Liên tiếp trẻ bị đuối nước trong mùa nắng nóng: Hồi chuông cảnh tỉnh
Những con số đau lòng
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước ở nhiều nơi trên địa bàn cả nước khiến các bậc phụ huynh lo lắng, xã hội băn khoăn. Tại Hà Nội, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp nhưng số tai nạn đuối nước trên địa bàn vẫn chưa thuyên giảm.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, số lượng trẻ em bị tai nạn đuối nước trên địa bàn không nhiều hơn các loại tai nạn thương tích khác nhưng số ca tử vong do đuối nước xếp hàng đầu. Các tai nạn chủ yếu xảy ra ở địa bàn ngoại thành: Mê Linh, Thanh Oai, Gia Lâm, Ba Vì, Ứng Hòa... những nơi có địa hình nhiều sông hồ, ao.
Trong năm 2023, dù vừa mới vào hè nhưng cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Đơn cử như trong ngày 6/5, cả nước đã xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em.
Tại Hà Nội, nữ sinh T.T.M.T (14 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mất tích do không may trượt chân ngã xuống hồ điều hòa trong khu đô thị ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm khi đang vui chơi, chụp ảnh.
Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm đảm bảo quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em |
Cùng ngày, em Đ.G.H (16 tuổi, trú tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đi tắm biển cùng bạn thì chẳng may bị sóng cuốn trôi. Tại Nghệ An, hai bé gái V.T.H.A (sinh năm 2011) và cháu K.T.T.X (sinh năm 2012, cùng trú tại xã Thanh Sơn, huyện Đô Lương) rủ nhau đi bắt ốc ở khe suối gần nhà thì bị đuối nước...
Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều trẻ được gia đình cho đi du lịch, nghỉ mát ở các bãi biển, khu sinh thái hoặc về quê chơi cũng đã xảy ra đuối nước.
Theo đó, ngày 3/5, cháu N.H.Đ (15 tuổi) khi đi chơi tại khu vực thác Trời trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) không may bị đuối nước. Cháu P.M.Đ, 14 tuổi cùng gia đình đi tắm tại bể bơi Khu sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng tử vong do đuối nước. Cháu L.V.H, 15 tuổi, trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị theo gia đình vào biển Cửa Việt để tắm biển và bị sóng cuốn trôi. Chiều 29/4, ba cháu nhỏ (cháu lớn nhất 12 tuổi, cháu nhỏ nhất 5 tuổi) ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tử vong do đuối nước khi đi tắm tại đập nước gần nhà…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới.
Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đó là sự tổn thất vô cùng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và gia đình, hơn nữa còn để lại nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân.
Cần sự phối hợp giữa các cấp, ngành
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm đảm bảo quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ em.
Ngày 25/7/2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng 9 bộ và tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 giữa các cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp cụ thể trong triển khai các giải pháp, mô hình phòng chống đuối nước trẻ em.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương rà soát các hộ gia đình, các vị trí mặt nước, hồ, ao, sông, suối, công trình công cộng, công trình xây dựng để phát hiện kịp thời các nguy cơ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác. Các địa phương có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em.
Các địa phương cũng cần chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; Vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn cho trẻ em. Ảnh minh hoạ |
Trước kỳ nghỉ hè hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước.
Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các nguyên tắc khi đi chơi ở những khu vực như sông, hồ, ao, vũng nước sâu...
Để công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đạt hiệu quả, ngành giáo dục các địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục và có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn cũng như các dịch vụ liên quan cho học sinh…
Đặc biệt, các đơn vị cần chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước trong đời sống hằng ngày.