Kiên trì vận động đồng bào dân tộc thiểu số cho con em tới trường
Tại buổi gặp mặt, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã báo cáo về việc triển khai chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020. Anh Tuấn cho biết, năm nay, chương trình có nhiều điểm mới, tiêu biểu như việc đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí giới thiệu những tấm gương giáo viên xuất sắc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp mặt các thầy cô giáo dân tộc thiểu số |
Từ hồ sơ của các tỉnh, thành phố và tổ chức, cơ quan giới thiệu, chương trình đã lựa chọn được 63 thầy, cô giáo tiêu biểu, thuộc 26 dân tộc thiểu số. Trong đó, người cao tuổi nhất là thầy giáo Thạch Bình Thanh (sinh năm 1969, dân tộc Khmer, công tác tại trường Tiểu học Thạch Thía, huyện Tam Bình, Vĩnh Long), trẻ tuổi nhất là cô giáo Pi Năng Thị Hải (sinh năm 1996, dân tộc Raglai, công tác tại trường Mầm non Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Dịp này, các thầy cô giáo tham gia chương trình bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong quá trình công tác tại vùng dân tộc thiểu số. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình công tác tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cô giáo Vàng Ha De (sinh năm 1990, người dân tộc La Hủ) cho biết, do nhận thức còn hạn chế, nên nhiều phụ huynh ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Những năm trước đây, ngày nào các thầy cô giáo cũng phải đến bản, vận động từng học sinh tới trường.
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn báo cáo về chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 |
Cô giáo Vàng Ha De chia sẻ: "Lớp học của cô trò chúng tôi dựng bằng ván gỗ, điều kiện vật chất thiếu thốn đủ thứ nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng dạy học vừa thay phụ huynh chăm lo cho học sinh từ việc giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều lúc, tôi chỉ thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khó khăn”.
Cô Phùng Thị Thủy (sinh năm 1992, dân tộc Thái) công tác tại điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, nên chỉ vào dịp cuối tuần cô Thủy mới được liên lạc về gia đình một lần.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với giáo viên dân tộc thiểu số |
Cô Thủy cho biết, trước đây, điểm trường được phụ huynh học sinh góp sức trát bùn làm vách, mái cũng chỉ lợp lá. Vào ngày mưa, giáo viên muốn tới trường phải đi bộ hơn 4 giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất đã cơ bản được cải thiện nhưng điểm trường vẫn chưa có điện. Trời lạnh đến mấy, cô trò cũng đều dựa vào nguồn điện năng lượng mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày…
Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những chia sẻ về khó khăn, vất vả trong điều kiện công tác, đời sống sinh hoạt và sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các thầy, cô giáo tham dự chương trình.
Các thầy cô giáo tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 chụp ảnh lưu niệm |
Qua những tâm tư, nguyện vọng của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ vận động các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong các hạng mục cụ thể như: Cơ sở vật chất trường, lớp; Điện, nước; Sóng điện thoại; Bữa ăn đủ dinh dưỡng; Nhà vệ sinh; Giáo cụ, đồ dùng học tập, nhất là giáo cụ dạy tiếng dân tộc...
"Tôi mong muốn 63 thầy, cô giáo được tuyên dương dịp này trở thành những đại sứ đầu tiên của chương trình vận động, nêu lên các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cụ thể, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn… Các thầy, cô tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, luôn là tấm gương sáng trong ngành Giáo dục, kiên trì trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số cho con em tới trường, duy trì việc học tập", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.