khăn đối với người dân nơi đây. Đôi khi họ chỉ có mong muốn được sửa sang lại căn nhà kiên cố hơn, để tránh được những cơn mưa lớn làm dột mái hay những khi nước lên ngập tràn vào nhà nhưng đều không thể. Chính vì vậy, những căn nhà cũ kĩ, sập sệ, mái tôn loang lổ màu tại khu vực này vẫn mãi như thế, thật khác so với những công trình, sự đổi mới mỗi ngày của TP.
Đôi khi người dân cũng nản chí, muốn bán nhà để sang nơi khác sống nhưng chẳng ai dám mua. Tình cảnh "ở chẳng được, bán chẳng xong" cứ đeo đuổi cuộc sống họ suốt nhiều năm qua. Điều đáng nói, kể từ ngày quyết định này được ban hành, đã hơn 10 năm nhưng địa phương chưa có động thái triển khai, sử dụng đất theo quy hoạch.
Ghi nhận thực tế tại các khu đất theo phản ánh của người dân, nhiều mái tôn cũ kỹ, chấp vá |
Mòn mỏi chờ...
Nói về tình cảnh của mình, cô N.T.D, một người dân cư ngụ lâu năm trong khu vực quy hoạch, cho hay: “Cô có đất đai thừa kế của gia đình mà hơn chục năm nay phải đi làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Nhà cửa đang ở thì bị xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần phải sửa chữa thì lo âu, hồi hộp vì sợ lực lượng chức năng xuống đình chỉ và bắt tháo dỡ. Cuộc sống trên đất của mình mà như đang ở thuê”.
Tương tự, ông N.V.B cũng ngao ngán không kém: “Em của bác bị bệnh nặng, cần bán đất chữa chạy nhưng vì là đất quy hoạch treo nên bán chẳng ai mua. Em bác mất vì không có đủ tài chính để chữa chạy”.
Trước thực trạng đời sống và quyền lợi bị ảnh hưởng, tập thể người dân đã nhiều lần gửi kiến nghị, phản ánh đến các cơ quan chức năng từ quận đến thành phố để bày tỏ tình cảnh trên và mong muốn được xem xét. Người dân cũng có nguyện vọng và kiến nghị được thay đổi mục đích sử dụng đất so với quy hoạch ban đầu để có thể xây, sửa chữa lại những căn nhà đã xuống cấp. Tuy nhiên, UBND Quận 12 trả lời do đất vẫn thuộc quy hoạch nên không thể điều chỉnh theo mong muốn trên của người dân.
Để làm rõ những phản ánh, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP và UBND Quận 12.
Theo Phòng KV2, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, căn cứ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu 4 phía Nam phường An Phú Đông, Quận 12 đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt tại quyết định số 4936/QĐ-UBND ngày 11/9/2013, vị trí các thửa đất và một phần các thửa đất số: 111, 113, 116, 117, 129, 130, 131, 132, 133, 416, 417, 418, 453, 467, 477, 478, tờ bản đồ số 41, phường An Phú Đông, Quận 12 thuộc ô phố ký hiệu I/2, chức năng quy hoạch đất y tế, một phần diện tích thuộc đất giao thông.
Đồng thời, việc điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn Quận 12 đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể tại Công văn số 847/UBND-ĐT ngày 13/3/2023.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phê duyệt đề cương và tổng dự toán lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 4 phân khu ngày 6/2/2024 tại các Quyết định số 45/QĐ-UBND, 46/QĐ-UBND, 47/QĐ-UBND.
Hiện nay, UBND Quận 12 đang trong quá trình thực hiện công tác tổ chức điều chỉnh quy hoạch theo quy định, làm cơ sở trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định và trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, đảm bảo phù hợp với đồ án quy hoạch chung TP đang được lập điều chỉnh tổng thể.
“Việc rà soát các bất cập, quy hoạch không khả thi sẽ được UBND Quận 12 xem xét trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (trong đó có khu vực thuộc ô phố ký hiệu 1/2 nêu trên)”, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh thông tin thêm.
Tại văn bản phản hồi báo Tuổi trẻ Thủ đô, UBND Quận 12 cho biết, căn cứ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu 4 phía Nam phường An Phú Đông, Quận 12 đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt tại Quyết định số 4936/QĐ-UBND ngày 11/9/2013: Vị trí khu đất nêu trên một phần thuộc quy hoạch đất nhóm nhà ở xây dựng mới (một phần ô phố ký hiệu I/1), một phần thuộc quy hoạch đất y tế (một phần ô phố ký hiệu I/2), một phần thuộc quy hoạch đất giao thông (đường ký hiệu D1 và N1, lộ giới 16m; vạt góc giao lộ theo quy hoạch được duyệt).
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch, UBND Quận 12 sẽ xem xét trong quá trình điều chỉnh tổng thể các Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn quận.
Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn Quận 12 đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương, danh mục kế hoạch và bố trí vốn để thực hiện. UBND Quận 12 đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hiện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu vực Quận 12 (chủ đầu tư) đang triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn để lập các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn quận, làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Tuy nhiên, theo UBND Quận 12, tiến độ lập, trình thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch này sẽ phụ thuộc vào tiến độ thực hiện điều chỉnh đồ án quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (hiện đang trong quá trình lập đồ án quy hoạch).
“Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch sẽ có bước thông báo niêm yết, công khai và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; do đó, đề nghị người dân quan tâm theo dõi thông tin tại trụ sở UBND phường, văn phòng khu phố và đóng góp ý kiến theo quy định”, UBND Quận 12 cho biết.
Cần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân Theo Luật sư Nguyễn Trần Phương, Công ty Luật Long Phan PMT (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Xét về mặt pháp lý, hoạt động thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Quận 12 nêu trên chưa phù hợp với các quy định pháp luật, cụ thể: . Theo Điều 49 Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có quy định như sau: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 7 Điều này”. Theo đó, UBND Quận 12 có thời hạn 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất để tiến hành ra quyết định thu hồi đất hoặc quyết định về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất tại địa phương đã công bố. Tuy nhiên, thực tế UBND Quận 12 không có bất kỳ hoạt động nào thể hiện việc tiến hành thực hiện theo quy hoạch được công bố. Cũng theo luật sư Phương, căn cứ quy định nêu trên, khi kế hoạch sử dụng đất được công bố nhưng không được thực hiện đúng thời gian quy định và không có sự điều chỉnh thì sau thời gian này, người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền theo quy định pháp luật, bao gồm quyền sửa chữa, xây dựng mới nhà ở công trình xây dựng. Tuy nhiên, tại Quận 12 khi người dân có nhu cầu sửa chữa nhà do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng vẫn bị cơ quan có thẩm quyền kiểm soát không cho phép thực hiện vì lý do đất thuộc diện quy hoạch. Qua vụ việc trên cho thấy, quy định pháp luật cho phép người sử dụng đất thực hiện quyền của mình, tuy nhiên, thực tế phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của chính quyền địa phương. "Để khắc phục tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài, UBND Quận 12 và UBND TP Hồ Chí Minh cần phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ kịp quy hoạch quá thời hạn, không có tính khả thi. Hơn hết, để đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân, các cơ quan có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho người dân tại các khu vực này được thực hiện quyền sử dụng đất của mình theo đúng quy định pháp luật", luật sư Nguyễn Trần Phương nêu quan điểm. |