Không thi cuối kỳ đối với học sinh khối 1, 2 và nhiều kịch bản cho năm học mới
Cuộc thi trực tuyến "Cuốn sách tôi yêu" năm 2021 1 triệu khóa học luyện thi trực tuyến tặng học sinh chuyển cấp trong mùa dịch Covid-19 Thi trực tuyến “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” |
Chủ động "vào việc" với thi trực tuyến
Quyết định này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận được nhiều sự đồng tình từ cha mẹ, các học sinh và nhà trường.
Theo đó, Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT chỉ đạo trường tiểu học trên địa bàn quản lý, nếu đơn vị nào chưa hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học cuối kỳ 2, không đủ điều kiện để kiểm tra trực tuyến theo quy định của Bộ GD&ĐT, được phép dựa vào kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để khẳng định kết quả năm 2020 - 2021 đối với học sinh lớp 1, 2.
Một tiết học online của cô trò trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình) |
Trước và ngay sau khi có văn bản, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã chủ động tổ chức thi trực tuyến theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT từ trước đó.
Ông Lê Đức Thuận, trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai thi cuối kỳ với khối 5 trước để hoàn thành hồ sơ cho học sinh nhập học vào lớp 6; Sau đó sẽ tiếp tục triển khai khối 3, 4. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm tra cuối năm học lớp 3, 4 và đánh giá, xếp loại học sinh lớp 1, 2 (theo phương án giao quyền cho giáo viên dựa và kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II, kết quả đánh giá thường xuyên như thế nào…), báo cáo về Phòng GD&ĐT trước khi triển khai thực hiện".
Học trò trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình làm bài thi trực tuyến |
Tại quận Ba Đình trong ngày 7 và 8/8, 100% các trường tiểu học triển khai thi trực tuyến tới khối 5, sáng 7/8 đã kiểm tra xong một số môn. Quá trình thi không xảy ra vấn đề về kỹ thuật hay đề thi… phụ huynh rất yên tâm, ngày mai (8/8) sẽ hoàn thành thi nốt môn còn lại.
Cô Nguyễn Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình) cho biết: “Đối với lớp 5, chúng tôi đang triển khai thi trực tuyến. Sáng nay, học sinh vừa làm bài kiểm tra môn Tiếng Việt. Trước khi thi, nhà trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh, khảo sát về thiết bị, sau đó chuẩn bị tâm lý, ôn tập cho các em để học sinh có sự chủ động. Hôm nay, trường kiểm tra buổi đầu khá suôn sẻ; Máy móc, đường truyền tốt. Mỗi lớp có 2 phòng thi, mỗi phòng thi có 2 giám thị của trường, Ban Giám hiệu sẽ giám sát chung. Ngoài ra còn có thêm cả giáo viên THCS xuống cùng coi thi".
Sẵn sàn các phương án cho năm học mới
Đối với công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội, cô Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, không thi trực tuyến với khối 1, 2 là rất phù hợp với mong muốn của phụ huynh. “Khi chưa có văn bản này, chúng tôi rất băn khoăn bởi lớp 1,2. Học sinh còn nhỏ, nhiều con chưa được tiếp xúc với máy tính nên thao tác, gõ văn bản còn hạn chế. Việc xét, đánh giá học sinh khối 1, 2 là rất phù hợp với bối cảnh thực tế”, cô Ngọc Anh nói.
Thời điểm này, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã có hoạt động chuyên môn sớm và rất kịp thời khi xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên. Cụ thể, các lớp tập huấn kĩ năng công nghệ thông tin đã trang bị cho giáo viên và cán bộ quản lý các công cụ làm việc hiệu quả nếu học online chiếm xu thế trong tình hình dịch bệnh như thế này.
Theo một số giáo viên tại quận Ba Đình, nếu dịch tiếp tục kéo dài, học sinh không thể đến trường thì việc duy trì học tập vẫn phải tiến hành, không để gián đoạn.
Cô Nguyễn Thị Thu Hảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng kịch bản chuẩn bị cho 2 phương án: Nếu tiếp tục học online các cô giáo được tập huấn để chuẩn bị bài giảng dạy trực tuyến hiệu quả, tổ chức các tiết thực tập chuyên đề để khối 2 chuẩn bị năm nay thay sách. Dịch lắng, khi có quyết định của thành phố, học sinh sẽ đến trường".
Cô Hảo cũng cho rằng, không chỉ dịch bệnh, học trực tuyến mới được chú trọng mà hiện nay, phương thức học này càng thịnh hành hơn trong thời đại công nghệ 4.0. Vì vậy, dạy học online cần coi như một phương pháp thông dụng cần sự phát hiện những sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện.
"Tôi cho rằng, dạy học trực tuyến, giáo viên phải chuẩn bị giáo án chu đáo, bài giảng, minh hoạ cụ thể. Giáo viên cần khuyến khích các con tạo nhóm làm việc ở từng phòng học nhỏ. Cô có thể vào mỗi phòng để trao đổi với nhóm. Việc "học mà chơi - chơi mà học", sẽ giúp các con được giao lưu với nhau và tăng hiệu quả bài học”, cô Hảo nói.
Một giờ học trực tuyến của trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội |
Càng thấy sóng cả, càng vững tay chèo...
Nhiều giáo viên dạy lớp 1 cho rằng, cái khó nhất trong việc chuẩn kịch bản cho năm học mới này là nhóm học sinh lớp 1 và lớp 2. Bởi lớp 2 chương trình sách giáo khoa mới; Lớp 1, các em còn nhỏ, chưa thể tự sử dụng máy tính. Ngoài ra, ở lứa tuổi mới vào lớp 1, học sinh còn non nớt, đang chuyển từ hoạt động chủ yếu vui chơi sang học tập, cần sự uốn nắn trực tiếp của cô giáo để hình thành các kỹ năng ban đầu cho việc học tập sau này. Vì vậy, nếu phải học trực tuyến ngay từ khi mới vào năm học sẽ rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn.
Năm học trước, dịch Covid-19 bùng phát không phải từ đầu năm nên giáo viên vẫn có thời gian để dạy học sinh trực tiếp. Vì thế, ngay từ bây giờ, nhiều trường đã lên phương án chuẩn bị cho phụ huynh khối 1 họp Zoom để có những biện pháp thích hợp. Nếu cần thiết, cha mẹ phải vào cuộc, sát cánh với nhà trường.
Cũng có nhiều thầy cô cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các trường có thể bắt đầu năm học muộn hơn so với khung kế hoạch. Đa số thầy cô giáo được hỏi đều cho rằng, trong khó khăn nhưng bằng sự trăn trở, tình yêu nghề, yêu con trẻ sẽ giúp họ vượt qua những thách thức để đạt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng, ngày đầu năm học mới.