Làm thế nào để con em mình không bị xâm hại tình dục?
Các bậc cha mẹ hãy dạy cho trẻ cách để tự bảo vệ mình càng sớm càng tốt... (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Đề xuất đưa vấn đề xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát
Tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
Tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em
Hải Phòng: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng nhiều lần xâm hại nữ sinh cấp II
Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em gái ở độ tuổi 12-15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, số vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thực tế lớn hơn rất, rất nhiều. Bởi hầu hết các gia đình nạn nhân, vì nhiều lý do khác nhau (kẻ hãm hiếp là người thân trong gia đình... nên không nỡ tố cáo. Hoặc bị kẻ hãm hại dọa nạt. Hoặc sợ nếu tố cáo sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con cái....) mà không dám tố cáo.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động trên có nhiều. Song theo tôi, nguyên nhân căn bản nhất chính là việc các bậc cha mẹ thiếu kiến thức trầm trọng trong việc dạy con cách phòng chống xâm hại tình dục. Tệ hại hơn, họ luôn tự tin nghĩ rằng, con cái mình đang ở trong vòng an toàn, chuyện trẻ em bị xâm hại kia chỉ xảy ra đâu đó ngoài xã hội. Họ không nhận thức được nguy cơ trẻ bị xâm hại có thể xảy ra với con em mình bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, bản thân các con, ở nhà trường, cũng không được các thầy cô giáo trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình.
Nói về hậu quả của việc trẻ bị xâm hại tình dục thì quá khủng khiếp. Năm 2013, khi theo chân Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng tăng toàn Làng Mai tổ chức hàng loạt các khóa tu dọc nước Mỹ, tôi đã tận mắt chứng kiến những bi kịch đau lòng của rất nhiều người Mỹ, vốn là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Họ bị hãm hiếp khi mới 8, 9 tuổi. Họ cực kỳ đau khổ. Suốt cuộc đời họ trách móc cha mẹ đã không bảo vệ họ. Mối liên hệ của họ với chồng, vợ cũng rất khó khăn bởi ám ảnh của cuộc hãm hiếp khiến họ không thể thăng hoa. Nỗi đau cứ đeo đuổi họ suốt cả cuộc đời.
Ở Mỹ, tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra khắp nơi. Có từ 5-15% bé trai và 15-35% bé gái bị lạm dụng tình dục. Ở Việt Nam, con số thực tế là bao nhiêu? Không ai biết. Song có một điều chắc chắn rằng, tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em đã và đang xảy ra khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn.
Đây thực sự là vấn đề cấp bách. Theo tôi, để giải quyết vấn nạn này, cần có sự chung tay góp sức, đồng lòng của nhà chức trách, những người ban hành luật, các nhà hoạt động xã hội, đặc biệt là nhà trường và các bậc cha mẹ. Ở phương Tây, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cực kỳ có ý thức trong việc dạy con phương pháp phòng tránh xâm hại tình dục. Một trong những phương pháp căn bản nhất, dễ nhớ, an toàn nhất là QUY TẮC 5 NGÓN TAY. Quy tắc này sẽ giúp trẻ xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục.
1. Ngón cái - tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình nhưông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Những người này có thể ôm hôn, tắm, ngủ chung hay làm vệ sinh giúp bé khi còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín.
2. Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình: Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Nhưng chỉ dừng lại ở đó. Còn nếu ai chạm vào “vùng đồ bơi”, bé sẽ hét to và gọi mẹ.
3. Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.
4. Ngón áp út – người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu. Bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.
5. Ngón út - ngón tay xa bé nhất - thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
Bên cạnh QUY TẮC 5 NGÓN TAY còn có một số lời khuyên cơ bản hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ cách bảo vệ mình nhằm ngăn ngừa tình trạng bị lạm dụng tình dục.
1. Trò chuyện với trẻ: Cha mẹ hãy sử dụng những câu chuyện, những đoạn phim nói về tình trạng trẻ em bị xâm hại để mở đầu cuộc trò chuyện. Hoặc cha mẹ cũng có thể mua một vài quyển sách về giáo dục giới tính để vào giá sách của trẻ.Hãy sử dụng chúng là những cầu nối để bắt đầu một buổi nói chuyện về việc lạm dụng tình dục ở trẻ em.
2. Gọi tên chuẩn xác từng bộ phận trên cơ thể: Đây là những “vùng riêng tư” mà trẻ tuyệt đối không được cho ai nhìn hoặc chạm vào. Cha mẹ nên dạy cho trẻ tên gọi các bộ phận của cơ thể ngay khi trẻ bắt đầu biết nói. Nếu chẳng may, trẻ gặp phải tình huống xấu, trẻ cần phải có khả năng truyền đạt rõ ràng cho cha mẹ hoặc bất cứ ai về những gì đang xảy ra. Gọi tên chính xác các bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả “vùng kín” cũng làm giảm sự xấu hổ khi nói về tình dục.
3. Không ai được phép chạm vào bộ phận riêng tư: Bao gồm dương vật, âm đạo, âm hộ, mông, vú và núm vú. Hãy luôn nhắc nhở trẻ rằng, không ai được phép chạm vào phần riêng tư của trẻ trừ cha mẹ hoặc bác sĩ nếu cha mẹ có mặt ở đó. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên nhấn mạnh cho trẻ hiểu không ai có quyền chạm vào cơ thể người khác nếu người đó chưa cho phép, cho dù là nắm tay hay hôn đều không được.
4. Đặt tình huống giả định cho trẻ giải quyết: Cha mẹ hãy đặt những câu hỏi để trẻ học cách giải quyết:
- Con sẽ làm gì nếu ai đó chạm vào những bộ phận riêng tư của con?
- Con sẽ nói việc này với ai?
- Con sẽ làm gì nếu người đó dặn “đó là bí mật của chúng ta”?
- Con sẽ làm gì nếu họ đe dọa như sẽ đánh con nếu con nói chuyện này ra ngoài?
5. Quy tắc “không bí mật”: Nếu ai đó, thậm chí là ông bà, nói với trẻ “Đây là bí mật của chúng ta” thì trẻ nên trả lời một cách mạnh mẽ nhưng lịch sự: “Không có bí mật nào ở trong nhà của con cả”. Cha mẹ nên lặp đi lặp lại câu “thần chú” này để trẻ luôn nhớ: “Đôi khi chúng ta có những bất ngờ nhưng không bao giờ được giữ bí mật. Cha mẹ và con sẽ nói cho nhau nghe về mọi thứ”.
6. Quy tắc “đồng ý”: Nếu ai đó muốn chạm vào trẻ thì chắc chắn phải nhận được sự đồng ý từ trẻ. Cha mẹ nên nói rõ cho trẻ hiểu quy tắc cơ bản khi muốn chạm vào cơ thể người khác, đó là xin phép. Và nếu họ nói “không được phép” thì mình phải dừng lại, không được tùy tiện chạm vào người khác. Quy tắc “đồng ý” nên được thực hiện trong gia đình. Ví dụ: cha mẹ muốn hôn trẻ thì phải xin phép “mẹ hôn con một cái có được không?” và ngược lại.
7. Khuyến khích trẻ kể những điều đã xảy ra khiến trẻ sợ hãi, buồn hoặc không thoải mái. Lắng nghe trẻ nói, đồng cảm và ôm trẻ là cách cha mẹ trấn an con mình, rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên bảo vệ con. Vì vậy, việc thường xuyên nói chuyện, chia sẻ thông tin giữa cha mẹ và trẻ là rất quan trọng.
8. Cam kết với trẻ là cha mẹ sẽ không bao giờ trách mắng: Thường những kẻ xâm hại hay hù dọa là nếu nói ra chuyện này thì cha mẹ sẽ không yêu trẻ nữa. Đã có những đứa trẻ chấp nhận chịu đựng nỗi đau một mình. Vì vậy, khi nói chuyện với con, cha mẹ nên quan tâm đến cảm nghĩ của trẻ. Cha mẹ hãy hỏi trẻ nếu trong trường hợp đó, trẻ có nói với cha mẹ không, sẽ làm gì? Từ đó, cha mẹ có thể đưa ra những lời gợi ý để giúp trẻ giải quyết tình huống. Điều quan trọng là cha mẹ cần cam kết sẽ không tức giận, không la mắng, luôn yêu thương trẻ.
9. Không bao giờ ép trẻ ôm hôn ai, kể cả người thân: Trẻ có quyền được từ chối ôm hoặc hôn bất kỳ ai nếu trẻ không muốn, kể cả cha mẹ và ông bà. Trẻ có toàn quyền với cơ thể của mình. Cha mẹ cần cho phép trẻ quyền được từ chối ôm hoặc hôn bất kỳ ai mà trẻ không muốn, kể cả cha mẹ và ông bà. Vì tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em không phải chỉ có người lạ, mà đối tượng còn có thể chính là những người thân quen và trong gia đình.
10. Không để trẻ ở một mình với bất kỳ ai, ngoại trừ cha mẹ thật sự tin tưởng người đó: Hầu hết phạm nhân trong những vụ lạm dụng tình dục đều có quen biết với gia đình nạn nhân như hàng xóm, giáo viên, người thân hoặc bạn bè của cha mẹ - những người hầu như chúng ta không đề phòng. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tin vào bản năng, tin vào linh cảm và chú ý đến con của mình thì hoàn toàn có thể phòng tránh được những đối tượng này.
11. Khuyến khích trẻ tin tưởng vào cảm giác của mình: Nếu cảm thấy có điều gì đó không an toàn, trẻ nên bỏ đi ngay và thông báo cho cha mẹ biết điều đó càng sớm càng tốt. Trẻ cần phải hiểu điều quan trọng là giữ an toàn cho bản thân hơn là giữ lịch sự.
Các bậc cha mẹ hãy dạy cho trẻ cách để tự bảo vệ mình càng sớm càng tốt để tránh khỏi vấn nạn xâm hại trẻ em. Bởi nguy cơ luôn rình rập ngoài kia và không chừa một ai cả. Hãy cùng chia sẻ, lên tiếng để bảo vệ chính gia đình mình nhé!