Liên tiếp xảy ra hoả hoạn: Cần chủ động phòng, chống "giặc lửa" mùa nắng nóng
Nhiều vụ cháy do bất cẩn khi sử dụng điện
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ hoả hoạn gây thiệt hại về người và tài sản. Mới đây nhất, vào ngày 13/5, tại phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội, xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng làm 4 người tử vong và 1 người bị thương.
Theo báo cáo nhanh của UBND quận Hà Đông, vào khoảng 7h45 phút sáng 13/5, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân, địa chỉ số 24 phố Thành Công, tổ dân phố số 8, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Sau khi nhận tin báo cháy, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố đã điều động 4 xe chữa cháy (Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Hà Đông 2 xe chữa cháy; Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực số 4 - phòng PC07: 2 xe chữa cháy), cùng cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đến khoảng 7h49 phút cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận, tìm kiếm, cứu người bị nạn, triển khai chữa cháy; Đến khoảng 8h15 phút đám cháy cơ bản được dập tắt. Vụ cháy làm 4 người tử vong là bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1956; Nguyễn Minh P, sinh năm 2013; Nguyễn Quang Minh Đ, sinh năm 2015; Nguyễn Quang Minh H, sinh năm 2019.
Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân ban đầu vụ cháy có thể là do chập điện.
Hiện trường vụ cháy ngày 13/5, tại phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội |
Trước đó, trưa ngày 6/5, đám cháy bất ngờ bùng phát ở bãi trông giữ phương tiện tại địa chỉ số 35, 37 phố Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy). Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chữa cháy phường Dịch Vọng Hậu cùng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy đã điều động phương tiện và cán bộ, chiến sĩ đến chữa cháy. Khoảng 20 phút sau, đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn, có 5 ô tô và một số xe máy bị ảnh hưởng.
Tiếp đó, vào 8h50 ngày 4/5, tại một nhà dân ở ngõ 975 Tam Trinh (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) cũng xảy ra cháy do bất cẩn khi sử dụng điện. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của lực lượng tại chỗ, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn không để lây lan.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) nhận định, các vụ việc đều xảy vào thời điểm nắng nóng ở giai đoạn lượng tiêu thụ điện tăng đột biến. Để phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng, trên các website, trang Facebook, Zalo kết nối với cộng đồng, đơn vị này đã đưa ra các khuyến cáo để người dân nắm rõ.
Công an thành phố cũng khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với hộ gia đình. Cụ thể, các gia đình kiểm tra định kỳ các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; Kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất.
Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sử dụng điện để lâu ngày không hoạt động để sẵn sàng phục vụ các hoạt động khi bước vào mùa nắng nóng; Tắt hết các thiết bị điện không sử dụng trước khi ra khỏi nhà; Nếu cần thiết có thể tắt hẳn cầu dao điện tổng của cả căn nhà nếu không hoạt động trong dài ngày; Không xạc điện thoại, xe máy (xe đạp) điện hoặc các thiết bị tiêu thụ điện khác qua đêm (đặc biệt trong những ngày đi du lịch, nghỉ mát...).
Cùng với đó, các gia đình nên trang bị sẵn bình chữa cháy, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ, vật dụng phương tiện thoát nạn; Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn...
Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay trong PCCC
Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 16/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội, về việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn, Công an thành phố Hà Nội đã khảo sát và thành lập “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng tại 100% khối phố và cho hiệu quả cao.
Hướng dẫn sử dụng thiết bị chữa cháy cho Đội phòng cháy chữa cháy tổ dân phố, phường Thạch Bàn, quận Long Biên |
Nhiều tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã lập ra những tổ chữa cháy, bước đầu phát huy hiệu quả. Theo UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), địa bàn đã thành lập 351 mô hình phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, 4 phường xây dựng được 22 mô hình mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, 18 phường đã xây dựng 310 điểm chữa cháy công cộng, 2 phường đã xây dựng được 19 mô hình Đội dân phòng hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từ các mô hình này, ý thức của người dân trong phòng cháy, chữa cháy được nâng lên.
Tại quận Ba Đình, cả 217 tổ dân phố trên địa bàn đều thành lập Đội chữa cháy dân phòng. Các Đội đều được tập huấn, trang bị những phương tiện, thiết bị chữa cháy. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, qua thống kê, khoảng 70% các vụ việc được lực lượng tại chỗ và quần chúng Nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời, dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, không gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Kết quả này cho thấy, các tổ liên gia, mô hình phòng cháy, chữa cháy cơ sở đã bước đầu phát huy hiệu quả từ việc trang bị kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người dân.
Tại quận Thanh Xuân, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với Công an 11 phường và các đơn vị trên địa bàn quận tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC…
Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố) cho biết, ngoài triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ gia đình, bước vào mùa nắng nóng sắp tới, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cùng người dân và lực lượng chữa cháy cơ sở chủ động phòng ngừa, không để phát sinh cháy, nổ ngay từ ban đầu.