Tag
Bộ ba tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung

Lan tỏa tình yêu thương, lối sống tích cực và hạnh phúc

Văn học 22/09/2024 10:00
aa
TTTĐ - Ra mắt liền ba cuốn sách rất đặc biệt, độc giả đều rất xúc động khi cảm nhận được thông điệp về lối sống tích cực, lan tỏa tình yêu thương và niềm hạnh phúc trong từng phút giây của cuộc sống mà tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung gửi gắm qua từng tác phẩm.
Yêu thương nối dài ước mơ cho những đứa trẻ nghèo hiếu học Mang Trung thu yêu thương đến với trẻ em vùng bị ngập lụt Những cuốn vở yêu thương gửi bạn học sinh vùng lũ

Trong bao la tình yêu thương

3 cuốn sách mà tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung gửi tới độc giả lần này ở 3 thể loại khác nhau. Nếu như "Gia đình ta thân yêu" là những bài thơ bà viết chính những người ruột thịt thương mến của mình thì "Chuyện của chúng mình" lại là những bức thư viết tay của bà và người chồng yêu quý. Còn cuốn sách "Tình thơ đối đáp và những lời bình" thì lại là mối quan hệ đặc biệt, tình bạn thơ, bạn tâm giao, bạn vong niên của bà với một người phụ nữ yêu thơ, làm thơ và lấy thơ như lẽ sống của cuộc đời mình.

3 cuốn sách vừa được tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung gửi tới bạn đọc
3 cuốn sách vừa được tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung gửi tới bạn đọc

Dù viết ở hình thức nào, thể loại nào, người đọc dễ dàng nhận thấy bao trùm trong các tác phẩm của bà chính là tâm hồn phóng khoáng, rộng mở, chan chứa yêu thương đầy chất phác, giản dị nhưng cũng thắm đượm với cuộc sống, với những người xung quanh của tác giả. Tình yêu ấy thể hiện thấm đẫm trong từng con chữ bởi bà sống luôn tròn đầy, rung cảm và hòa nhịp với cuộc sống sôi động, nhiều ý nghĩa, nhiều màu sắc này.

Với "Gia đình ta thân yêu", ngay từ tựa đề đã cho thấy tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung trân quý gia đình mình như thế nào. Như bà tâm sự: "Thấy tôi đã ở tuổi ngoại 85 mà vẫn sống vui, khỏe, lạc quan yêu đời, vẫn say mê làm việc có ích cho đời và không ngừng cống hiến, nhiều bạn vui hỏi: "Có bí quyết gì vậy?". Xin thưa rằng: Chẳng có bí quyết gì cả! Chỉ có tình yêu!

Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ về tình yêu thương và hạnh phúc của mình với độc giả
Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ về tình yêu thương và hạnh phúc của mình với độc giả

Tôi yêu người và đã được người yêu! Tôi không ghen ghét, giận hờn, đố kỵ ai cả! Đổi lại, tôi may mắn được nhận tình yêu thương của rất nhiều người! Đó chính là "thần dược" để cho tôi luôn được cảm thấy mình tươi trẻ, vui khỏe mãi không già! Mà tình yêu đó, trước hết và gần gũi nhất là tình yêu gia đình, là sự gắn bó thiêng liêng, chân tình, chặt chẽ với mọi thành viên trong gia đình!

Tôi cũng muốn cho các thế hệ con, cháu, chắt của tôi hiểu được rằng tình yêu gia đình là cơ bản, là hạt nhân quan trọng nhất để có tình yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu nhân loại, yêu con người, yêu vạn vật... Bởi thế, tình yêu gia đình thấm đẫm sâu sắc, nồng nàn trong hàng chục tác phẩm thơ đã xuất bản của tôi!".

Trong tập thơ này, tác giả dành cho những người thân yêu của mình những vần thơ tràn đầy cảm xúc. Đó là "Ơn nghĩa sinh thành" của bà với bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, viết thay cả lời các con gửi tới song thân hai bên nội ngoại. Đó là tình yêu gửi tới người mình thương, người bạn đời đồng cam cộng khổ đi qua bao nhiêu mưa nắng trần gian. Đó là "kiềng ba chân" với ba người con mà bà hết sức tự hào.

Buổi ra mắt sách diễn ra trong không gian đầm ấm
Buổi ra mắt sách diễn ra trong không gian đầm ấm

Là người được tiếp xúc 3 tác phẩm từ khi là bản thảo, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hà Books nhấn mạnh: Đây là những tác phẩm vô cùng đặc biệt bởi lần đầu tiên đơn vị ra mắt cùng một lúc 3 cuốn sách như vậy.

Với cuốn sách "Gia đình ta thân yêu", TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vô cùng xúc động bởi tình cảm rất chân thành, gần gũi mà tác giả gửi gắm tới các thành viên trong gia đình mình. Đặc biệt, sau người mẹ thì các con dâu chính là người mà bà Mỹ Dung dành tình cảm chăm lo, yêu thương cho như con gái, điều mà khiến các con trai của bà có khi phải "phát ghen".

Ở cuốn sách này, bà cũng dành những vần thơ để viết về các cháu của mình - những thế hệ tiếp nối đầy tự hào của gia tộc.

Lan tỏa niềm hạnh phúc

Chỉ còn 3 ngày nữa là bước vào tuổi 86, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung vẫn tràn đầy năng lượng, say mê sáng tạo và truyền đi năng lượng tích cực ấy đến với mọi người. Bởi bà là người sống mở lòng với tất cả mọi người, được yêu thương và đến lượt mình, bà lại muốn tất cả những người xung quanh được sống trong bầu không khí thấm đẫm yêu thương ấy.

Học trò của cô giáo Dung biểu diễn ca khúc được phổ nhạc từ thơ của bà
Học trò của cô giáo Dung biểu diễn ca khúc được phổ nhạc từ thơ của bà

Có lẽ, chính bởi vậy mà lễ ra mắt 3 cuốn sách của bà dù diễn ra trong buổi sáng cuối tuần có cơn gió mùa Đông Bắc đầu tiên tràn về kèm mưa nhỏ nhưng đông đảo người đến dự và ấm áp đậm đà tình thân giữa những người quan tâm, yêu thương nhau bằng cả tấm lòng. Tổ chức vào cuối tuần để không ảnh hưởng tới thời gian công tác của mọi người, tác giả xin phép không nhận hoa và quà tặng, khán phòng chỉ có tiếng cười, niềm hân hoan và tình cảm chân thành như ruột thịt dành cho nhau.

Đó là những người học trò cũng đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm" nhưng vẫn tích cực luyện tập và gửi đến khách mời các tác phẩm được phổ nhạc từ thơ của cô giáo Mỹ Dung. Đó là những "bạn học" với bà ở các lớp mỹ thuật, âm nhạc... bởi bà chưa bao giờ ngừng học hỏi để sáng tạo ra các tác phẩm, tạo dựng nên niềm vui cho mình và mọi người.

Tranh do tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung vẽ
Tranh do tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung vẽ

Trong không gian ấm áp với những bức tranh tác giả tự vẽ, với tiếng nhạc từ cây đàn Hawaii mà người cháu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gửi tặng, độc giả được tìm hiểu rõ hơn về những bức thư tay mà bà và người bạn đời gửi gắm tới nhau trong nhiều chục năm trời. Từ tình bạn thuở học trò:

"Ngày ấy ta - mình thơ dại

Gặp nhau dưới mái chùa xinh

Sách đèn hai đầu chụm lại

Chia nhau từng trái me xanh!".

Đến "Tình bạn phương xa" khi người bạn học năm ấy rời xa Tổ quốc đến với vùng đất giá lạnh để học tập. Suốt hành trình từ Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa hay Magdeburg... người bạn ấy đều viết thư cho cô gái Mỹ Dung ở nhà và sau này khi đã trở thành vợ chồng, lại tiếp tục xa nhau, hai người vẫn đều đặn trao gửi tâm tình qua những cánh thư.

Những tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung
Những tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung

Tình cảm của họ vì thế mà được gắn chặt qua bao biến cố cuộc đời, qua những khi là "vợ chồng Ngâu", những lúc "Thử lửa" và "Thương anh khó xử". Để rồi tác giả vẫn viết thư gửi tới người chồng thân yêu dù ông đã đi xa. "Tháng 7 tới rồi! “Tháng của chúng mình", vì có ngày là 7 - Ngày cưới của chúng mình - một ngày tầm tã, hiếm hoi giữa ngày hè nắng cháy năm ấy - 1965. Một ngày không thể nào quên!

Nhưng từ đâu mà có được ngày ấy? Rồi sau ngày ấy thì thế nào?

Tất cả hiển hiện lên rõ mồn một qua những bức thư tay! Tất cả ký ức một thời xa xưa bỗng ùa về như đã được việt thành tự truyện!

Và nay, tháng 7 lại về! Như mười bốn năm anh đã đi xa! Em lại muốn cùng anh đọc lại những bức thư tay của hai đứa mình, dâu đã không hẹn mà đều được cất giữ đầy đủ, sắp xếp theo trình tự cẩn thận và đã trao cho nhau làm quà tặng duy nhất ngày ấy - ngày 24/7/1995 - trước bạn bè và bà con nội ngoại - đặc biệt là cả trước mẹ và em gái duy nhất của anh để kỷ niệm 30 năm ngày cưới - như một lời khẳng định về cái kết rất có hậu trong câu chuyện dài kỳ, nhiều tập, không ít khó khăn, trắc trở mà cũng không kém phần thú vị trong “Chuyện của chúng mình".

Đông đảo người thân, bạn bè, học trò đến dự buổi ra mắt sách của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đông đảo người thân, bạn bè, học trò đến dự buổi ra mắt sách của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung

Lần giở từng trang sách, độc giả sẽ hiểu tại sao tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung lại luôn tươi vui, tràn đầy năng lượng như thế. Bởi bà đã sống rất chân thành và được đền đáp xứng đáng. Vì thế, những trang thư tay mang tính chất riêng tư lại trở thành kinh nghiệm với những đôi lứa yêu nhau trong hiện tại. Muốn tình cảm được duy trì, phát triển bền vững thì chúng ta hãy luôn trao đổi tâm tình, đồng hành với nhau trong mọi chặng đường của cuộc sống.

Điều quan trọng nhất là phải đặt mình vào tình cảm của đối phương để thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành với nhau. Có như thế hạnh phúc mới được trọn vẹn.

Điều khiến độc giả ngạc nhiên nữa, trong dòng chảy tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình mà tác giả gửi tới độc giả còn có cả tình cảm đối với những thân phận, mảnh đời, với mối giao cảm thi ca mà câu chuyện giữa hai "người thơ" Nguyễn Thị Mỹ Dung và Nguyệt Lê.

Có thể nói, đây là một tình bạn đặc biệt, hiếm hoi từ trước đến nay. Là người yêu thơ, chăm viết lách, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung còn chăm chỉ cập nhật công nghệ khi viết thơ thẳng lên FaceBook. Chính vì thế bà có nhiều bạn bè trên mạng xã hội. Trong đó có một người phụ nữ cũng làm thơ mang tên Nguyệt Lê.

Chỉ biết nhau qua tác phẩm, Nguyễn Thị Mỹ Dung nhanh chóng bị những vần thơ của Nguyệt Lê lôi cuốn, đồng cảm và xót thương. Những vần thơ đẫm nước mắt của người đàn bà gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống có sức lay động kì lạ. Để từ đó hai người phụ nữ "Chỉ là người trước kẻ sau" đã đối đáp, xướng họa với nhau, trở thành cặp bạn bè tâm giao, tri âm, tri kỷ.

Theo tác giả Mỹ Dung, bà không chỉ làm thơ đối đáp với Nguyệt Lê để chia sẻ, động viên với tâm tư, tình cảm của người bạn vong niên mà nhiều lúc còn phản biện, khích lệ để cô vượt qua nỗi buồn đau bi lụy, nhìn cuộc sống tươi sáng hơn, nhiều màu sắc hơn. Các bài thơ đối đáp của hai chị em khiến rất nhiều người yêu thơ cảm động và yêu thích.

Chưa dừng lại ở đó, bà còn vào tận Bến Tre, tìm đến tận nơi để gặp gỡ và thấu hiểu hơn về tác giả của những bài thơ khiến bà rung động ấy.

Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung luôn tràn ngập tình yêu thương cuộc sống và con người luôn
Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung luôn tràn ngập tình yêu thương cuộc sống và con người

Chia sẻ về lí do công bố tập thơ này, tác giả Mỹ Dung nhấn mạnh khi cất công tìm lại từng bài, xâu chuỗi, hệ thống lại tình thơ đối đáp của hai chị em, bà còn có mong muốn tột bậc là bước đầu giới thiệu thơ Nguyệt Lê trên văn - thi đàn Việt Nam.

Bà cũng muốn quảng bá rộng rãi thơ Nguyệt Lê ra với đông đảo công chúng bạn đọc trong cả nước, lưu lại cho bạn đọc và cả cho hậu thế biết về thơ Nguyệt Lê - một hiện tượng thơ lạ trên thi đàn Việt Nam.

"Tôi cũng hy vọng, qua đọc "Tình thơ đối đáp" này, bạn đọc sẽ hiểu sâu hơn, cảm thông hơn với thơ và đời của Nguyệt Lê, để các bạn sẽ cùng tôi, chúng ta sẽ chung tay góp những hòn gạch dầu là nhỏ, dần kê cho cả đời sống và đời thơ của Nguyệt Lê bớt phần khấp khểnh, chênh vênh".

Những tình cảm chan chứa ấy chính là tấm lòng của tác giả với đời, với người và chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm, rung động của độc giả khắp cả nước để chúng ta sống với nhau chan hòa hơn, ấm áp hơn, bao dung hơn và tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc của cuộc đời này.

Đọc thêm

SBOOKS được gọi tên trong Giải thưởng Sách quốc gia 2024 Văn học

SBOOKS được gọi tên trong Giải thưởng Sách quốc gia 2024

TTTĐ - Tối 29/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Công ty Cổ phần SBOOKS vinh dự nhận bằng khen bởi thành tích phát hành xuất sắc trong Lễ trao giải thưởng Sách quốc gia 2024.
Tôn vinh những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu Văn học

Tôn vinh những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu

TTTĐ - Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, nhằm mục tiêu cao nhất là thể hiện tình yêu sách, sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu".
Trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIV, năm 2024 Văn học

Trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIV, năm 2024

TTTĐ - Ngày 29/11, nhân dịp kỷ niệm 139 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, nhà sử học, nhà văn hóa, nghĩa sĩ yêu nước, người góp phần khởi động Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ XIX, tại Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIV.
Hoài niệm thu Hà Nội với những dấu ấn thời gian Văn học

Hoài niệm thu Hà Nội với những dấu ấn thời gian

TTTĐ - "Ngày tôi về Hà Nội" của nhà thơ Hoàng Hạnh là tác phẩm đậm chất thi ca về mùa thu Hà Nội, với những hình ảnh tinh tế, xúc cảm sâu sắc.
"Chuyện cây thông non" đặc biệt mùa Giáng sinh Văn học

"Chuyện cây thông non" đặc biệt mùa Giáng sinh

TTTĐ - “Chuyện cây thông non” - một trong những ngụ ngôn ý nghĩa nhất của văn hào Hans Christian Andersen về Giáng sinh đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Lan tỏa và nhân lên giá trị tri thức, văn hóa trong đời sống xã hội Văn học

Lan tỏa và nhân lên giá trị tri thức, văn hóa trong đời sống xã hội

TTTĐ - Qua 6 lần tổ chức, đến nay Giải thưởng Sách quốc gia đã trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao.
Tình thầy trò trong dòng chảy ký ức Văn học

Tình thầy trò trong dòng chảy ký ức

TTTĐ - Bài thơ "Gặp trò xưa giữa Thủ đô Hà Nội" khắc họa tình thầy trò sâu sắc, gợi nhớ ký ức đẹp và tôn vinh nghề giáo qua dòng thời gian.
Lòng biết ơn - ngọn nguồn của nhân cách vẹn toàn Văn học

Lòng biết ơn - ngọn nguồn của nhân cách vẹn toàn

TTTĐ - Bài thơ "Lòng biết ơn cho nhân cách vẹn toàn" của nhà thơ Hoàng Hạnh là bản giao hòa đầy xúc cảm giữa tình yêu Tổ quốc, lòng tri ân người chiến sĩ và khát vọng gìn giữ giá trị nhân văn sâu sắc. Qua từng dòng thơ, tác giả không chỉ khắc họa hình ảnh người lính Trường Sa mà còn khơi dậy lòng biết ơn - một phẩm chất ngọn nguồn cho nhân cách toàn vẹn.
Tìm lại bóng hình Hà Nội qua dòng chảy văn chương Văn học

Tìm lại bóng hình Hà Nội qua dòng chảy văn chương

TTTĐ - Cho đến nay, Hà Nội vẫn còn nguyên sức hút của một thực thể văn hóa sinh động. Các văn nghệ sĩ đã kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật.
Cuộc thi viết về sự biến chuyển của phố và làng Hà Nội Văn học

Cuộc thi viết về sự biến chuyển của phố và làng Hà Nội

TTTĐ - Cuộc thi viết "Hà Nội & tôi" lần thứ II do tạp chí Người Hà Nội tổ chức là cơ hội để mọi người hình dung rõ nét hơn về sự biến chuyển của phố và làng ở Thủ đô qua từng giai đoạn, góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị cũ và mới của mảnh đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ.
Xem thêm